Những cuốn sách hay về chủ đề nền tảng số (digital platform)

  1. Cuộc cách mạng nền tảng

Biên dịch: Huỳnh Hữu Tài

Airbnb, Uber, Grab, YouTube, Amazon, Facebook, Twitter… những cái tên xuất hiện không lâu trên thị trường nhưng đã tạo ra những thay đổi chấn động và hiện đang dẫn đầu trong lĩnh vực của mình. Điểm chung giữa chúng là gì?

Đó là KINH DOANH THEO MÔ HÌNH NỀN TẢNG.

Platform Revolution – Cuộc cách mạng nền tảng – là một cuốn sách tổng hợp về cuộc cách mạng thay đổi nền tảng khởi nghiệp trong mọi lĩnh vực trên toàn thế giới.

Hãy nói đến Airbnb, một công ty cung cấp dịch vụ lưu trú nhưng không sở hữu bất kỳ phòng ốc, nhân viên dọn phòng hay một số tiền khổng lồ để xây dựng khách sạn và nâng cấp cơ sở hạ tầng nào và sau 8 năm hoạt động, giá trị của nó dã đạt hơn 15 tỷ đô, hoạt động tại 119 quốc gia, phục vụ trên 10 triệu lượt khách; thành công của Airbnb khiến những tập đoàn khách sạn lớn cũng phải ghen tị. Quan trọng hơn, khi các khách sạn đã cháy phòng thì Airbnb vẫn có phòng và luôn sẵn sàng.

RelayRides, một startup khá mới mẻ trong dịch vụ vận chuyển, đã kết nối khách hàng với khách hàng bằng dịch vụ cho mượn xe của họ. Khi bạn phải bay sang một thành phố khác trong vài ngày, thay vì phải đỗ xe ở sân bay và trả tiền cho chỗ đỗ xe đó thì RalayRides giúp bạn tiết kiệm khoản tiền này và kiếm thêm một khoản khác bằng cách cho hành khách bay đến thành phố của bạn thuê xe. Ai ai cũng có lợi, trừ những công ty cho thuê xe kiểu truyền thống như Herzt.

Nói về truyền thông, các đài truyền hình phải xây dựng trường quay, thuê đội ngũ nhân viên hùng hậu; nhưng với YouTube, người sử dụng tự xây dựng nội dung cho kênh của họ và ảnh hưởng của nó lan rộng đến mức các kênh truyền hình lớn cũng phải xây dựng kênh riêng cho mình trên YouTube bên cạnh những kênh truyền thống của mình.

Cuộc chiến Uber, Grab và những hãng taxi truyền thống đang là một đề tài nóng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong vòng 5 năm họ đã xây dựng được một công ty trị giá 50 tỷ đô và có mặt trên 200 quốc gia dù không sở hữu bất kỳ một phương tiện giao thông nào.

Điểm chung của tất cả những ví dụ trên chính là mô hình nền tảng, một cuộc cách mạng kinh doanh đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Trong mô hình này, những tương tác sinh giá trị giữa các nhà sản xuất bên ngoài và người tiêu dùng được tạo điều kiện để diễn ra trên một nền tảng cung cấp sẵn cơ sở hạ tầng mở, bất cứ ai cũng có thể tham gia và tuân theo các quy tắc của nhà cung cấp nền tảng. Mục tiêu cuối cùng của nền tảng là tạo sự tương hợp giữa những người sử dụng và giúp các giao dịch hàng hóa, dịch vụ diễn ra, từ đó cho phép tạo giá trị cho tất cả những người tham gia.

Mô hình nền tảng là một thách thức lớn cho mô hình đường ống (pipeline) truyền thống, tức là doanh nghiệp phải đi qua từng bước một để hình thành giá trị của sản phẩm hay dịch vụ: trước tiên là thiết kế rồi sản xuất hàng hoá hay dịch vụ, sau đó mới đưa vào kênh phân phối, quảng bá sản phẩm, khách hàng mới tìm đến, mua và sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Mô hình truyền thống rất đơn giản trong khi mô hình nền tảng là một ma trận kết năng động, kết nối tất cả mọi người với nhau. Nó lấp vào những chỗ trống, những khoảng cách giữa những tập đoàn đa quốc gia hay các công ty lớn, một dạng “du kích” trên thương trường, cơ hội cho những công ty nhỏ, những người mới khởi nghiệp.

Hy đọc cuốn sách này để hiểu được sự thay đổi của thế giới và định hướng cho sự khởi nghiệp của mình trong xu hướng của thế giới. Học được cách nhìn của những bản nguyên thành công, học từ những quá trình vất vả, thất bại của những startups để rút ra bài học cho chính mình trước khi khởi nghiệp.

2. Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều

Thế giới có lẽ chưa bao giờ nhỏ đến thế! Chúng ta có thể ngồi tại nhà và đặt phòng cho chuyến công tác vào 6 tháng sau ở tận bên kia bán cầu; nhân thể ta cũng đặt bàn ăn cùng đối tác luôn; thậm chí, nếu còn độc thân, ta có thể có cơ hội hẹn hò nhân dịp này… Tất cả đều được thực hiện trên chiếc điện thoại cầm tay của bạn, với những thao tác đơn giản, dựa trên các trang mạng kết nối người có nhu cầu với người cung cấp dịch vụ!

Những công ty đại chúng lớn như Alibaba hay Facebook cũng như các công ty khởi nghiệp giá trị nhất hiện nay như Airbnb và Uber đều là những doanh nghiệp “mai mối” kiểu này – kết nối một nhóm khách hàng này với một nhóm khách hàng khác. Các nhà kinh tế học gọi đó này là các nền tảng đa chiều, vì họ cung cấp nền tảng thực tế hoặc ảo cho các nhóm khác nhau cùng kết nối.

Hai nhà kinh tế học David Evans và Richard Schmalensee là những người đầu tiên phân tích các nền tảng đa chiều và tìm ra các nguyên tắc hoạt động của nó cũng như khảo sát một số nền tảng đa chiều thành công để giải thích cách thức hoạt động của mô hình mới mẻ này.

Trên thực tế, những người mai mối (cũng như công việc mai mối) vốn đã tồn tại hàng thiên niên kỷ, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp truyền thống có bị đe dọa không, và có thể làm gì trước thử thách cũng như cơ hội này?

“. . . một cuốn sách quan trọng cho bất kỳ ai quan tâm đến những hiểu biết về cách thức xây dựng một doanh nghiệp đột phá như thế nào trong nền kinh tế hiện nay.”

– Bill Gates

3. Nền Kinh Tế Chia Sẻ

Nền Kinh Tế Chia Sẻ: Sự Kết Thúc Của Việc Làm, Và Sự Trỗi Dậy Của Chủ Nghĩa Tư Bản Dựa Trên Đám Đông

Arun Sundarajan giải thích sự chuyển biến đến trạng thái mà ông mô tả là “chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông” – một phương cách tổ chức hoạt động kinh tế mới mẻ có thể thế chỗ cho mô hình truyền thống lấy công ti làm trọng tâm.

Dựa vào những nghiên cứu có chiều sâu và nhiều ví dụ từ thế giới thực – bao gồm Airbnb, Lyft, Uber, Etsy, TaskRabbit, BlaBlaCar của Pháp, Didi Kuaidi của Trung Quốc, Ola của Ấn Độ, Sundararajan giải thích được những căn bản của chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông. Ông mô tả sự pha trộn lý thú giữa “quà tặng” và “thị trường” trong quá trình chuyển hóa của chúng, làm sáng tỏ những công nghệ chuỗi khối đang xuất hiện, và phân loại những nền tảng theo-yêu-cầu đang gia tăng chóng mặt. Ông bàn luận về việc hình thái mới này sẽ làm thay đổi sự tăng trưởng kinh tế và tương lai của việc làm ra sao. Liệu chúng ta sẽ sống trong một thế giới mà chúng ta là những doanh nhân được trao quyền và được thụ hưởng sự linh hoạt và độc lập trong chuyên môn? Hay chúng ta sẽ trở nên những người lao động bị tước quyền, chạy nhốn nháo giữa các nền tảng tìm công việc kế tiếp để chèn vào? Sundararajan nhấn mạnh tầm quan trọng của các lựa chọn chính sách. Ông gợi ý những hướng đi mới dẫn đến hình thành những tổ chức tự điều tiết, đến luật lệ lao động, và việc cấp vốn cho mạng lưới an sinh.

4. Tứ đại quyền lực

Được dịch sang 22 thứ tiếng, nằm trong danh sách “best seller” của cả New York Times và USATODAY, Tứ Đại Quyền Lực (The Four) khiến cả thế giới rúng động vì lượng sự thật nó hàm chứa trong nội dung. Quyển sách được khuyến cáo với người đọc là họ sẽ bàng hoàng không hề nhẹ trước những điều mình đọc…

“Đây là quái vật của dòng sách kinh tế. Cuốn sách thiết yếu và bao quát này hết sức sắc bén, thú vị và cay nghiệt. Những nhận xét thẳng và thật của Scott Galloway chẳng kiêng dè bất cứ một đại gia công nghệ nào. Thực sự là một cuốn sách đáng đọc”, Chuyên gia tâm lý Adam Alter, giảng viên ngành tâm lý học tại trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York nhận xét như thế khi đọc xong Tứ Đại Quyền Lực. Đây là cuốn sách đầu tay của Scott Galloway, một giáo sư tại khoa Kinh doanh Stern thuộc đại học New York, phụ trách giảng dạy về chiến lược thương hiệu và tiếp thị số cho các học viên MBA năm thứ hai. 

Scott là một nhà đầu tư, đã sáng lập 9 công ty bao gồm L2, Red Envelope và Prophet. Anh cũng từng lọt vào danh sách 50 Giáo sư Kinh doanh Xuất sắc nhất thế giới của trang thông tin Poets & Quants vào năm 2012. Loạt clip hàng tuần Winners and Losers của ông trên YouTube đã thu hút được hàng chục triệu lượt xem. Vậy, tác phẩm của một giáo sư “siêu” kinh doanh này hấp dẫn người đọc ở điểm nào?

Đầu tiên, đây là tác phẩm “đụng chạm” trực diện chuyện kinh doanh của Amazon, Apple, Facebook và Google, bốn doanh nghiệp có sức ảnh hưởng áp đảo nhất hành tinh này hiện nay. Bằng sự tôn trọng tuyệt đối, giáo sư Scott Galloway ghi nhận thành công và hành trình thành công của những tên tuổi đình đám nhất trong giới công nghệ này. Những con số, những phép so sánh mà tác giả mang đến cho người đọc khả năng hình dung các “ông lớn” này đang lớn đến mức nào. Đi sâu vào chiến lược kinh doanh của bốn cái tên hàng đầu, Scott Galloway cùng đồng thời lý giải từng quyết định, từng thương vụ lớn mà những doanh nghiệp này đã thực hiện. Ông quan niệm, hiểu được sự lựa chọn của bộ tứ quyền lực là hiểu được mô hình kinh doanh và cách họ tạo ra giá trị trong kỷ nguyên số. “Tôi viết cuốn sách này với hy vọng độc giả sẽ có được cái nhìn thấu đáo và nhận ra được thế mạnh của doanh nghiệp trong một nền kinh tế mà chưa bao giờ dễ trở thành tỷ phú như bây giờ, nhưng cũng chưa bao giờ trở thành triệu phú khó đến vậy”, tác giả chia sẻ.

Tuy nhiên, điều khiến tác phẩm của Scott Galloway cực kỳ hấp dẫn là vì ông đã không kiêng dè khi chứng minh, hiểu biết của cả thế giới về bốn cái tên quyền lực kia gần như đều… sai bét. Vượt thoát khỏi làn khói thần bí vây quanh bộ tứ quyền lực ấy che mắt, ông thẳng tay lột phăng chiếc mặt nạ dát vàng của bộ tứ quyền lực để mổ xẻ chiến lược và năng lực thao túng siêu phàm của họ, từ đó giúp độc giả học hỏi và áp dụng những kỹ thuật đó vào sự nghiệp của chính mình. 

Trong nửa đầu quyển sách, tác giả đưa người đọc vào quá trình xem xét từng chàng kỵ binh và phân tích những chiến lược của họ. Các doanh nghiệp khác có thể học gì từ những chiến lược này. Trong phần thứ hai là cách thức nhận diện những thế mạnh cạnh tranh của bộ tứ này, xem cách kinh doanh mới của họ đang diễn tiến như thế nào. Bên cạnh đó, tac giả cũng cho người đọc thấy được cách thức bộ tứ bảo vệ thị trường của mình ra sao.

Bằng một phong thái hết sức từ tốn, Scott Galloway đưa người đọc từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Đâu là tội lỗi của bốn chàng kỵ binh này? Họ đã lợi dụng các chính phủ và đối thủ cạnh tranh như thế nào trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ? 

Không chỉ dừng lại ở bốn cái tên khổng lồ, tác giả mở rộng bức tranh, mang đến độc giả cái nhìn toàn cảnh bằng cách điểm mặt các ứng cử viên công nghệ sáng giá khác, từ Netflix đến Alibaba, một Amazon thu nhỏ của Trung Hoa, rồi Uber và những người khổng lồ một thời từng làm mưa làm gió như IBM, Microsoft… để cùng tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu họ có thể quay lại đường đua hay không? Ai trong số họ có khả năng phát triển một nền tảng chi phối hơn so với bộ tứ hiện tại? Ai sẽ có khả năng trở thành chàng kỵ binh thứ năm? Và, bộ tứ sẽ đưa con người đi đến đâu. 

Vạch trần bản chất kinh doanh của bốn doanh nghiệp đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người nhưng Tứ Đại Quyền lực của Scott Galloway không gây hoang mang cho người đọc. Cuộc trò chuyện ông với độc giả đầy giá trị khi ông cùng người đọc nhìn vào bản thân mình, xem những tính chất nghề nghiệp nào giúp chúng ta tồn tại và có thể hưởng lợi trong kỷ nguyên của bộ tứ quyền lực này. Như lời vị doanh nhân nổi tiếng Calvin McDonald, CEO của Sephora, Scott Galloway thành thật và táo bạo đến tàn nhẫn nhưng cuốn sách này sẽ buộc bạn thay đổi cách nghĩ của mình.

IMG_20180409_0001

Leave a Reply