Platform Revolution: Cuộc Cách Mạng Nền Tảng

Ba tác giả Geoffrey G. Parker, Marshall W. Van Alstyne, và Sangeet Paul Choudaryđã trình bày với độc giả lý do không thể bỏ qua Platform Revolution: Cuộc cách mạng nền tảng trong chương đầu tiên của cuốn sách. “Nếu bạn có hứng thú với việc xây dựng cho chính mình một doanh nghiệp theo mô hình nền tảng, hay mong muốn tận dụng sức mạnh của nền tảng để điều chỉnh một tổ chức hiện tại thì cuốn sách này sẽ đóng vai trò như một cuốn cẩm nang giúp bạn thoát khỏi những mối rắc rối trong thiết kế, xây dựng, quản lý, điều hành và phát triển một nền tảng thành công. Và nếu việc vận hành một doanh nghiệp nền tảng không dành cho bạn, bạn sẽ học được cách làm thế nào mà sự phát triển của nền tảng có thể ảnh hưởng đến bạn như một doanh nhân, một chuyên gia, một người tiêu dùng và một công dân, và cách làm thế nào để bạn có thể tham gia vui vẻ (và có lợi nhuận) trong nền kinh tế do nền tảng thống trị.”

Sự khác biệt giữa nền tảng và hạ tầng (hay mạng lưới hoặc đồ thị) xã hội liệu có phải là tính thương mại (hay giao dịch)?
Platform Revolution (p.24): “Nền tảng là một giao dịch dựa trên việc kích hoạt sự tương tác tạo-nên-giá-trị giữa các nhà sản xuất bên ngoài và người tiêu dùng. Nền tảng cung cấp một cơ cấu hạ tầng mở và tính hỗ trợ cho những tương tác này và thiết lập các trạng thái điều hành cho chúng. Mục đích tổng thể của nền tảng: để tương thích hoàn toàn giữa người dùng với sự thuận lợi trong việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc tiền tệ xã hội, qua đó kích hoạt việc tạo ra giá trị cho tất cả người tham gia.”

Dù câu trả lời có là gì thì trước tiên và trên hết vẫn là “tạo giá trị.” Giá trị thực sự mới là đảm bảo tốt nhất cho dòng tiền bền vững. Lưu ý với những người làm kinh doanh: (i) tạo ra giá trị và (ii) được trả tiền để tạo ra giá trị đó. (i) và (ii) quan trọng như nhau và người làm kinh doanh phải biết điều chỉnh cân bằng và tối ưu nguồn lực.

Cũng giống như hạ tầng hay mạng lưới hoặc đồ thị xã hội, nền tảng được tạo nên bởi các kết nối, bao gồm và có lẽ cũng quan trọng nhất là kết nối con người. Quan hệ giữa các kết nối (một chiều, đối ngẫu, nhiều chiều) muốn bền vững cần có niềm tin. Sự đa dạng và có thể thay đổi vị trí của các bên trong kết nối tạo ra một cơ chế kinh doanh mới so với cơ chế kinh doanh kiểu đường ống tuần tự. Với nền tảng, người sử dụng (user) cũng đồng thời là khách hàng và là người đại diện cho hai bên mua và bên bán (trong giao dịch). Đây chính là đặc tính khiến cho việc định giá các nền tảng cần có những điều chỉnh thích hợp cho dòng tiền bởi bên cạnh các giả định về cung, cầu và thanh toán còn cần ước lượng các tác động của hiệu ứng mạng.

Hiệu ứng mạng
Hiệu ứng mạng đề cập đến tác động mà số lượng người dùng của một mô hình nền tảng có được, dựa trên giá trị được tạo ra cho mỗi người. Hiệu ứng mạng tích cực đề cập đến khả năng tạo ra giá trị đáng kể cho mỗi người dùng của một cộng đồng nền tảng lớn được quản lý tốt. Hiệu ứng mạng tiêu cực đề cập đến khả năng làm giảm giá trị được tạo ra cho mỗi người dùng của một cộng đồng nền tảng bị quản lý kém. (Platform Revolution, p39)

Tính kinh tế theo quy mô về lượng cầu là thuật ngữ được hai chuyên gia chịu trách nhiệm phổ biến khái niệm về các hiệu ứng mạng là Hal Varian – nhà kinh tế học của Google – giáo sư kinh doanh Carl Shapiro sử dụng. Ngược lại với tính kinh tế theo quy mô về lượng cung, tính kinh tế theo quy mô về lượng cầu tận dụng các cải tiến công nghệ ở phía cầu, một nửa còn lại của sự cân bằng lợi nhuận từ phía cung. Tính kinh tế theo quy mô về lượng cầu bị chi phối bởi hiệu ứng trong các mạng xã hội, sự tổng hợp nhu cầu, phát triển ứng dụng cùng các hiện tượng khác khiến cho các mạng càng lớn thì càng có giá trị đối với người dùng. Chúng có thể cung cấp cho ông trùm trên thị trường nền tảng một lợi thế hiệu ứng mạng lớn đến mức khiến cho các đối thủ cạnh tranh cực kỳ khó vượt qua. Tính kinh tế theo quy mô về lượng cầu là nguồn gốc cơ bản của hiệu ứng mạng tích cực, và đó cũng là tác động chính chi phối giá trị kinh tế trên thế giới ngày nay. (Platform Revolution, p.41)

Các tác giả đã kiểm chứng hàng chục trường hợp thành công và thất bại của các công ty nền tảng và nhận thấy rằng thất bại chủ yếu là do dựa vào các hiệu ứng giá cả và hiệu ứng thương hiệu [chứ không phải hiệu ứng mạng tích cực]. Thành công có được dựa trên một ý tưởng thực sự có hiệu quả, đó là đẩy mạnh lưu lượng truy cập của một nhóm người dùng nhằm lấy lợi nhuận từ một nhóm người dùng khác. (Platform Revolution, p.47) Sự ghi nhận này nhắc nhở sai lầm không hiếm gặp của các nhà sáng lập: không phải mọi thứ bạn tạo ra đều là sản phẩm [có thể bán lấy tiền và thu lợi nhuận] của bạn.

Tương tác cốt lõi
Các tương tác trên nền tảng, giống với bất kỳ sự trao đổi kinh tế hoặc xã hội nào, diễn ra với người sản xuất và người tiêu dùng của ba thứ: thông tinhàng hóa hoặc dịch vụ, và tiền tệ.

Thiết kế của mỗi nền tảng bắt đầu với tương tác cốt lõi. Tương tác cốt lõi là hình thức hoạt động quan trọng nhất diễn ra trên nền tảng – sự trao đổi giá trị thu hút hầu hết người dùng tham gia vào nền tảng trong giai đoạn đầu tiên. Tương tác cốt lõi bao gồm ba thành phần: người tham giađơn vị giá trị, và bộ lọc. Mục đích cơ bản của nền tảng là tạo thuận lợi cho tương tác cốt lõi.

  1. Người tham gia vào tương tác cốt lõi bao gồm: (i) người sản xuất – người tạo ra giá trị; và (ii) người tiêu dùng – người tiêu thụ giá trị đó.
  2. Đơn vị giá trị là cơ sở để bắt đầu tương tác. Đơn vị giá trị do nhà sản xuất tạo ra.
  3. Bộ lọc giúp các đơn vị giá trị dược phân phối đến những người tiêu dùng nhất định. Bộ lọc là một công cụ phần mềm thuật toán, được nền tảng sử dụng để tìm kiếm và cho phép trao đổi các đơn vị giá trị thích hợp giữa những người dùng. Một bộ lọc được thiết kế hiệu quả phải đảm bảo rằng người dùng sẽ nhận được các đơn vị giá trị có liên quan và mang lại giá trị cho họ. Một bộ lọc được thiết kế kém (hoặc không có bộ lọc) sẽ khiến người dùng bị ngập trong các đơn vị giá trị không có sự liên quan và không có giá trị đối với họ – điều này gây ra bất tiện lớn khiến họ rời bỏ nền tảng.

Cấu trúc cơ bản của nền tảng:
Người Tham gia + Đơn vị Giá trị + Bộ lọc –> Tương tác Cốt lõi

Việc quan trọng là phải thiết kế nền tảng cẩn thận sao cho những tương tác thỏa mãn được số đông người tham gia. Nhưng điều quan trọng không kém là phải dành chỗ cho những may mắn và bất ngờ, bởi vì chính người dùng sẽ tìm ra những cách mới tạo ra giá trị trên nền tảng này. (Platform Revolution, p. 91)

Tác động của mô hình nền tảng với giá trị
Mô hình nền tảng tạo ra ba tác động với giá trị:

  1. Tái định hình quá trình tạo giá trị để khai thác những nguồn cung mới. Ví dụ: người dùng là người cung cấp nội dung.
  2. Tái định hình sự tiêu thụ giá trị thông qua kích hoạt các dạng hành vi tiêu dùng mới.
  3. Tái định hình quá trình quản lý chất lượng thông qua quản lý dựa vào cộng đồng.

Tác động của mô hình nền tảng tới cấu trúc kinh doanh
Cấu trúc kinh doanh chịu ba tác động từ mô hình nền tảng:

  1. Tách tài sản ra khỏi giá trị của nó. Nói cách khác là tách quyền sở hữu tài sản ra khỏi quyền sử dung hay khai thác giá trị mà nó tạo ra.
  2. Tái thiết lập trung gian môi giới. Không chỉ xóa bỏ trung gian (giảm chi phí và ma sát trong giao dịch), các nền tảng còn tạo ra các nhà trung gian kiểu mới, khai thác tài nguyen trên chính nền tảng, tạo thêm giá trị cho nền tảng và mang lại lợi ích cho cả người bán và người mua trên nền tảng.
  3. Tập hợp thị trường. Nền tảng giải quyết vấn đề phân mảnh thông tin trong các ngành và thị trường. Điều này giúp giảm chi phí giao dịch và tạo điều kiện ra quyết định tối ưu.

Nguồn: https://vebimo.wordpress.com/2018/01/31/platform-revolution-cuoc-cach-mang-nen-tang/

Leave a Reply