ĐỪNG KHỞI NGHIỆP TỪ CON SỐ KHÔNG

Đây là chương 1 của cuốn sách BUY THEN BUILD, đang được anh Huỳnh Hữu Tài và nhóm WeTransform dịch, sẽ ra mắt bản dịch tiếng Việt trong năm 2020.

“Nó kết thúc rồi.”

John là cựu giám đốc quản lý sản phẩm tại Microsoft Services. Hiện nay, ông là CEO của một công ty start-up có tên là Viewpoint. Ông đang nói về công ty chúng tôi. “Chúng ta đã hết sạch tiền mặt rồi, sản phẩm thì vẫn chưa hoạt động và khách hàng trả tiền thì chưa thấy đâu. Như vậy là không ổn rồi.”

Đây không phải là start-up đầu tiên hay thậm chí cũng không phải start-up thất bại đầu tiên của tôi. Tôi thực sự hiểu được những rủi ro này – sau những lần thất bại trước đó, tôi nghĩ rằng mình đã nắm vững những yếu tố khác nhau để ra mắt thành công một sản phẩm. Lần này chắc chắn phải khác.

Chúng tôi không chỉ có một sản phẩm tuyệt vời ở một thị trường đang phát triển nhanh chóng, mà còn có một đội ngũ với rất nhiều ngôi sao. Nhà đầu tư lớn nhất của chúng tôi là cựu CEO của một công ty trong danh sách Fortune 500. Còn vị CEO của chúng tôi đã từng là chuyên gia tư vấn cho dự án Sharepoint tại Microsoft, ông đã làm việc trực tiếp với các khách hàng ở thị trường mục tiêu mà chúng tôi nhắm đến. Chúng tôi còn sở hữu một đội ngũ lập trình viên với nhiều năm kinh nghiệm đã từng tạo ra những sản phẩm phần mềm doanh nghiệp có doanh thu cao. Một trong những chuyên gia tư vấn của chúng tôi là cựu CTO của một công ty nằm trong danh sách Fortune 500. Thêm vào đó, việc tăng vốn chủ sở hữu đã được đăng ký vượt mức, chúng tôi cũng chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp một những chương trình tăng tốc khởi nghiệp cho start-up hàng đầu thế giới. Chúng tôi có phiên bản beta (thử nghiệm) của sản phẩm đang được dùng thử tại nhiều công ty lớn. Với tất cả những yếu tố này, dường như chúng tôi đã có tất cả các dấu hiệu thành công… ngoại trừ một sự thành công thật sự.

Các công ty start-up thường có một lỗ hổng cố hữu, đó là: hầu hết họ đều thất bại. Ngay cả khi bạn bắt đầu với tài năng xuất chúng, một sản phẩm dùng thử nổi bật, và một đội ngũ với toàn những ngôi sao, tất cả những điều đó vẫn không đảm bảo cho sự thành công. Chúng ta thường nghe về một sự thật phũ phàng rằng, chỉ 1 trong 10 công ty start-up thực sự thành công. Đây không phải là một điều bí mật. Chúng tôi luôn tiến về phía trước trong tâm thế tỉnh táo và ý thức về tất cả những điều này. Và công ty Viewpoint cũng không phải là một ngoại lệ.

Mục tiêu của các doanh nhân là điều hành một doanh nghiệp để đạt được sự thành công. Mục tiêu của các nhà đầu tư là sinh lợi bằng cách đầu tư vào một doanh nghiệp thành công. Duy chỉ có một vấn đề – giai đoạn khởi nghiệp luôn là giai đoạn nhấn chìm và giết chết các doanh nghiệp.

Các số liệu cho thấy rằng, trong tình huống khả quan nhất cũng chỉ có một nửa các start-up có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Hầu hết thường bắt đầu như một doanh nghiệp nhỏ thay vì hình ảnh hào nhoáng như Uber. Verne Harnish, tác giả của cuốn sách Scaling Up (Mở rộng quy mô) quan sát thấy rằng chỉ 4% trong tất cả các công ty ở Mỹ có thể có doanh thu hơn 1 triệu đô la.[1] Đối với tôi, có một điều kỳ lạ, đó là mặc dù rất yêu thích tinh thần khởi nghiệp, nhưng chúng tôi đã không thực sự tìm ra một giải pháp tốt để tránh đường băng khởi động của start-up, hay xây dựng sự bền vững đối với start-up ngay từ đầu. Khi đào sâu vào các số liệu ở mức độ này, chúng tôi đã bỏ lại sự thật rằng đâu đó 99% các start-up hoặc là thất bại hoàn toàn, hoặc chưa bao giờ đạt được điều gì đó ở khía cạnh tài chính hay sự ảnh hưởng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu có một phương pháp cho phép thiết lập thành công ngay từ đầu, hay có thể gọi nó là một “bí kíp khởi nghiệp.” Một con đường có thể giúp các doanh nhân có thể vượt qua giai đoạn start-up nhanh chóng và bắt đầu điều hành một doanh nghiệp thành công ở vị trí giám đốc điều hành ngay từ những ngày đầu. Phương pháp này cung cấp một nền tảng mà bạn có thể ngay lập tức gia tăng các giá trị từ đó. Bạn có thể xây dựng nó, điều hành nó, và sử dụng dòng tiền của công ty để tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ mới.

Phương pháp này thật sự tồn tại, và tôi gọi nó là con đường khởi nghiệp bằng phương pháp mua lại.

KHỞI NGHIỆP BẰNG PHƯƠNG PHÁP MUA LẠI

Các doanh nhân khởi nghiệp bằng phương pháp mua lại sẽ bắt đầu hành trình của mình bằng cách mua một doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường, thay vì bắt đầu xây dựng mọi thứ từ con số không. Tại đây, họ mang tinh thần khởi nghiệp vào doanh nghiệp để xây dựng giá trị. Một doanh nghiệp nhỏ đã có lợi nhuận cùng với một mô hình kinh doanh bền vững khi kết hợp với tinh thần đổi mới sáng tạo và động lực khởi nghiệp sẽ là một công thức thần kỳ.

Lợi ích chính của việc khởi nghiệp bằng cách mua lại đó là các công ty đang hoạt động đã có một danh sách khách hàng sẵn có, nhận diện thương hiệu quen thuộc, nhân viên có kinh nghiệm và quan trọng nhất đó là nguồn doanh thu và lợi nhuận – đây là tất cả những gì mà một start-up không có.

Thay vì phải dành ra hàng tháng (hàng năm) để kêu gọi vốn, đồng thời cố gắng xây dựng hoạt động bán hàng từ đầu với một sản phẩm hoàn toàn mới, người doanh nhân mua lại đã có một mô hình có lợi nhuận để bắt đầu. Những doanh nghiệp đang hoạt động thường sở hữu một thị trường đã định hình sẵn, vì vậy họ không cần phải băn khoăn về thời điểm nào là chín muồi để gia nhập thị trường, hoặc lo lắng về những đối thủ với nguồn lực tài chính mạnh mẽ hơn sẽ cạnh tranh thị phần với họ – và trong một vài trường hợp khác đó là nỗi lo lắng phải xây dựng thị trường từ con số không. Chỉ bằng cách mua lại một công ty, thông thường là những công ty với doanh thu lớn hơn 1 triệu đô la, bạn đã có thể loại bỏ rất nhiều những rủi ro vốn có của hành trình khởi nghiệp.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ thành công đã được vận hành trong nhiều thập kỷ. Điều này có nghĩa là mô hình kinh doanh thành công của họ đã được phát triển từ lâu. Nhiều doanh nghiệp trong số này có thể tận dụng lợi thế của những doanh nhân thế hệ mới, những người có cách tiếp cận vấn đề mới mẻ và trang bị cho mình các kỹ năng của thời đại mới. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều cơ hội đối với những doanh nghiệp nhỏ hoạt động trên hệ thống cũ, không bao giờ có tư tưởng chuyển sang mô hình kinh doanh tinh gọn, hay phát triển một đội ngũ bán hàng tinh nhuệ, và một chương trình marketing trực tuyến hiệu quả.

Sau khi rút khỏi công ty ViewPoint,[2] một chuyên gia tư vấn giúp tôi thoái vốn ở công ty trước tiếp tục giới thiệu một công ty quản lý và phân phối in ấn hứa hẹn sẽ là lựa chọn phù hợp tiếp theo cho tôi. Công ty có nguồn doanh thu vài triệu đô la đồng thời sở hữu một danh sách khách hàng cực kỳ uy tín, danh tiếng và dành được nhiều sự nể trọng trong ngành.

Qua phân tích của chúng tôi – mặc dù quản lý in ấn và “kiểm soát thương hiệu” tập trung là những hạng mục giá trị đối với các khách hàng, tuy nhiên, chúng tôi quyết định năng lực cạnh tranh cốt lõi thực sự của doanh nghiệp nằm ở khả năng quản lý tồn kho và năng lực hoàn tất đơn hàng. Điều này giúp cho các khách hàng có thể tiếp cận với các lợi ích đến từ phương pháp quản lý chuỗi cung ứng tinh gọn và hỗ trợ mở rộng các dòng sản phẩm một cách dễ dàng.

Thật vậy, một trong những khách hàng lớn nhất đã tiếp cận người bán và yêu cầu liệu ông ta có thể tích hợp các sản phẩm quan trọng trong chuỗi cung ứng của họ lên trên hệ thống đặt hàng trực tuyến được không. Từ đó, chúng tôi nhận thấy tiềm năng của việc xây dựng một công ty vận hành và xử lý đơn hàng dành cho khách hàng doanh nghiệp từ hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, nhằm cung cấp một “trải nghiệm tương tự như Amazon” có tính riêng tư và được tuỳ chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế của những doanh nghiệp với nhiều địa điểm.

Tôi đã mua lại công ty vào đầu năm 2015 với một khoản đầu tư 6 con số (đầu) cùng một khoản vay ngân hàng. Sau khi chốt thương vụ này, với dòng tiền sẵn có, chúng tôi thuê các kỹ sư phần mềm làm việc bán thời gian để thiết kế một cửa hàng thương mại điện tử độc quyền. Cửa hàng này đã giúp chúng tôi nhanh chóng ra mắt đến hàng chục ngàn người dùng trên toàn quốc. Và đây chính là điều mà chúng tôi đã cố gắng triển khai tại ViewPoint nhưng thất bại.

Mọi người đều cảm thấy hào hứng và thu hút. Thay vì một “hệ thống đặt hàng trực tuyến,” giờ đây họ đã có một trang web cực kỳ thân thiện với người dùng mà không cần bất kỳ hoạt động đào tạo nào. Trụ sở chính đã có thể cung cấp các số liệu theo dõi theo thời gian thực và các mã kế toán cho hệ thống kế toán nội bộ của công ty. Chúng tôi cũng đồng thời triển khai các quy trình cho phép quản lý tồn kho một cách chủ động, nhờ đó gia tăng khả năng giao hàng đúng giờ, và tăng niềm tin và sự tin cậy nơi các khách hàng hiện tại.

Trong mười một tháng đầu tiên, đội ngũ của chúng tôi đã giúp tăng giá trị thị trường của công ty lên gấp đôi và hơn thế nữa, chỉ đơn giản bằng cách tích hợp sự đổi mới sáng tạo vào một doanh nghiệp đang hoạt động ổn định và bền vững.

Để giữ lửa và nhiệt huyết, tôi tiếp tục mua lại một công ty may mặc và quảng cáo địa phương vào năm tiếp theo, sau đó sáp nhập công ty này với công ty vận hành và xử lý đơn hàng. Hành động này đã ngay lập tức giúp tăng 20% doanh thu, có thêm 500 khách hàng mới. Và tất nhiên, những hoạt động này đều được tài trợ bằng nguồn tiền sẵn có của doanh nghiệp mà tôi đã mua lại.

Thương vụ này chính là minh chứng sống động cho sức mạnh của khởi nghiệp bằng hình thức mua lại. Trong khi chúng tôi hoàn toàn thất bại trong việc thu hút đủ lượng người dùng trả tiền tại ViewPoint – mặc cho sở hữu rất nhiều vốn cùng một sản phẩm cực kỳ sáng tạo và được yêu mến hay một đội ngũ làm việc hoàn hảo đáng kinh ngạc – vậy mà tại đây, tôi đã đạt được mục tiêu cuối cùng tương tự như vậy bằng cách mua lại một doanh nghiệp thành công và sử dụng dòng tiền của chính doanh nghiệp này để thực hiện các công tác đổi mới sáng tạo, nâng cấp sản phẩm và nguồn nhân tài. Tất cả những điều này đều được thực hiện chỉ với một khoản chi phí nhỏ, thời gian ngắn, và 100% quyền sở hữu của công ty.

Thêm vào đó, đây không phải lần đầu tiên tôi kinh doanh theo cách này. Trong suốt 10 năm qua, tôi đã mua lại 7 công ty khác nhau với những khoản đầu tư nhỏ hơn nhiều. Những công ty này hoạt động trong lĩnh vực in ấn sách, phân phối, sản phẩm khuyến mãi, thương mại điện tử, giáo dục, chế tạo và hoàn thiện kim loại. Tất cả những thương vụ này đều mang trong mình rất nhiều cơ hội phát triển đối với những ai có khả năng nhìn thấy và hiểu được tiềm năng hứa hẹn của chúng cùng lợi ích của việc khởi nghiệp bằng hình thức mua lại. Tôi đã mua những doanh nghiệp này bởi vì tôi hoàn toàn tin rằng, tôi cùng đội ngũ của mình có thể gia tăng giá trị cho chúng.

Thành thật mà nói, tôi thấy mình khá may mắn. Với sự dẫn dắt của tôi, hầu hết các doanh nghiệp này đều đạt được giá trị cao hơn so với thời điểm mà tôi mua chúng. Và trên hành trình này, tôi thậm chí còn may mắn khi đã thoái vốn thành công – thành tựu đáng giá nhất mà tất cả các start-up đều mong đợi.

Thực hành phương pháp mua lại đã thay đổi hoàn toàn mô hình khởi nghiệp. Thay vì phải xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu cho một doanh nghiệp và sau đó tìm nguồn doanh thu hỗ trợ nó, với phương pháp mua lại, bạn có thể tìm một nguồn doanh thu đã có lợi nhuận trước. Bằng cách này, độ dài đường băng khởi động của start-up được rút ngắn, sự tập trung của bạn ngay lập tức dành cho các hoạt động cải thiện một doanh nghiệp đã thành công này. Các hoạt động này bao gồm quản lý, đổi mới sáng tạo, và phát triển công ty ngay từ những ngày đầu tiên.

So với việc gọi vốn bằng cách phát hành cổ phiếu công ty, cùng lúc đó cố gắng điều chỉnh và tìm ra sự phù hợp giữa sản phẩm và thị trường… tất cả những điều này được thực hiện dưới áp lực quản lý dòng tiền âm. Do đó, chúng ta có thể hiểu tại sao các nhà sáng lập start-up thường nhầm lẫn giữa nguồn vốn đầu tư và doanh thu.

Có gần 500.000[3] doanh nghiệp nhỏ được mua lại mỗi năm. Những doanh nhân mua lại đang bỏ qua giai đoạn start-up, tạo ra giá trị hàng nghìn tỷ đô la và trải nghiệm cuộc sống của một doanh nhân thành công thật sự.

CHI PHÍ CỦA CÁC THƯƠNG VỤ MUA LẠI HỢP LÝ HƠN BẠN NGHĨ

Tôi thường nghe mọi người nói rằng: “Tôi không bao giờ làm được điều này vì tôi không giàu có.”

Đầu tiên, từ kinh nghiệm của mình, tôi muốn nói rằng, có rất ít những doanh nhân khởi nghiệp bằng cách kêu gọi vốn đầu tư lại giàu có, vì vậy sự so sánh này có lẽ hơi khập khiễng. Mặc dù các nhà giao dịch luôn muốn thấy vài trăm nghìn đô la tiền mặt có sẵn, nhưng đó là bản chất của việc mua lại một doanh nghiệp đang hoạt động để đảm bảo việc tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn.

Ngân hàng cung cấp các khoản vay cho người mua lên đến 90% giá trị của thương vụ mua bán, sử dụng tài sản doanh nghiệp làm tài sản thế chấp. Bạn có nhớ rằng tôi đã từng đề cập về quá trình gọi vốn thường phải mất một khoảng thời gian không? Trong khi đó, sự hỗ trợ tài chính đối với những thương vụ mua lại này thường diễn ra nhanh chóng và ngay lập tức, mang lại một khoản “tiền trả trước” hoặc “vốn góp cổ đông” và số dư được cung cấp từ ngân hàng.

Thêm vào đó, việc huy động nguồn tiền từ ngân hàng đồng nghĩa với việc quyền sở hữu công ty thuộc về một mình bạn.

Nếu bạn mong muốn có nhà đầu tư hoặc các phương án dự phòng cho nguồn vốn góp ban đầu, bạn sẽ có một vài lựa chọn. Bạn có thể hợp tác với bạn bè, gia đình, hoặc trình bày với quỹ đầu tư gia đình hoặc các nhà đầu tư thiên thần, những người có khả năng bị cuốn hút bởi những lợi ích kinh tế vượt trội của mô hình này so với đầu tư vào những start-up. Có một xu hướng ngày càng gia tăng trong các quỹ tìm kiếm kiểu mới, nơi chỉ dành riêng để hỗ trợ cho các doanh nhân mua lại các doanh nghiệp. Các quỹ này đồng thời có khả năng giúp bạn tiếp cận và mua lại các công ty lớn thuộc thị trường trung cấp một cách hiệu quả (theo tôi, đó là những công ty có nguồn doanh thu từ 5-100 triệu đô la[4]) cùng một nguồn vốn cộng thêm để giảm bớt hồ sơ nợ. Đây là một lợi thế vượt trội so với việc bạn phải tự xoay xở một mình.

Tóm lại, mua lại một doanh nghiệp không phải là điều nằm ngoài tầm chi trả như bạn từng nghĩ. Xét về nguồn vốn ban đầu mà các doanh nhân cần, bạn có thể ngạc nhiên rằng, nó cũng tương đương với việc thành lập một công ty hay mua một ngôi nhà vậy. Để tôi giải thích chi tiết hơn nhé.

Các chuyên viên thống kê của Babson College đã báo cáo trên tờ Wall Street Journal rằng thường một start-up trung bình có thể đi vào hoạt động với 65.000 đô la vốn đầu tư. Tương tự như vậy, khoản tiền trả trước trung bình cho một căn nhà trong ba năm qua[5] là gần 57.000 đô la, hai lăm quận có mức tăng trưởng thế hệ Y[6] cao nhất có mức giá trung bình là 66.174 đô la. Vì vậy, bất kể là khi thành lập một doanh nghiệp mới tinh hay mua một căn nhà, số tiền đầu tư trung bình rơi vào khoảng 65.000 đô la.

Bởi vì các công ty dưới 10 triệu đô la doanh thu thường được bán với giá thấp hơn nhiều lần so với các công ty ở thị trường trung cấp hoặc công ty đại chúng. Một khoảng đầu tư 65.000 đô la, cùng với 90% khoản vay được hỗ trợ SBA (Cục quản lý doanh nghiệp nhỏ), có thể giúp bạn mua được một công ty có khả năng tạo ra hơn 1 triệu đô la doanh thu, đồng thời mang lại vị trí CEO của một trong 4% các công ty lớn nhất tại Mỹ cho người doanh nhân mua lại ngay lập tức.

Nếu tính sơ bộ thì nó trông giống như thế này (và để đơn giản hoá, hãy giả sử phép tính này không bao gồm vốn lưu động, tồn kho, chi phí chốt thương vụ, hoặc bất động sản):

    65.000 đô la đầu tư cùng 90% khoản vay SBA tương đương với giá mua 650.000 đô la.

    Mức giá của một công ty ở cỡ này thường là bội số của 3 lần thu nhập điều chỉnh.[7] Thu nhập điều chỉnh vì vậy là 216.000 đô la (650.000 đô la chia 3).

Giả sử với 15% tỷ lệ thu nhập điều chỉnh/doanh số, công ty này dự đoán sẽ tạo ra hơn 1,4 triệu đô la doanh thu.

Có nhiều giả định trong một tính toán sơ bộ, tuy nhiên mục đích cuối cùng là nhằm để minh họa rằng một khoản đầu tư để xây dựng một doanh nghiệp hoàn toàn mới hoặc mua một căn nhà có thể dùng để mua lại một doanh nghiệp với một hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có, cùng một nguồn doanh thu ổn định. Tuy vẫn còn một vài chi phí khác trong bài toán này, nhưng điều rút ra ở đây đó là bạn hoàn toàn có thể mua lại một công ty cỡ này với giá dưới 100.000 đô la.

Nếu suy nghĩ lại về cách chúng ta tiếp cận tinh thần khởi nghiệp, có lẽ cần có một vài sự thay đổi đối với các kỹ năng thiết yếu. Điều này không hẳn là thêm vào hay bớt đi kỹ năng nào, mà nó là thứ tự những kỹ năng mà một doanh nhân nên thành thạo. Như tất cả những người kinh doanh chuyên nghiệp khác, các doanh nhân mua lại cần có các tố chất của một nhà đầu tư và một doanh nhân. Khi một doanh nhân lần đầu xây dựng một bản kế hoạch kinh doanh, họ cần nhanh chóng nhận ra sự cần thiết của việc tư duy như một nhà đầu tư để tạo ra một doanh nghiệp bền vững, mang lại lợi nhuận đối với nguồn vốn đã sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đây bắt đầu xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Điều khác biệt của một mô hình mua lại đó là người doanh nhân cần suy nghĩ và hành động như một nhà đầu tư trước khi bắt đầu. Điều này giúp tạo ra một công ty bền vững và mạnh mẽ hơn, người doanh nhân cũng được rèn luyện để thành công hơn. Trong minh họa trên, chúng tôi đã phác thảo một khoản đầu tư ban đầu là 65.000 đô la, mang lại hơn 200.000 đô la thu nhập khả dụng thực tế đối với người mua. Với tư duy của một nhà đầu tư, bạn cần phải đánh giá xem đây có phải một hạng mục đầu tư tốt không,[8] và phân tích các cơ hội kinh doanh. Là một doanh nhân, bạn sẽ tìm kiếm những cơ hội phù hợp với mình, và những cơ hội mang tính sở thích cá nhân.

Điều này đồng nghĩa rằng một doanh nhân mua lại cần phải học cách quản lý và vận hành một công ty đã và đang hoạt động, đồng thời vẫn dành sự tập trung vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây là những kỹ năng cần thiết của tất cả các doanh nhân thành công cần có khi họ dịch chuyển từ vị trí của người sáng lập sang vị trí CEO, tuy nhiên với thứ tự đảo ngược – bắt đầu là một CEO của một doanh nghiệp cũ, sau đó thổi làn gió về đổi mới sáng tạo, cập nhật xu hướng mới và tăng trưởng từ đó.

Khi một khoản đầu tư cho một nguồn doanh thu, cơ sở hạ tầng và thu nhập có sẵn kết hợp cùng tinh thần khởi nghiệp và sự đổi mới sáng tạo của người doanh nhân, bạn có thể thấy rằng hoạt động mua lại chính là công thức tối ưu, cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động có thể bước lên một tầm cao mới, mang lại những tác động to lớn, và là nền tảng cho nghệ thuật doanh nhân.

KHỞI NGHIỆP BẰNG PHƯƠNG PHÁP MUA LẠI VÀ QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM

Khởi nghiệp bằng con đường mua lại không hẳn là phù hợp với tất cả mọi hoàn cảnh hay tất cả mọi người. Sau tất cả, những thành công nổi bật của một người doanh nhân thường là sự nổi tiếng, hay thậm chí là địa vị huyền thoại. Chúng ta đều quen thuộc với gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ đang phủ sóng trên hầu hết các mặt báo kinh doanh như: Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg và Elon Musk… Những người này không bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách mua lại một công ty, vậy tại sao bạn phải làm như vậy?[9]

        Gần đây các công ty được mệnh danh là “kỳ lân” trong giới khởi nghiệp được định giá hàng tỷ đô la, và nhận được sự quan tâm của tất cả mọi người. Những công ty này đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc, họ không chỉ tạo ra giá trị vượt trội mà còn mang đến những mô hình kinh doanh mới. Thật vậy, chẳng phải tất cả các start-up ngày nay đều mong muốn trở thành “Uber của [ngành công nghiệp của họ]” đúng không?

Tất cả các công ty này đều được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) để khởi động doanh nghiệp của mình. Nếu có một cách tốt hơn để xây dựng một công ty từ con số không, thì đó hẳn sẽ là cách này. Một start-up được hỗ trợ bởi VC thành công trung bình huy động được 41 triệu đô la. Đây là một số tiền lớn, giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề.  

Theo Shikhar Ghosh, một giảng viên tại trường kinh doanh Harvard, thậm chí các start-up được hỗ trợ bởi VC – những công ty mà bất kỳ một start-up MBA nào cũng mơ ước trở thành – cũng có tỷ lệ thất bại là 75%. Vì vậy, những start-up được hỗ trợ tài chính vững vàng bởi những nhà đầu tư tốt nhất trên thế giới đã thành công trong việc nhân đôi tỷ lệ thành công rất thấp của những start-up không nhận được hỗ trợ từ VC. Thế nhưng, phần lớn các công ty này vẫn không đạt được sự phát triển bền vững.

Câu chuyện của VC là câu chuyện về quản lý danh mục đầu tư. Nghĩa là cần phải có danh mục đủ lớn để đảm bảo sự an toàn về đầu tư cho các VC. Điều này giải thích lý do vì sao, tính đến năm 2008, nguồn quỹ trung bình của một VC là 350 triệu đô la.[10] Một quỹ như vậy cung cấp nguồn vốn cho 8-14 công ty. Chỉ cần 3 công ty trong số này thành công sẽ hoàn vốn cho quỹ và đó là lợi nhuận, và 9 doanh nhân nhận được đầu tư có khả năng hoàn vốn như mong đợi. Với tư cách là nhà đầu tư, bạn sẽ thích trò chơi này. Bạn có thể thất bại trong nhiều thương vụ đầu tư, nhưng chỉ cần một vài thắng lợi cũng có thể mang về lợi nhuận vượt trội.

Là một doanh nhân, bạn cần hiểu rằng bạn không được đầu tư trong một danh mục. Bạn được đầu tư trong một công ty cụ thể, vì vậy lợi thế kinh tế của VC không áp dụng đối với bạn, và rất có thể 75% khả năng là công ty bạn sẽ thất bại. Điều đó có nghĩa là, đối với các doanh nhân, VC không hẳn là lựa chọn tối ưu nhất như mọi người vẫn nghĩ.

Tôi chia sẻ điều này không phải để phá hỏng giấc mơ đẹp đẽ của các doanh nhân ở khắp mọi nơi mà chỉ là một góc nhìn sâu sắc về những điều làm nên một thành công thật sự. Bạn cần hiểu rằng những công ty kỳ lân thường chỉ mang tính chất giai thoại hơn là một trường hợp thành công điển hình. Bạn vẫn có thể bắt đầu một công ty được hỗ trợ bởi VC và tin rằng mình sẽ làm nên một câu chuyện thành công tiếp theo trên trang bìa của một tạp chí. Tuy nhiên, nó cũng thể là một hình phạt nếu bạn không hiểu các số liệu thống kê.

Rất nhiều người tin rằng những công ty đột phá và tăng trưởng nhanh này chính là thành phần thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời mang lại việc làm cho thị trường lao động. Về cơ bản, họ chính là người tạo ra và thúc đẩy xu hướng bằng cách đặt cược lớn vào thị trường tiêu dùng vị thành niên, nhưng nó thực sự không phải là xuất phát điểm của sự tăng trưởng.

NƠI SỰ TĂNG TRƯỞNG THỰC SỰ BẮT ĐẦU

Năm 1979, trong một báo cáo thống kê có tên là The Job Generation Process (Quy Trình Tạo Việc Làm), nhà kinh tế học David Birch tiết lộ rằng các doanh nghiệp nhỏ chịu trách nhiệm tạo ra phần lớn những công việc mới. Sau khi công bố thống kê này, Birch tiếp tục hoàn thiện những nghiên cứu của mình, cuối cùng chọn ra thuật ngữ “linh dương” để định nghĩa 2-3% các công ty đang tạo ra 70% các công việc mới mỗi năm.

Linh dương được xác định bởi sự tăng trưởng nhanh chóng chứ không phải về quy mô. Để được xếp loại là một linh dương, một công ty phải có mức doanh thu khởi điểm tối thiểu 1 triệu đô la, và tăng trưởng với tốc độ 20%/năm trong 4 năm, giúp tăng gấp đôi về quy mô công ty trong giai đoạn đó.

Linh dương khi được xem như một cỗ máy tạo việc làm có thể đánh bại những chú voi (các công ty trong danh sách Fortune 500 như Wal-Mart hoặc ExxonMobil) và những con chuột (Main Street), dù sự so sánh này có lẽ cũng hơi khập khiểng khi hai con vật đại diện bên dưới được xác định bởi quy mô chứ không phải tốc độ tăng trưởng, vì vậy mà cả hai đều không thể tồn tại như một linh dương. Chính vì thế, hầu hết các linh dương đều không được tìm thấy Wall Street hay Main Street, mà là ở trên thị trường trung cấp.

Khi nghĩ đến một linh dương, có thể bạn sẽ hình dung ngay đến các công ty công nghệ. Tuy nhiên, sau tất cả, liệu có phải công nghệ đồng nghĩa với tăng trưởng nhanh? Vâng, trong những năm 1990, điều này hoàn toàn đúng. Zoltan Acs, giám đốc Trung Tâm Khởi Nghiệp và Chính Sách Công tại trường đại học George Mason, công bố những nghiên cứu của ông vào năm 2008 rằng trong những năm 1990, có nhiều linh dương trong lĩnh vực công nghệ hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Tuy nhiên, trong những năm 2000, ngành công nghiệp dẫn đầu là những công ty cung cấp dịch vụ liên quan đến nhà ở.[11] Với kinh nghiệm của mình, tôi có thể khẳng điều này khi công ty lan can nhôm của chúng tôi tăng trưởng hơn 38% trong năm 2017. Chắc chắn đây không phải là công ty trong ngành công nghệ cao.

Acs quan sát thấy linh dương được tìm thấy ở tất cả các ngành công nghiệp. Để minh họa rõ hơn quan điểm này, Birch nhấn mạnh: 1/3 linh dương được tìm thấy ở ngành bán sỉ và bán lẻ, và 1/3 trong lĩnh vực dịch vụ. Năm 2000,[12] xu hướng này cũng được tạp chí Inc. chỉ ra trong một bài báo của mình khi so sánh 500 công ty được vinh danh bởi tạp chí Inc. với các linh dương, chỉ có 47% các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.

Chắc chắn các công ty này phải có quy mô lớn, tuy nhiên danh sách 5.000 công ty được vinh danh bởi Inc. chỉ yêu cầu doanh thu 100.000 đô la khởi điểm – chỉ bằng 1/10 doanh thu của các công ty linh dương. Thêm vào đó, chỉ 7,3% của danh sách 5.000 công ty được vinh danh bởi Inc. là hoạt động trong lĩnh vực phần cứng và phần mềm. Điều này chứng tỏ rằng các công ty liên quan đến công nghệ có thể có được lợi thế “khó thất bại,” tuy nhiên nhanh chóng bị nhấn chìm trong đám đông sau đó. Hơn nữa, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong năng suất hoạt động của một công ty, nhưng việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao không làm cho chính công ty này trở nên hiệu quả hơn nữa. Sau tất cả, các phát hiện của Acs cho thấy chỉ 2-3% trong tất cả các công ty từng đạt đến trạng thái linh dương, và không công ty nào có thể duy trì trạng thái này mãi mãi.

Một trong những phát hiện của Acs có thể gây ngạc nhiên cho những ai là người hâm mộ truyền thuyết “tăng trưởng vượt bậc chỉ có ở các công ty start-up.” Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Forbes, Acs tiết lộ rằng các linh dương thường hai mươi lăm tuổi đời. Đây là những doanh nghiệp năng động nhất trong nền kinh tế – và họ chắc chắn không phải là những công ty mới tốt nghiệp các chương trình tăng tốc khởi nghiệp. Thay vào đó, họ là những công ty đã được thành lập lâu đời.

        Thêm vào đó, trái ngược với quan điểm thường thấy, một nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một cách tốt hơn để thống trị các ngành công nghiệp mới, thay vì cạnh tranh với những đối thủ đương nhiệm bằng một sản phẩm/dịch vụ mới toanh và đột phá.

HÀNH TRÌNH THỐNG TRỊ CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP MỚI

Một công ty đang hoạt động với một hệ thống cũ và những phương pháp thành công lỗi thời cũng cần đến sự đổi mới sáng tạo không kém như các công ty start-up. Và vì vậy, những ai nhận ra điều này sẽ có cơ hội tận dụng những lợi thế có được từ một nền tảng cũ để xây dựng một “công ty mới” mà họ mong đợi.

Là nhà tư vấn và tác giả của các cuốn sách bán chạy nhất thế giới, Jim Collins đã nghiên cứu những nguyên nhân dẫn đến thành công và thất bại của các công ty. Trong cuốn sách của mình, How The Mighty Fall (Cách Những Gã Khổng Lồ Thất Bại), ông đã cung cấp những hiểu biết về các giai đoạn thoái trào của một công ty cũng như những thời điểm công ty được đầu tư và cải tổ lại để lội ngược dòng thuỷ triều.

Như chúng ta đã thấy ở các công ty như Blockbuster và Borders, tất cả các tập đoàn đã thành lập lâu đời thường dễ tổn thương trong cuộc đua bắt kịp xu hướng sáng tạo. Collins giải thích làm thế nào để những công ty đang hoạt động có thể áp dụng những công nghệ đột phá đang tấn công mình để tạo ra một tỷ lệ thắng cuộc thực sự tốt hơn trong cuộc chiến với những đối thủ mới gia nhập ngành.

Trên thực tế, chính những con “chó già” khi học được những kỹ xảo mới sẽ có khả năng trụ lại giữa những cạnh tranh dữ dội trong ngành. Những con “có già” có được lợi thế từ nguồn doanh thu và thu nhập sẵn có, cơ sở hạ tầng và những hiểu biết sâu sắc về ngành. Đồng thời, họ có những khách hàng mong muốn và sẵn sàng cập nhật xu hướng.

Nó chứng minh rằng những thách thức mà các start-up phải đối mặt sẽ không bao giờ thực sự biến mất và việc sở hữu một hệ thống cơ sở hạ tầng sinh lợi nhuận chính là công cụ hữu hiệu nhất để đổi mới. Sự kết hợp giữa đổi mới và những khách hàng hiện tại sẽ mang lại chiến thắng trong cuộc chiến của các công nghệ đột phá.

Khi nhận ra rằng đầu tư mạo hiểm không hẳn là nguồn lực tốt nhất để tạo ra một công ty thành công, và sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất thường tìm thấy ở những ngành công nghiệp lâu đời, bạn có thể nhìn thấy những lợi thế của phương pháp mua lại. Tất cả những điều này có ý nghĩa như thế nào đối với những ai sẽ trở thành doanh nhân của hôm nay?

May mắn thay, có một cơ hội đáng giá trong lịch sử sẽ diễn ra ngay bây giờ.

CƠN SÓNG THẦN 10 NGÀN TỶ ĐÔ LA

Thế hệ baby boomer (sinh vào khoảng thời gian từ năm 1946-1964) làm chủ doanh nghiệp nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác trong lịch sử.

Năm 2013, họ sở hữu 12 triệu doanh nghiệp nhỏ, chiếm 43% tất cả các doanh nghiệp nhỏ trên cả nước.[13] Cùng năm đó, họ cũng bắt đầu về hưu với tỷ lệ 9.000/ngày.

Tỷ lệ những người thuộc thế hệ baby boomer nghỉ hưu sẽ tăng đột biến trong 18 năm tới. Cho đến năm 2021, tỷ lệ này sẽ là 11.000/ngày. Gần 77 triệu người, 20% dân số Mỹ, sẽ nghỉ hưu từ năm 2013 đến năm 2029. Điều này cho thấy rằng ước tính 10 ngàn tỷ đô la nằm ở những công ty đang hoạt động này[14] sẽ cần người kế nhiệm.

Những người thuộc thế hệ baby boomer đã và đang bán những doanh nghiệp nhỏ và thành công của mình được ghi nhận ở tỷ lệ kỷ lục.[15] Những doanh nghiệp này cung cấp một cơ hội chưa từng có cho các doanh nhân mua lại tập trung vào việc điều hành, phát triển và đổi mới doanh nghiệp ngay lập tức, trong khi đó vẫn có thể tận hưởng sự ổn định và thoải mái mà các công ty start-up không có được.

Một sự gia tăng đáng kể về nguồn cung các doanh nghiệp hiện có để bán, dự kiến sẽ dẫn đến một thị trường người mua chưa từng thấy. Điều này có nghĩa là hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng bởi những thế hệ trước sẽ luôn sẵn sàng để có thể mua với giá cả phải chăng nhất.

Hầu hết mọi người chỉ đơn giản không hiểu được rằng bạn có thể mua lại một doanh nghiệp có giá trị vẫn đang hoạt động và có khả năng mở rộng với giá dưới 100.000 đô la. Cùng với số lượng lớn những người thuộc thế hệ baby boomer nghỉ hưu. Từ đó, chúng ta có một thời điểm chín muồi để hoạt động khởi nghiệp bằng phương pháp mua lại phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

BẮT ĐẦU

Vậy bạn nên bắt đầu từ đâu? Làm thế nào để bạn có thể mua lại một doanh nghiệp thành công?

Ý tưởng đằng sau cuốn sách này nảy ra trong đầu tôi vào năm 2004 sau khi tốt nghiệp một chương trình MBA hàng đầu. Một vài người trong chúng tôi đã thành lập một công ty start-up ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và mặc cho thực tế rằng chúng tôi đã có những bản kế hoạch kinh doanh cực kỳ xuất sắc trong các cuộc thi, công ty này đã bị đình chỉ pháp lý ngay trong học kỳ cuối cùng.

        Tôi biết mình muốn sở hữu và điều hành một doanh nghiệp của riêng mình, nhưng tôi không có một ý tưởng hay ho để start-up, vì vậy tôi bắt đầu tìm kiếm những doanh nghiệp nhỏ để mua lại. Tôi không có tiền và cũng không biết bắt đầu từ đâu. Hầu như không có bất cứ tài liệu chất lượng nào về đề tài này, tấm bằng MBA đẳng cấp quốc tế cũng không cho tôi bất kỳ gợi ý nào.

Tôi cố gắng gặp gỡ các nhà môi giới kinh doanh để xem mình có thể học hỏi được gì hay không. Hầu hết họ đều cho rằng với số vốn để đầu tư ít ỏi của mình, tôi nên mua lại các quán bar đã lỗi thời hay các tiệm giặt ủi tự động. Từ đó, tôi nhận ra rằng trong ngành công nghiệp phân mảnh này có rất ít quy tắc, không có thực tiễn nào là tốt nhất, khan hiếm nguồn thông tin đáng tin cậy, và có một sự dao động lớn về chất lượng của các cơ hội sẵn có.

Tệ hại hơn, những nhà môi giới kinh doanh và tư vấn M&A[16] hầu như không dành sự quan tâm hay hỗ trợ gì cho những người mua lần đầu. Cũng không tốt đẹp gì khi tôi phân loại tất cả họ như vậy, tuy nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên khi họ chủ yếu chỉ tìm kiếm những thương vụ lớn cùng những con cá lớn. Họ thường bị soi xét kỹ khi làm việc với những người mua không thể chốt hợp đồng. Vì vậy, họ mong muốn có được sự tự tin tối thiểu khi làm việc với một người mua không cần sự hỗ trợ của ngân hàng. Khi không được trả lương hàng tháng, họ cũng không muốn nhận thêm những những rủi ro của một người mua không có đủ khả năng tài chính để chốt hợp đồng.

Tôi rất cần một nguồn thông tin chất lượng về cách mua lại một doanh nghiệp nhưng chúng không tồn tại. Khởi nghiệp bằng phương pháp mua lại hầu như không được dạy trong trường lớp. Nếu không, bạn cần phải may mắn đủ để là một trong số ít những người tham gia vào các chương trình học hàng đầu, được phát triển gần đây bởi các trường như Harvard, Northwestern, Đại học Chicago, hoặc Stanford. Tuy nhiên, những nội dung bàn về phương pháp này cũng rất hạn chế. Chính vì vậy, tôi đã dành ra hơn 10 năm qua để xây dựng một quy trình dựa trên những kinh nghiệm của mình và mong muốn chia sẻ cùng các bạn.

Tôi sẽ không giả vờ cho rằng việc mua lại một công ty không phải là một vấn đề lớn. Nó là một sự kiện thực sự quan trọng. Nó thực sự khó khăn, phức tạp, và như tất cả những gì liên quan đến tiền, nó cực kỳ cảm tính và mạo hiểm. Trên thực tế, hầu hết những người bắt đầu con đường thâu tóm doanh nghiệp sẽ không bao giờ bóp cò. Tôi tin rằng lý do đằng sau đó là vì họ thiếu một quy trình đưa họ từ vị trí hiện tại đến vị trí mà họ muốn đến. Không có bất kỳ la bàn nào để xây dựng kế hoạch tìm kiếm, phân loại các giao dịch, đánh giá các bên trung gian, cảnh giác với các rủi ro, hay nhận ra những cơ hội thật sự. Đồng thời cũng không có bất cứ ví dụ tương tự nào đã thực hiện trước đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu những phân tích của bạn vẫn còn thiếu sót hay có những cạm bẫy nào mà bạn không nhìn thấy?

Tôi hy vọng cuốn sách này (và trang web BuyThenBuild.com) có thể giải quyết những vấn đề này. Nó cũng chính là thứ tôi cần khi bắt đầu hành trình của mình, bỏ qua giai đoạn start-up, có được sự tự tin để sở hữu ngay một công ty đã có lợi nhuận.

Cuốn sách này cũng không chỉ giới hạn trong những kinh nghiệm của tôi. Tôi đã phỏng vấn và kết hợp với những kinh nghiệm và các nghiên cứu đến từ những tổ chức uy tín, các nhà đầu tư, những người quản lý quỹ đầu tư tư nhân, và nhiều kiểu doanh nhân khác nhau. Kết quả đạt được là một hệ thống không giống như tất cả những gì tôi đã từng thấy.

Và may mắn thay, chúng tôi đã thay đổi được cách mọi người suy nghĩ về tinh thần doanh nhân, mở ra thêm nhiều cơ hội cho mọi người có thể trở thành doanh nhân bằng cách tận dụng những giá trị to lớn của nền kinh tế được tạo ra bởi các doanh nghiệp nhỏ.  

Thêm nữa, tất cả các thông tin đều được tập hợp tại đây, tuy nhiên chỉ đọc cuốn sách này sẽ không thể giúp bạn thành công. Bạn cần phải kết hợp với hành động. Bạn cần cam kết đầu tư tiền bạc của mình và đánh cược với chính mình. Bạn cần sẵn sàng xây dựng một kế hoạch kinh doanh và trình bày nó với ngân hàng hoặc các nhà đầu tư tiềm năng khác. Cuối cùng, bạn cần sẵn sàng chấp nhận những rủi ro đã dự đoán. Mặc dù, chúng tôi đã mở đường cho một tỷ lệ thành công lớn hơn, nhưng bạn vẫn là phần quan trọng quyết định của ván bài này.

Cuốn sách Buy Then Build sẽ mở ra những cơ hội sẵn có ngay bây giờ một cách chi tiết và cung cấp cho bạn một kế hoạch cụ thể về cách xây dựng một quy trình tìm kiếm, đánh giá các giao dịch, và triển khai giai đoạn mua lại. Đây sẽ là lộ trình cho bất cứ ai mong muốn đi trên con đường khởi nghiệp bằng phương pháp mua lại, để trở thành CEO của chính công ty mà họ mua được, và từ đó dựng xây một doanh nghiệp mang tinh thần của mình.

Trước khi bắt đầu, điều đầu tiên cần hiểu rằng những doanh nghiệp nhỏ chính là một phương tiện đầu tư.

Leave a Reply