Làm gì để mang đến cho độc giả nhiều giá trị gia tăng từ sách?

Từ những ngày đầu tham gia biên dịch sách, tôi luôn nghĩ rằng mình nên mang thêm nhiều giá trị gia tăng cho những cuốn sách này. Nhưng cụ thể là sẽ gia tăng giá trị gì và làm như thế nào thì tôi vẫn chưa rõ đường đi, vì thế tôi vừa làm vừa tìm tòi học hỏi. Dù cho giá trị đó là gì thì điều trước tiên tôi phải tự nâng cấp chính mình về những kiến thức xung quanh cuốn sách mà tôi biên dịch. Tôi đã chọn cách nâng cấp chính mình bằng các khóa học, và cách học của tôi cũng khá đa dạng.

Đối với cuốn sách “Cuộc dịch chuyển đại dương xanh”, (tựa sách tiếng Anh: Blue Ocean Shift) tôi đã tham gia workshop 3 ngày được tổ chức tại Singapore. Đơn vị tổ chức workshop này là BOGN (Blue Ocean Global Network), được chính 2 tác giả của cuốn sách này thành lập ra, đó là giáo sư Chan Kim và Renée Mauborgne. Khi nhắc đến chiến lược đại dương xanh thì 2 giáo sư này chính là 2 tượng đài mà chúng ta phải nhắc đến đầu tiên. Ở workshop này, các nhóm sẽ được hướng dẫn để tìm ra đại dương xanh cho chính mình. Đây là lúc chúng tôi áp dụng những kiến thức từ sách vào thực tế công việc và cuộc sống của mình. Sau ba ngày, chúng tôi thấy được rằng việc áp dụng này là không quá khó, miễn là chúng ta chịu bước đi những bước đầu tiên, có đội nhóm cùng thảo luận, trao đổi và đặc biệt là có người đi trước, có kinh nghiệp để hướng dẫn. Đó cũng là những gì tôi đã áp dụng cho những doanh nghiệp Việt Nam khi tôi có cơ hội đào tạo cho họ về chủ đề chiến lược đại dương xanh.

Hình: Chứng nhận từ Blue Ocean Academy cho workshop Blue Ocean Explorer

Đối với cuốn sách “Thực hành tư duy thiết kế” (tựa đề tiếng Anh: The design thinking playbook), tôi đã bổ sung kiến thức bằng các khóa học từ Coursera, một nền tảng học trực tuyến chất lượng hàng đầu thế giới. Dưới đây là 2 trong những khóa học mà tôi đã hoàn thành.

Hình: chứng nhận từ Coursera cho khóa học Design Thinking for Innovation

Hình: Chứng nhận từ Coursera cho khóa học Design Thinking and Global Startup

Đối với cuốn sách “Inbound Marketing”, tôi bổ sung kiến thức thông qua các khóa học từ Hubspot Academy.

Hình: Chứng nhận từ Hubspot Academy cho khóa học Inbound Marketing

Đó chính là những hoạt động học tập, nâng cấp chính mình mà tôi đã thực hiện. Giờ là lúc tôi mang những kiến thức đó áp dụng vào thực tế, để mang lại giá trị gia tăng như tôi đã lên kế hoạch từ ban đầu. Hoạt động đầu tiên là buổi Platform Talks với chủ đề “Xây dựng nền tảng kết nối: Dễ hay khó?”[1] được tổ chức vào cuối năm 2017. Khách mời của tôi ở buổi chia sẻ này những CEO, founder thực chiến. Khách mời thứ nhất là anh Nguyễn Trọng Thơ, founder của nền tảng học trực tuyến Unica. Khách mời thứ 2 là Phạm Lan Khanh, founder của nền tảng freelancerViet. Khác mời thứ 3 là Lê Mai Tùng, founder của nền tảng quảng cáo trên xe ShareCarforAds. Thông qua buổi chia sẻ này, tôi muốn đưa đến cho độc giả những câu chuyện thuần Việt trong việc xây dựng nền tảng ở Việt Nam, để từ đó mọi người hiểu hơn những lý thuyết về nền kinh tế nền tảng (được đề cập trong cuốn sách tôi biên dịch Cuộc cách mạng nền tảng), có cái nhìn đa chiều hơn về các doanh nghiệp nền tảng, từ quy mô toàn cầu như Google, Facebook, Amazon… như trong sách, đến các doanh ngiệp quy mô trong nước như vừa kể ở trên.

Hình: Buổi Platform Talks: Xây dựng nền tảng kết nối: Dễ hay khó?

Tiếp nối buổi chia sẻ này, tôi lại tiếp tục chia sẻ ở một số sự kiện khác, như là chương trình Vietnam Mobile Day và Vietnam Web Summit được TopDev tổ chức. Đối với các tổ chức khởi nghiệp, tôi cũng đã có những buổi chia sẻ ở Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Cần Thơ, Đà Nẵng, Lâm Đồng… Đối với các trường đại học, tôi có chia sẻ cho các bạn sinh viên ở Đại học Quốc Tế (IU), Đại học Tài Chính-Marketing (UFM), chương trình IPL Scholarship thuộc trường Doanh nhân PACE…

Vậy thì tư duy thiết kế có vai trò gì trong những hoạt động mà tôi vừa nêu ra? Câu trả lời là tư duy thiết kế có vai trò rất lớn. Cụ thể là tôi đã chủ động khảo sát độc giả về những khó khăn mà họ gặp phải khi ứng dụng kiến thức từ sách vào thực tế. Từ đây, tôi biết được “nỗi đau” của họ là gì để mà đưa ra những giải pháp phù hợp. Đây chính là bước thấu cảm, bước đầu tiên trong quy trình tư duy thiết kế. Ngoài việc khảo sát như tôi vừa nêu, chúng ta còn có thể phỏng vấn, quan sát khách hàng để có được sự thấu cảm đối với họ. Tạo hóa đã tạo ra chúng ta với 2 lỗ tai và 1 cái miệng. Theo logic thì chúng ta sẽ nghe nhiều hơn nói, nhưng thực tế là chúng ta đã làm điều ngược lại: nói nhiều hơn nghe! Nhờ tham gia công việc biên dịch và phát hành sách, tôi có cơ hội gặp gỡ rất nhiều các founder/CEO của các công ty khởi nghiệp. Ngồi đếm lại số lượng các cuộc gặp gỡ đó mà tôi đã ghi lại trên Google Calendar, tôi có chút bất ngờ khi con số đó là: 100 cuộc gặp mặt. Khi mà những câu chuyện của họ khá thú vị, thì tôi lại ở trạng thái lắng nghe rất tích cực, và không quên đặt những câu hỏi để tìm hiểu sâu hơn về hành trình khởi nghiệp của họ. Sự tương tác đó đã giúp họ hăng say chia sẻ. Và từ đây, sự thấu cảm đã đến với tôi một cách rất tự nhiên.

Hoạt động tiếp theo mà tôi thực hiện để mang lại giá trị gia tăng cho độc giả là tham gia mentoring cho các bạn trẻ và các startup. Các bạn trẻ này là những con người sáng tạo, thích làm điều mới mẽ, dám nghĩ dám làm. Họ quan tâm đến những cuốn sách mà tôi biên dịch và cũng mong muốn áp dụng những kiến thức mới mẽ đó vào dự án, startup của mình. Tôi đã trở thành mentor cho một số tổ chức như: trường đại học trực tuyến FUNIX, chương trình Give It Back và một số chương trình khác nữa. Tôi sẽ chia sẻ chi tiết về hành trình trở thành mentor của tôi ở phần sau của cuốn sách.

Gần đây nhất, tôi cũng đã bắt tay vào việc sản xuất chương trình podcast dành cho các bạn khởi nghiệp, chương trình có tên là Startup Stories[2] – Câu chuyện khởi nghiệp, một cuộc trò chuyện thân mật, gần gũi giữa tôi và một bạn CEO, founder hoặc co-founder của một start-up. Tôi làm chương trình này nhằm mục đích đưa đến độc giả những câu chuyện khởi nghiệp với cả thành công và thất bại, để từ đó mọi người có được bài học của riêng mình cho chặng đường khởi nghiệp sắp tới.

Hành trình mang những giá trị gia tăng đến với độc giả của tôi vẫn còn dài. Tôi vẫn phải còn tiếp tục đi tìm những nỗi đau của độc giả, để từ đó thấu cảm hơn nữa và đưa ra những giải pháp phù hợp hơn, đổi mới sáng tạo hơn.


[1] Những hình ảnh của buổi chia sẻ này được đưa vào mục điểm sách của chương trình Chuyển động kinh doanh trên đài truyền hình HTV: https://youtu.be/8wxfYkdCO7o

[2] Bạn có thể xem chương trình Startup Stories trên kênh YouTube của WeTransform: https://youtu.be/FCQ4Cfcr6cA

Leave a Reply

WeTransform