Giúp bạn tìm thấy phiên bản tốt hơn của chính mình: ứng dụng Tư duy thiết kế trong cuộc sống

Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống (The Design Thinking Life) là cuốn sách của 3 chuyên gia trong lĩnh vực này: TS Larry Leifer (Mỹ) – Giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Thiết kế và Chương trình nghiên cứu tư duy thiết kế Hasso Plattner tại Đại học Stanford; TS Michael Lewrick Thụy Sĩ) – diễn giả nổi tiếng và giảng dạy tư duy thiết kế tại nhiều trường đại học; TS Jean-Paul Thommen (Thụy Sĩ) – nhà kinh tế học kinh doanh, nhà quản lý, có nhiều năm giảng dạy tại Đức.

Hiểu về tư duy thiết kế

Tư duy thiết kế bắt nguồn từ tiếng Anh “Design thinking” được phát triển từ năm 1940 và được áp dụng rộng rãi trong khoảng hai thập kỷ gần đây. Đây là một phương pháp giúp chúng ta tìm ra những giải pháp mới, có tính đột phá nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể theo cách tối ưu. Đây cũng là một quy trình tuần hoàn, có thể lặp đi lặp lại để đổi mới, cải tiến liên tục.

Phương pháp tư duy thiết kế 5 giai đoạn của Chương trình nghiên cứu tư duy thiết kế Hasso Plattner tại Đại học Stanford (Mỹ) được nhiều tổ chức, cá nhân đánh giá cao. Năm giai đoạn này bao gồm: thấu hiểu người dùng, xác định nhu cầu và vấn đề của họ, đưa ra các ý tưởng và xác định những thách thức, tạo nguyên mẫu – bắt đầu triển khai các ý tưởng và thử nghiệm, kiểm tra, nhận phản hồi từ mục tiêu với nguyên mẫu.

Tuy nhiên, trong cuốn Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống, các tác giả đã mở rộng thành 8 giai đoạn tư duy thiết kế.

Chia sẻ lý do mở rộng này, các tác giả viết: “Trong tư duy thiết kế, chúng ta làm việc với bản đồ thấu cảm và các cuộc phỏng vấn sâu giúp tìm hiểu thêm về một người. Trong  duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống, chúng ta phải tiến thêm một bước nữa và phát triển khả năng định hướng tư duy về bản thân, tìm ra hiểu biết mới bằng cách tự quan sát. […]

Vì thế, chúng ta mở rộng quy trình tư duy thiết kế được xác định trong lúc khởi đầu bằng hai giai đoạn: chấp nhận và tự suy ngẫm. Giờ đây, chúng ta có tổng cộng 8 giai đoạn cung cấp hướng dẫn và thu về thông tin vị trí chính xác hiện tại của mình trong chu kỳ “Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống”.

Tám giai đoạn bao gồm: Chấp nhận, thấu hiểu, quan sát, xác định quan điểm, lên ý tưởng, tạo nguyên mẫu, thử nghiệm và tự suy ngẫm. Tự suy ngẫm là một quá trình liên tục, vì vậy giai đoạn này được áp dụng cả ở cuối và đầu chu kỳ thiết kế. Điều này hỗ trợ sự phát triển liên tục.

Giảm thiểu điểm yếu, cường hóa điểm mạnh

Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống được bố cục thành 2 phần: Phần 1. Ứng dụng tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống: Giúp độc giả thực hiện các chiến lược, kỹ thuật thay đổi hiệu quả; Phần 2. Lập kế hoạch sự nghiệp và chuyên môn: Tập trung mổ xẻ những quyết định và thay đổi lớn trong cuộc sống với trọng tâm là lập kế hoạch chuyên môn và sự nghiệp.

Cuốn sách còn được thiết kế nhiều khoảng trống với các đề mục và hình minh họa sống động để bạn đọc ghi chú trực tiếp, tức thời lên trang sách, như làm bài tập “nhận thức lại vấn đề”, ghi chú “trải nghiệm tiêu cực”, viết “nhật ký năng lượng”, lên ý tưởng “cách thức nhận diện giai đoạn”, xếp hạng “lựa chọn yêu thích”, điền vào “kim tự tháp giá trị đặc biệt quan trọng”…

Với thông điệp “Trao quyền cho bản thân, đón nhận sự thay đổi và tạo nên một cuộc sống đầy niềm vui”, các tác giả cầm tay chỉ việc, dẫn dắt bạn đọc vào hành trình khám phá bản thân để họ tìm thấy phiên bản tốt hơn của chính mình, cụ thể là giảm thiểu điểm yếu, cường hóa điểm mạnh, sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống trình bày một loạt kỹ thuật và chiến lược để khởi đầu cho sự thay đổi. Điểm mấu chốt ở đây là các tác giả đã cụ thể hóa kỹ thuật, chiến lược thông qua suy nghĩ, hành động qua 3 nhân vật tưởng tượng.
Đó là ông John sẽ nghỉ hưu sớm sau khi thành công trong ngành dịch vụ. Đó là cô Sue trong độ tuổi 30 đang có công việc, cuộc sống nhiều thử thách, đầy thú vị ở nước ngoài, nhưng cảm thấy không trọn vẹn về dài hạn. Đó là anh Steve vừa tốt nghiệp đại học đang lưỡng lự nên học cao học hay đi làm cho một công ty khởi nghiệp.

Các vấn đề mà ba nhân vật này gặp phải rất cụ thể, cách giải quyết cũng rất cụ thể, nhưng quá trình khám phá bản thân, nhận diện và xử lý vấn đề theo tư duy thiết kế có những điểm chung nổi bật, thực sự hữu ích, dễ dàng được vận dụng trong đời sống cá nhân của nhiều người.

Ví dụ, sách nêu vấn đề và phân tích các giải pháp cho một câu hỏi mà nhiều người từng đặt ra ít nhất một lần trong đời mình: Ta nên dành nhiều thời gian cho công việc, thay vì cho gia đình, để thành đạt (và thành đạt hơn nữa) hay buông bỏ, giảm bớt tham sân si để ở bên cạnh người thân nhiều hơn theo kiểu “cả nhà cùng vui”?.

Ngoài ra, các tác giả cũng giúp bạn đọc thêm hiểu về tư duy sáng tạo, phân biệt giữa sự thật và các vấn đề có thể giải quyết, suy ngẫm về nhận định của người khác về mình, dũng cảm thử nghiệm những quan niệm sống mới và dám đẩy bản thân đến các giới hạn… Mục đích cuối cùng là giúp mọi người biết cách giảm thiểu cảm giác lo lắng, bất an, bất mãn, đau khổ… tăng tối đa cảm giác bình thản, yên tâm, hài lòng, hạnh phúc…

Minh Châu (ZING)

Leave a Reply

WeTransform