Giới thiệu sách “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dẫn đầu”

ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dẫn đầu

Có một điều rõ ràng là trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay đổi thế giới của chúng ta mãi mãi. Và sự thay đổi này có thể sẽ diễn ra một cách sâu sắc hơn so với những gì mọi người đang nhận ra trong hiện tại. Dù cho công việc bạn đang làm là gì, dù cho bạn đang làm trong lĩnh vực kinh doanh hay ngành công nghiệp nào, AI sẽ thúc đẩy nó, nếu không phải là làm thay đổi hoàn toàn.

AI đang cung cấp sức mạnh cho những cỗ máy để chúng có thể nhìn, nghe, nếm, ngửi, chạm, nói, đi bộ, bay và học hỏi. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể sẽ phát triển hoàn toàn những cách thức mới để tương tác với khách hàng, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm thông minh, những trải nghiệm dịch vụ, tự động hóa các quy trình và thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết có rất nhiều nhầm lẫn và được thổi phồng về AI. Một số người xem nó như mối đe dọa cuối cùng của nền văn minh nhân loại, trong khi những người khác lại tin rằng AI là vị cứu tinh sẽ giúp giải quyết những thách thức lớn nhất của loài người, từ việc giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu cho đến việc chữa trị bệnh ung thư. Mục tiêu của cuốn sách này là bỏ qua những điều phóng đại và đáng sợ về AI và cung cấp cho bạn đọc một bức tranh độc đáo về cách thức mà AI đang được sử dụng trong các doanh nghiệp ngày nay.

Bằng cách chia sẻ những câu chuyện thực thế mới nhất và đổi mới sáng tạo nhất trong nhiều lĩnh vực, chúng tôi mong có thể làm sáng tỏ sự thật về AI, đồng thời truyền cảm hứng để bạn thấy được những cơ hội tuyệt vời mà AI đang mang lại. Chúng tôi viết cuốn sách này cho những ai muốn hiểu rõ hơn về AI, do đó chúng tôi đã cố gắng dùng các mô tả về chi tiết kỹ thuật ở mức dễ hiểu mà ai cũng có thể đọc. Đồng thời chúng tôi cũng cung cấp những thông tin vừa đủ cho những người đã và đang làm việc trong lĩnh vực AI.

Tất nhiên, thông qua cuốn sách này, bạn không những sẽ hiểu rõ hơn về cách thức mà những gã khổng lồ về AI như Google, Facebook, Alibaba, Yahoo, Microsoft, Amazon và Tencent đang sử dụng AI, mà bạn còn hiểu được có bao nhiêu công ty truyền thống trong phần lớn các ngành công nghiệp cũng như các công ty khởi nghiệp hiện đại đang sử dụng AI. Hi vọng chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn một bức tranh thực tế về một đỉnh cao công nghệ: nơi mà những doanh nghiệp tiên phong về AI đang tràn đầy năng lượng và tiến về phía trước và bỏ lại các doanh nghiệp truyền thống ở phía sau vẫn còn đang ở vị trí chuẩn bị xuất phát; nơi mà các doanh nghiệp truyền thống đang phải làm việc cật lực để làm mới bản thân và để sử dụng AI nhằm duy trì tính cạnh tranh; và là nơi mà các công ty khởi nghiệp đang sử dụng AI để thách thức cả những doanh nghiệp tiên phong về AI và cả những doanh nghiệp truyền thống.

Công nghệ quyền lực nhất của nhân loại

AI đang là công nghệ quyền lực nhất của nhân loại ngày nay và thật là một sai lầm lớn cho những ai bỏ qua AI. Các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều nhìn thấy cả những cơ hội to lớn mà AI mang lại cũng như các rủi ro khi bị bỏ lại phía sau trong cơn sốt AI.

Tại Mỹ, Nhà Trắng đã phát hành hàng loạt các tài liệu về chính sách nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của AI. Năm 2016, dưới thời của tổng thống Barack Obama, Nhà Trắng đã ban hành bản tuyên bố đầu tiên mang tên “Chuẩn bị cho tương lai của Trí tuệ nhân tạo,”1 đặt nền móng cho chiến lược AI của Mỹ. Năm 2018, dưới thời chính quyền Donald Trump, sau hội nghị thượng đỉnh về AI tại Nhà Trắng, chính phủ đã ban hành “Trí tuệ nhân tạo cho người Mỹ,”2 trong đó Tổng thống Trump tuyên bố: “Chúng ta đang đứng trước những cuộc cách mạng công nghệ mới có thể cải thiện hầu hết các khía cạnh của cuộc sống, tạo ra của cải lớn cho những người lao động và các gia đình tại Mỹ, mở ra những biên giới mới, táo bạo về khoa học, y học và truyền thông.” Mục tiêu của Chính quyền Mỹ là giữ vững sự dẫn đầu về AI bằng cách thúc đẩy nghiên cứu và triển khai AI, đào tạo lực lượng lao động Mỹ trong tương lai để tận dụng tối đa lợi ích của AI.3

Tổng thống Nga Putin cho biết: “Trí tuệ nhân tạo không chỉ là tương lai đối với nước Nga mà còn đối với cả nhân loại […] Bất cứ ai dẫn đầu trong lĩnh vực này đều sẽ trở thành người thống trị thế giới.”4 Trung Quốc đã phát triển một cách quyết liệt bản kế hoạch tham vọng nhất để sử dụng AI với mục tiêu trở thành kẻ dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030.5 Ở châu Âu, Ủy ban châu Âu đã công bố chiến lược AI vào năm 2018, trong đó có tuyên bố: “Giống như động cơ hơi nước hoặc điện trong quá khứ, AI đang dịch chuyển thế giới, xã hội và các ngành công nghiệp của chúng ta. Sự phát triển về công suất tính toán, dữ liệu ngày càng nhiều và sự tiến bộ trong thuật toán đã biến AI trở thành một trong những công nghệ chiến lược của thế kỷ 21. Các yếu tố thuận lợi dành cho AI đang ở mức không thể cao hơn nữa. Cách tiếp cận AI sẽ định nghĩa thế giới chúng ta đang sống.”6

Những nhà lãnh đạo đều đồng ý với điều này. Jeff Bezos – giám đốc điều hành Amazon tin rằng chúng ta đang ở trong thời kỳ “hoàng kim” của AI, nó cho phép chúng ta giải quyết các vấn đề từng là lĩnh vực của khoa học viễn tưởng.7 Nhà đồng sáng lập Google  – Sergey Brin đã nói: “Sự mới mẻ trong AI là sự phát triển có ỹ nghĩa nhất trong cả cuộc đời tôi,”8 và Giám đốc điều hành Microsoft  – Satya Nadella gọi AI là “công nghệ định hình thời đại.”9 Nhà sáng lập và chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới, Klaus Schwab cùng những người khác tin rằng AI (đặc biệt khi kết hợp cùng với những tiến bộ công nghệ khác) đã tạo ra một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi tất cả trong doanh nghiệp và xã hội.10

Trí tuệ nhân tạo là gì? Sự trỗi dậy của học sâu

AI không phải là một điều mới mẻ và kỳ diệu. Những phát triển đầu tiên của AI có từ những năm 1950. AI ám chỉ khả năng của hệ thống máy tính và máy móc để thể hiện hành vi thông minh cho phép chúng hoạt động và học tập một cách tự động. Ở dạng cơ bản nhất, AI lấy dữ liệu, áp dụng một số quy tắc tính toán (hoặc thuật toán) đối với dữ liệu, và sau đó đưa ra quyết định hoặc dự đoán kết quả đầu ra.  

Ví dụ, dữ liệu được thể hiện bởi những từ ngữ viết tay, các ký tự hoặc con số. Thuật toán là chương trình máy tính được viết bởi con người trong đó có chứa các quy tắc như hình dạng phổ biến của các chữ cái và khoảng cách giữa các từ. Điều này cho phép một máy tính phân tích hình ảnh được quét bằng văn bản viết tay, áp dụng các quy tắc và đưa ra dự đoán về các chữ cái, số và từ mà nó chứa, cho phép các máy có thể nhận dạng chữ viết tay. Ví dụ, loại hình AI này được Dịch vụ Bưu chính Mỹ sử dụng để tự động đọc địa chỉ trên các lá thư từ đầu năm 1997. Đối với những ứng dụng ở phạm vi hẹp, loại AI này hoạt động tương đối tốt.


AI dựa trên quy tắc này có thể gặp khó khăn khi các nhiệm vụ trở nên phức tạp hơn hoặc khi con người không thể giải thích các quy tắc một cách dễ dàng và do đó không thể lập trình chúng thành các thuật toán. Nói một cách dễ hiểu hơn, khi chúng ta đang đi dạo và chợt nhận ra một người bạn trong đám đông là một ví dụ về các kỹ năng mà chúng ta có được thông qua các trải nghiệm, nhưng chúng ta nhận thấy rất khó để có thể giải thích những quy tắc này.

Ví dụ, chúng ta đã học được những kỹ năng đó thông qua mạng lưới các nơ-ron thần kinh đã được lập trình trong não để nhận diện một khuôn mặt bằng cách nhìn vào khuôn mặt đó ở nhiều góc độ khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định hoặc chúng ta học cách đi đứng và nói chuyện thông qua những thử nghiệm thử-sai. Trong AI hiện đại, chúng ta sao chép quy trình này một cách cơ bản bằng cách sử dụng hệ thống mạng nơ-ron nhân tạo và thay vì con người lập trình các quy tắc, chúng ta để máy móc tự tạo ra các quy tắc, tương tự như cách chúng ta học từ các trải nghiệm. Chúng ta gọi nó là học máy (machine learning).

Ví dụ, trong máy học, chúng ta huấn luyện AI với các dữ liệu bằng cách cung cấp cho nó hàng nghìn hình ảnh có chứa khuôn mặt người hoặc không chứa khuôn mặt người. Sau đó máy tính sẽ nhận các thông tin và tạo ra thuật toán riêng hoàn toàn độc lập (học máy không giám sát) hoặc với sự trợ giúp của con người (học máy có giám sát hoặc được giám sát một phần). Khi máy học sử dụng nhiều lớp mạng nơ-ron nhân tạo để học từ các dữ liệu đào tạo (dữ liệu này khiến chúng có quyền lực hơn), chúng tôi gọi nó là học sâu (deep learning).

Học sâu đã cho chúng ta nhiều cải tiến mới trong AI, ví dụ như khả năng cho máy tính nhìn và nhận biết được những gì hoặc ai đó đang xuất hiện trong hình ảnh hoặc video (thị giác máy). Hoặc nó có thể cho các cỗ máy khả năng hiểu, và tái hiện lại các văn bản hoặc lời nói mà chúng ta gọi đó là xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) thường thấy trong các chatbot ở các trang webs hoặc loa thông minh gia đình như Echo của Amazon.

Có hai lý do chính lý giải tại sao học sâu đang phát triển hưng thịnh trong hiện tại:

  1. Chúng ta có dữ liệu: Dữ liệu là nguồn tài nguyên thô cung cấp cho AI và trong thế giới big data (dữ liệu lớn) ngày nay, chúng ta đang tạo ra một kho dữ liệu lớn chưa từng có trước kia. Việc số hóa thế giới chúng ta có nghĩa là hầu hết mọi thứ chúng ta làm đều xuất phát từ dữ liệu và chúng ta đang ngày càng bị bao quanh nhiều hơn bởi những thiết bị thông minh giúp thu thập và truyền dữ liệu. Điều này đang tạo nên sự tăng trưởng theo cấp số nhân về khối lượng và loại dữ liệu mà chúng ta có để huấn luyện cho AI.
  2. Chúng ta có sức mạnh điện toán: Bây giờ chúng ta có thể lưu trữ và xử lý một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Những đột phát trong điện toán đám mây cho phép các doanh nghiệp lưu trữ khối lượng các dữ liệu gần như không giới hạn với giá rẻ và sử dụng điện toán phân tán để phân tích dữ liệu trong thời gian gần với thời gian thực. Thêm vào đó, tiến bộ trong công nghệ chip có nghĩa là AI có thể được hiển thị trên các thiết bị như điện thoại thông minh hoặc các thiết bị thông minh kết nối khác. Chúng tôi gọi nó là điện toán biên (edge computing) trên các thiết bị IoT (Internet vạn vật).

Con người chúng ta liên tục học hỏi và cải thiện thông qua việc trải nghiệm. Cách tiếp cận “học thông qua hành động” này có thể được nhân rộng bằng thuật toán học máy thông qua học tăng cường. Tương tự như cách một đứa trẻ học đi bằng cách tự điều chỉnh hành động dựa trên những gì chúng trải qua, chẳng hạn như đi một bước nhỏ hơn nếu lúc trước bước đi lớn đã khiến chúng té ngã. AI sử dụng thuật toán học tăng cường để xác định hành vi lý tưởng dựa trên phản hồi từ môi trường. Học tăng cường cho các cỗ máy (như robot) khả năng di chuyển, lái xe, hoặc bay tự động. Nhiều ứng dụng hàng đầu của học máy là sự kết hợp các kỹ thuật học sâu và học tăng cường.


Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những chủ đề hấp dẫn này, hãy truy cập trang www.bernardmarr.com để bạn có thể tìm hiểu hàng trăm bài viết và video giải thích và thảo luận về mọi thứ bạn cần biết về AI và học máy.

Những cơ hội của trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh

Có ba trường hợp chính sử dụng AI trong kinh doanh, có thể trùng lặp ở một mức độ nào đó nhưng nó sẽ giúp phân loại các cơ hội. Các doanh nghiệp có thể sử dụng AI để: (1) thay đổi cách họ hiểu và tương tác với khách hàng, (2) cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thông minh hơn, (3) cải thiện và tự động hóa các quy trình kinh doanh.


Khách hàng: AI có thể giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về khách hàng của họ, dự đoán sản phẩm hoặc dịch vụ nào khách hàng muốn, dự đoán xu hướng thị trường, nhu cầu và cung cấp nhiều tương tác cá nhân hơn đối với khách hàng. Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ cho các bạn thấy các công ty như Stitch Fix và Facebook đã sử dụng AI để hiểu hơn về khách hàng của họ như thế nào.

Sản phẩm và dịch vụ: AI có thể giúp doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thông minh hơn để cung cấp cho khách hàng của họ. Khách hàng muốn các sản phẩm thông minh hơn như điện thoại thông minh hơn, xe thông minh hơn và thiết bị gia đình thông minh hơn. Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ xem cách Apple, Samsung cùng các công ty xe hơi như Tesla và Volvo sử dụng AI để tạo ra các sản phẩm thông minh hơn. Chúng ta cũng sẽ khám phá cách những doanh nghiệp khác như Spotify, Disney hay Uber sử dụng AI để cung cấp dịch vụ thông minh hơn cho khách hàng của họ.


Tự động hóa các quy trình: AI có thể cải thiện và giúp tự động hóa các quy trình kinh doanh. Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ được xem xét các ví dụ như JD.com, doanh nghiệp đang sử dụng máy bay không người lái tự động, trung tâm hoàn tất đơn hàng tự động và robot giao hàng để chuyển đổi hoạt động bán lẻ của mình. Chúng ta cũng sẽ xem xét cách thức để AI có thể tự động hóa việc chẩn đoán bệnh trong các trường hợp thực tiễn của Infervision và Elsevier, và thậm chí là việc kiểm tra chất lượng bánh pizza tại các cửa hàng Domino’s.

Chiến lược sử dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh

Việc nghiên cứu các ứng dụng của AI trong bất kỳ việc kinh doanh nào thường sẽ dẫn đến việc đổi mới mô hình kinh doanh hoặc thậm chí là chuyển đổi hoàn toàn phương pháp tiếp cận kinh doanh. Một điều quan trọng là các công ty không sử dụng AI để tự động hóa và cải thiện mô hình kinh doanh sẽ không phù hợp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.


Điểm khởi đầu cho bất kỳ việc sử dụng AI nào nên là chiến lược về AI và dữ liệu, chiến lược này giúp xác định các cơ hội cũng như mối đe dọa mang tính chiến lược lớn nhất cho bất kỳ doanh nghiệp nào, sau đó xác định chính xác các ứng dụng có ảnh hưởng nhất. Điều quan trọng là cần nhận ra rằng nếu chỉ thử nghiệm AI một cách thuần túy, nửa vời sẽ không mang lại hiệu quả cần thiết cho sự thành công của doanh nghiệp.

Trí tuệ nhân tạo trong thực tiễn

Trong cuốn sách này, bạn sẽ được tìm hiểu 50 doanh nghiệp có sử dụng các ứng dụng AI, thậm chí là các ví dụ về các ứng dụng tiên phong về cách thức mà doanh nghiệp này sử dụng AI trong thực tiễn để giải quyết các vấn đề của họ. Chúng tôi đã chia cuốn sách thành 5 phần.

Phần 1 bao gồm các câu chuyện thực tế về những người đầu tiên sử dụng AI. Các công ty công nghệ này đã nắm bắt được các cơ hội mà AI mang lại, họ đã chuyển đổi các ngành công nghiệp để phù hợp với các ứng dụng của AI, họ đã có được các kết quả kinh doanh đáng mong ước. Hầu hết các công ty đã tạo nên các ứng dụng đột phá để AI trở thành một phần không thể thiếu trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh của công ty, do đó cung cấp những hiểu biết sâu sắc tuyệt vời về việc hoàn thành tốt công việc dựa trên khả năng của mình.


Chúng ta có thể phân loại các câu chuyện thực tế còn lại theo những cách khác nhau, theo ứng dụng AI hoặc theo ngành. Dựa trên phản hồi chúng tôi nhận được, chúng tôi đã chọn các phân loại theo ngành.


Trong Phần 2 chúng ta tìm hiểu các công ty bán lẻ, các công ty bán hàng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống. Trong Phần 3, chúng ta sẽ tìm hiểu cách các công ty truyền thông, giải trí và viễn thông đang sử dụng AI. Phần 4 chúng ta cùng tìm hiểu lĩnh vực dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe. Cuối cùng, trong Phần 5 chúng ta tìm hiểu các câu chuyện thức tế về sản xuất, ô tô, hàng không vũ trụ và công nghiệp 4.0.

Bạn có thể đọc lướt qua danh mục các câu chuyện thực tế, rồi sau đó bạn chọn những câu chuyện mà bạn quan tâm nhất để đào sâu nghiên cứu về chúng. Chúng tôi hi vọng bạn sẽ thích nó.

Đặt sách “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dẫn đầu” trên Tiki TẠI ĐÂY

Leave a Reply