Nếu bạn đang muốn khởi nghiệp hoặc đang nung nấu trong mình ý tưởng khởi nghiệp, thì cuốn sách Chiến lược mua bán và sáp nhập chính xác dành cho bạn. Nhưng, hình thức khởi nghiệp được đề cập đến trong cuốn sách không phải bắt đầu một startup mà là hình thức khởi nghiệp thông qua mua bán và sáp nhập.
Trong những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam diễn ra vô cùng mạnh mẽ, rất nhiều startup có ý tưởng đột phá được thành lập. Tuy nhiên, theo thống kê năm 2019 có tới 80% startup không thể duy trì quá 2 năm và chỉ 3% có được thành công trong thực tế. Và thống kê này không chỉ đúng với Việt Nam mà gần như đúng với các nước khác trên thế giới. Thấu hiểu được điều đó, Walker Deibel, một doanh nhân khởi nghiệp từ hình thức mua bán và sáp nhập thành công quyết định viết cuốn sách Buy then Build với mục đích chia sẻ một con đường khởi nghiệp ít rủi ro hơn. Cuốn sách này đã được xuất bản tại Việt Nam với cái tên Chiến lược mua bán và sáp nhập.
Cuốn sách giúp người đọc định hình được lộ trình tìm mua một doanh nghiệp đã có nền tảng. Sau đó xây dựng và phát triển nó lên một tầm cao với quy mô cao hơn, rộng hơn so với tự mình đơn độc trong hành trình khởi nghiệp từ số 0 đến số 1. Nói cách khác, cuốn sách sẽ trình bày quá trình giúp nhà đầu tư chủ doanh nghiệp có thể tìm mua lại và vận hành một doanh nghiệp mà mô hình kinh doanh của nó đã được kiểm chứng trong thực tiễn. Phương pháp này giúp tránh được rủi ro chết yểu mà các doanh nghiệp startup thường phải đối mặt trong thời kỳ chập chững bước ra thị trường.
Một quan điểm mới về khởi nghiệp
Trong cuốn sách chiến lược mua bán và sáp nhập, tác giả Walker đã đưa ra một quan điểm. Một người doanh nhân tham vọng thì nên mua lại một công ty đang hoạt động và sử dụng nó làm nền tảng để xây dựng các giá trị khác hơn là xây dựng một doanh nghiệp từ con số 0. Để giải thích quan điểm đó của mình, tác giả đã đưa ra 3 lý do sau:
- Các công ty startup thường có một điểm đó là hầu hết các công ty này đều thất bại.
- Thông thường, các công ty đang hoạt động ổn định đã có sẵn một nền tảng cơ sở hạ tầng nhất định, điều mà các công ty startup đang cố gắng xây dựng ở giai đoạn đầu.
- Các doanh nhân mua lại nên tích hợp các nguồn lực và tài năng của mình để tạo ra sự dịch chuyển trong doanh nghiệp, qua đó mang lại những giá trị vượt trội cho công ty mà họ nắm quyền.
Những lý do trên chắc chắn đã khiến bạn thấy được chướng ngại vật trên con đường startup là vô cùng to lớn. Nhưng đừng lo lắng, Walker cũng đã từng rơi vào tình thế như vậy, và chính ông đã tìm cho mình được giải pháp khắc phục những vấn đề trên bằng cách mua bán và phát triển doanh nghiệp.
Nếu bạn bắt đầu có ý muốn khởi nghiệp thì Walker khuyên bạn nên bắt đầu bằng việc mua bán, sáp nhập và phát triển. Đến khi doanh nghiệp đã thành công tạo ra lợi nhuận, bạn hoàn toàn có thể thực hành ý tưởng khởi nghiệp lúc đầu của mình thay vì bắt đầu với nó. Và Walker đã ở đây để chỉ cho bạn toàn bộ quá trình thực hiện thay vì chỉ đưa ra một lời khuyên cho bạn.
Sau đây, mình sẽ trình bày cho các bạn sơ lược về quá trình từ lúc bắt đầu muốn khởi nghiệp bằng hình thức mua bán và sáp nhập cho đến lúc đạt được một thương vụ như ý.
Cơ hội của phương pháp khởi nghiệp bằng mua bán và sáp nhập
Lợi ích của phương pháp mua lại
Các doanh nhân khởi nghiệp bằng phương pháp mua lại sẽ bắt đầu hành trình của mình bằng cách mua một doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường thay vì bắt đầu xây dựng mọi thứ từ con số 0. Một doanh nghiệp nhỏ đã có lợi nhuận cùng với một mô hình kinh doanh bền vững được kết hợp với tinh thần đổi mới sáng tạo và động lực khởi nghiệp sẽ là một công thức thần kỳ.
Trước khi được mua lại, những công ty đó đã có một quá trình xây dựng và phát triển, đã hoạt động và có sẵn danh sách khách hàng, nhận diện thương hiệu quen thuộc, nhân viên có kinh nghiệm và quan trọng nhất đó là nguồn doanh thu và lợi nhuận. Điều này giúp rút ngắn cả một quá trình. Bởi, thay vì phải dành ra hàng tháng hoặc năm để kêu gọi vốn, cố gắng xây dựng hoạt động bán hàng từ đầu với một sản phẩm hoàn toàn mới thì người doanh nhân mua lại đã có một mô hình có lợi nhuận để bắt đầu.
Chuẩn bị trước khi bắt đầu
Chúng ta nên bắt đầu từ đâu và như thế nào để mua lại được một doanh nghiệp thành công?
Đầu tiên, chúng ta cần nắm rõ điều gì tạo nên một khoản đầu tư tốt? Trong khi nhìn nhận các thương vụ mua lại như một phương pháp đầu tư, hãy nhớ ba chỉ số cơ bản tỷ suất hoàn vốn đầu tư biên độ an toàn và tiềm năng tăng giá.
- Tỷ suất hoàn vốn đầu tư ROI
Để giúp các bạn hiểu rõ khái niệm tỷ suất hoàn vốn đầu tư ROI, tác giả đã đưa ra một ví dụ minh họa như sau:
Khái niệm về tỷ suất hoàn vốn đầu tư ROI khá đơn giản. Nếu bạn đầu tư 100 đô la và nó tạo ra 6 đô la lợi nhuận mỗi năm. Vậy khi bạn sở hữu tài sản này mỗi năm bạn sẽ có 6% ROI.
Nếu sau 7 năm, bạn bán tài sản này và may mắn bán được giá cao hơn thời điểm bạn mua nó với giá 120 đô la. Trong suốt 7 năm sở hữu tài sản này, bạn làm ra 6 đôla mỗi năm, tương đương 42 đôla cộng thêm với 20 đô la tăng thêm khi bán. Vậy tổng cộng bạn có được 62 Đôla trong khi đầu tư 100 đô la. Điều này tương đương với ROI mỗi năm là 8.9% trong suốt giai đoạn đầu tư.
Trong suốt 7 năm sở hữu, tài sản mang về cho bạn 6 đôla “tiền mặt” mỗi năm, bạn có thể gọi nó là “dòng tiền” hoặc “lượng tiền mặt” bạn kiếm được với tư cách là chủ sở hữu tài sản. Bạn mua tài sản với giá 100 đô la và sau 7 năm bạn bán nó với giá 120 đôla , thì giá trị của chính tài sản đó đã tăng trong suốt khoảng thời gian bạn sở hữu.
Trong lĩnh vực bất động sản, điều này được gọi là sự tăng giá của tài sản. Như minh họa bên trên, sự gia tăng giá trị của tài sản chiếm 1/3 tổng lợi nhuận.
Sau khi đưa ra ví dụ minh họa giúp mọi người hiểu về tỷ suất hoàn vốn ROI, tác giả đã đưa ra kết luận rằng: Khi đánh giá một giao dịch mua lại tiềm năng, dòng tiền mà công ty tạo ra chính là yếu tố quyết định giá của công ty. Những gì nằm ngoài khả năng sinh tiền mặt của công ty đều không đáng để trả tiền. Nói tóm lại những gì bạn đang mua chính là một tài sản có khả năng tạo ra dòng tiền.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là kết luận mấu chốt của tác giả. Còn cụ thể những vấn đề liên quan đến khả năng tạo dòng tiền như tỷ suất hoàn vốn ROI đạt bao nhiêu % thì được xếp vào nhóm tài sản đầu tư tốt, những công ty như thế nào thường sinh ra tỷ lệ ROI cao, công ty lớn hay công ty bé thì an toàn trong đầu tư hơn…đã được tác giả giải thích và minh họa chi tiết trong cuốn sách.
- Biên độ an toàn (Margin of Safety)
Biên độ an toàn lớn nhất là khi nhà đầu tư chỉ mua chứng khoán khi giá thị trường thấp hơn đáng kể so với giá trị nội tại. Đầu tư khi giá mua có triển vọng về giá trị nội tại giúp bạn hạn chế rủi ro sụt giá một cách hiệu quả, xây dựng vành đai bảo vệ cho khoản đầu tư. Quản lý rủi ro giá là một trong những thực hành cơ bản tuyệt vời của những nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới.
Trong cuốn sách, phần này đã tác giả đã lấy ví dụ bằng những trường hợp và con số rất cụ thể. Tác giả đưa ra kết quả so sánh biên độ an toàn giữa doanh nghiệp startup và doanh nghiệp mua lại để chứng minh cho việc mua lại sẽ đạt được biên độ an toàn cao hơn. Chắc chắn, khi trực tiếp đọc ví dụ trong cuốn sách, các bạn sẽ hiểu rõ hơn những vấn đề này.
- Tiềm năng tăng giá
Tác giả Walker đã khẳng định rằng tiềm năng tăng giá là yếu tố mang lại lợi ích vượt xa ROI và biên độ an toàn. Bởi một nếu doanh nghiệp có được tỷ lệ tăng trưởng cao thì nó sẽ nhanh chóng giúp quy mô của doanh nghiệp được mở rộng.
Tương tự như hai phần trên, những ví dụ tiếp tục được tác giả đưa ra trong cuốn sách. Chắc là bạn nên đọc trực tiếp cuốn sách để nắm được tinh thần cốt lõi của nó, vì hầu hết các ví dụ đều có mối liên hệ với nhau.
Sau khi đã nắm được các yếu tố tạo nên một công ty tốt, việc tiếp theo bạn cần làm là tư duy sao cho đúng trước khi bắt đầu. Bạn phải thiết lập cho mình tư duy như một nhà đầu tư và thật may mắn là tác giả đã gợi ý cho bạn những tố chất cần có để xây dựng tư duy của mình.
Hãy nhìn vào danh sách bên dưới. Chúng bao gồm một số những tính cách nổi bật nhất của các CEO thành công đến từ những công ty có doanh thu từ 1 đến 20 triệu đôla.
Danh sách gồm có: Tư duy chiến lược, kỹ năng giao tiếp, tố chất thông minh, kinh nghiệm ngành nghề, khả năng ứng phó với sự mơ hồ, sự bền bỉ, kỹ năng sắp xếp và tổ chức, kỹ năng tập trung cao độ, kỹ năng định hướng thành tích, mặt dày, chấp nhận rủi ro, tự tin, sáng tạo, lạc quan, quyết đoán, ra quyết định nhanh chóng, làm việc có phương pháp, và cuối cùng là cầu toàn.
Hãy đối chiếu danh sách này với chính bạn và xem xét mức độ mạnh yếu của từng tố chất bên trong bạn, những tố chất nào khiếm khuyết. Đồng thời hãy xem danh sách này còn thiếu những gì.
Phân tích mục tiêu cho công cuộc mua bán và sáp nhập
Trong quá trình này, trước tiên bạn cần nghiên cứu thật kỹ các kiến thức về luật pháp, nắm bắt tâm lý nhà đầu tư, tìm hiểu các công ty vì sao lại muốn chuyển nhượng…Tiếp đó bạn cần tìm kiếm nguồn vốn thông qua một số cách như tiếp cận ngân hàng xin vay vốn, kêu gọi vốn từ bạn bè, hoặc tìm kiếm quỹ đầu tư. Quá trình phân tích cần diễn ra một cách cẩn thận và chi tiết nhất, vì chỉ khi bạn hiểu rõ về thứ mình đầu tư bạn mới có thể kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ rủi ro trong thương vụ của mình.
Đặc biệt, khi tìm hiểu một công ty hãy nghiên cứu thật kỹ sức khỏe tài chính của nó. Khi bắt đầu đánh giá tình hình tài chính và báo cáo tài chính, có 5 lĩnh vực đặc biệt quan trọng là các bạn sẽ phải xem: doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả hoạt động, đồng tiền và tổng lợi ích cho chủ sở hữu có tất cả thông tin này có thể tìm thấy ở báo cáo tài chính được cung cấp kèm trong OM. Có ba loại báo cáo tài chính tiêu chuẩn: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Bạn cũng có thể kiểm tra chỉ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) và so sánh chúng với bộ số m mà bạn sẽ trả cho một công ty trong thị trường trung cấp hơn.
Tổng quan về từng loại báo cáo và kiến thức đáng lưu ý trong từng báo cáo được tác giả trình bày rất cụ thể trong cuốn sách. Ví dụ trong bảng cân đối kế toán phần nợ có tiêu chí xét như thế nào, trong bảng báo cáo kinh doanh doanh thu đến từ những khoản nào…Bạn nên dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn từ quyển sách để hiểu rõ từng vấn đề nhỏ. Và hãy yên tâm là tác giả đã giải thích và minh họa nó rất cụ thể, rõ ràng giúp cho những người chưa từng biết đến bảng cân đối tài chính còn có thể hiểu được.
Tiến hành mua bán và sáp nhập
Trước tiên, bạn cần gặp người chủ của công ty muốn nhượng quyền, đưa ra đề nghị mua lại và một mức giá cụ thể để cho thương vụ của mình. Quá trình này sẽ mất một thời gian thương lượng vì rất ít khi mức giá đưa ra lần đầu đạt được sự hài lòng từ hai bên.
Sau khi đạt được thỏa thuận về giá, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn mua. Trong giai đoạn này, thỏa thuận mua bán cần được soạn thảo thương lượng và thống nhất.
- Bên mua cần thành lập pháp nhân
- Bên mua cần có cam kết huy động vốn đã có hiệu lực
- Bên bán sẽ loại bỏ bất kỳ và mọi điều khoản dự phòng trong hợp đồng
- Giá bán phải được phân bổ
- Thẩm định chuyên sâu phải được thực hiện đến mức thỏa mãn
Tương tự như các quá trình khác, nội dung chi tiết của từng vấn đề tiếp tục được tác giả đề cập rõ ràng, cẩn thận trong cuốn sách. Bạn sẽ như được hướng dẫn từng bước một rất tỉ mỉ từ chính tác giả.
Trên đây chỉ là sợ lược một vài yếu tố trong phần nội dung tiến hành mua bán. Chúng ta vẫn còn phần chuyển giao chưa được đề cập đến, lý do là sẽ rất khó để hiểu rõ nếu các bạn không tìm hiểu kỹ quá trình thẩm định chuyên sâu. Vì vậy, mình xin phép không trình bày ở đây, nếu các bạn muốn tìm hiểu về kiến thức đó hãy tìm đọc trong cuốn sách Chiến lược mua bán và sáp nhập, chỉ khi nhìn thấy mối liên hệ tổng thể giữa các yếu tố, bạn mới hiểu được toàn bộ những gì cần làm trong bước chuyển giao.
Lời kết
Chiến lược mua bán và sáp nhập là một khía cạnh rất mới của khởi nghiệp và gần như chưa từng được chia sẻ cụ thể ở Việt Nam. Đây sẽ cuốn sách vô cùng hữu ích đối với những ai đã, đang và muốn khởi nghiệp. Vì vậy, hãy tìm đọc cuốn sách để hiểu rõ toàn bộ hình thức khởi nghiệp này, bởi chắc chắn bài chia sẻ của mình chưa thể truyền tải hết nội dung tinh hoa của cuốn sách. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này, nếu có bất kỳ góp ý nào về bài viết, hãy để lại comment phía bên dưới giúp mình nhé.
Review chi tiết bởi: Lê Trang – Bookademy
Những tài liệu về chủ đề CHIẾN LƯỢC MUA BÁN VÀ SÁP NHẬP (M&A)
Bài test online: http://wetransform.vn/MAquiz
Đặt sách trên Google Play Books: ttps://play.google.com/store/books/details?id=_ubWDwAAQBAJ