[Review Sách] “Ứng Dụng Trí Tuệ Nhân Tạo Để Dẫn Đầu”: Những Gã Khổng Lồ Đã Ứng Dụng AI Như Thế Nào?

Bằng cách đem đến những hiểu biết sâu sắc từ những gã khổng lồ về AI trên toàn cầu như Google, Microsoft, Amazon, Alibaba, Apple, Facebook,…, cuốn sách Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dẫn đầu (Artificial Intelligence in Practice: How 50 Successful Companies Used AI and Machine Learning to Solve Problems) của hai tác giả là Bernard Marr & Matt Ward chính là nguồn thông tin vô cùng thực tiễn trong việc đem tới cho độc giả một cái nhìn sáng tỏ nhất về cách thức trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) được sử dụng để giải quyết những thách thức kinh doanh nói chung và mở ra những cánh cửa cơ hội vượt tầm mong đợi cho các doanh nghiệp, đồng thời tái hiện một cách sinh động và chi tiết về cách thức mà các doanh nghiệp truyền thống và các công ty khởi nghiệp đã ứng dụng AI trong kinh doanh.

Trong kỷ nguyên 4.0, chúng ta không ngừng nhắc tới những thuật ngữ công nghệ đang thống trị toàn cầu:

·      IoT (Internet of Things): Internet vạn vật

·      Big Data: Dữ liệu lớn

·      AI (Artificial Intelligence): Trí tuệ nhân tạo

·      Deep Learning: Học sâu

AI có lẽ là thuật ngữ chúng ta thấy phổ biến nhất bởi nó xuất hiện rất nhiều và không chỉ giới hạn trong phạm vi công nghệ. Thuật ngữ AI còn lan rộng sang các khía cạnh khác như điện ảnh, kinh tế – chính trị,…. Và có một điều rõ ràng là, AI đã, đang và sẽ thay đổi thế giới của chúng ta. Sự thay đổi này diễn ra một cách sâu sắc hơn so với những hiện tượng bề nổi mà chúng ta có thể nhận ra ở thời điểm hiện tại.

Dù cho công việc bạn đang làm là gì, dù cho bạn đang làm trong lĩnh vực kinh doanh nào hay ngành công nghiệp nào, AI sẽ thúc đẩy nó, thậm chí làm thay đổi hoàn toàn.

Khi những con bot trở nên có tri giác

Giống như não bộ và các giác quan của loài người, AI chính là nguồn sức mạnh giúp cho bot có những khả năng tương tự như một con người bình thường. Chúng có thể ngửi, nghe, nhìn, thậm chí nói chuyện và học tập. Đây chính là nền tảng cơ bản cho các quy trình tự động hóa trong công nghiệp, giúp hiệu suất lao động tăng gấp nhiều lần. Nếu không ứng dụng “thứ công nghệ quyền lực này”, một doanh nghiệp nào đó, và xa hơn là cả nền kinh tế của một quốc gia sẽ có nguy cơ tụt lại phía sau.

Tại sao AI lại có khả năng làm được những điều kỳ diệu ấy?

Chính là vì bản chất của nó. Bản chất của AI có liên quan đến khả năng của hệ thống máy tính và máy móc cho phép chúng hoạt động và học tập một cách tự động. Chúng thu dữ liệu về, và trên cơ sở áp dụng một vài quy tắc tính toán hay những thuật toán được lập trình đối với dữ liệu Input, AI sẽ đưa ra quyết định hoặc dự đoán kết quả đầu ra. Thông qua những phép lập trình có quy tắc do con người nạp cho AI và gắn vào bot, bot sẽ trở nên có tri giác.

Khi quy tắc được thay thế bởi mạng nơ-ron nhân tạo – Đỉnh cao AI hiện đại

Thay vì sử dụng các quy tắc được lập trình thông qua một chuỗi câu lệnh phức tạp, con người sao chép quy trình “Thử nghiệm thử – sai” bằng cách sử dụng hệ thống mạng nơ-ron nhân tạo, sau đó gắn vào bot để chúng có thể tự tạo ra các quy tắc, tương tự như con người học thông qua các trải nghiệm. Với mạng nơ-ron nhân tạo, các tác vụ phức tạp mà trước đây khó có thể lập trình được thông qua thuật toán, nay đã trở nên khả thi với AI. Thay vì thực hiện theo các quy tắc được định trước, AI sẽ tự học thông qua trải nghiệm. Chúng ta gọi đó là Học máy (Machine Learning). Và khi học máy được sử dụng nhiều lớp mạng nơ-ron nhân tạo để học từ các dữ liệu huấn luyện, thuật ngữ Deep Learning (Học sâu) ra đời. Nhờ sức mạnh của điện toán và những nguồn dữ liệu dồi dào, Deep Learning đang ngày càng phát triển hưng thịnh trong kỷ nguyên 4.0. Không sai khi nói rằng Deep Learning chính là đỉnh cao của AI hiện đại.

Ứng dụng AI trong kinh doanh

Việc nghiên cứu các ứng dụng của AI trong bất kỳ việc kinh doanh nào thường sẽ dẫn đến việc đổi mới mô hình kinh doanh hoặc thậm chí là chuyển đổi hoàn toàn phương pháp tiếp cận kinh doanh.

Những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft, Google, Facebook, Apple, Alibaba,… đã nắm bắt rất tốt những cơ hội mà AI đem lại để phục vụ cho hoạt động kinh doanh và sản xuất của họ. Họ có những chiến lược AI thông minh giúp xác định được các cơ hội cũng như mối đe dọa mà AI có thể đem lại. Dù cho họ là đầu tàu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tất cả đều có điểm chung, đó là đều ứng dụng AI một cách sâu sắc và tuyệt vời. Nhờ AI, những gã khổng lồ công nghệ có thể:

·      Hiểu rõ hơn về khách hàng của họ

·      Tạo ra những sản phẩm – dịch vụ thông minh hơn cho khách hàng

·      Tự động hóa các quy trình kinh doanh

Những kẻ tiên phong trong lĩnh vực AI

Có thể kể đến những cái tên: Alibaba; Alphabet và Google; Amazon; Apple; Baidu; Facebook; IBM; JD.com; Microsoft; Tencent.

Mỗi doanh nghiệp tiên phong sẽ có cách ứng dụng AI theo chiến lược riêng phù hợp với mục tiêu và ngành nghề kinh doanh của họ. Trong khi Alibaba dùng AI để chọn mặt hàng nào sẽ hiển thị cho khách hàng khi họ truy cập và tìm kiếm sản phẩm mà họ muốn mua, đồng thời giám sát hành động mua sắm của khách hàng thì Alphabet (công ty mẹ của Google) lại xây dựng hệ thống với các công cụ tìm kiếm thông minh hơn, sử dụng trợ lý cá nhân ảo tích hợp AI và sử dụng công nghệ “Dịch thuật ngôn ngữ”. Ngoài ra, Alphabet còn ứng dụng AI trong xe tự lái (thuộc công ty con Waymo); trong việc tạo phụ đề tự động cho hàng triệu video để phục vụ những người có vấn đề về thính giác hoặc yêu thích sự tĩnh lặng; trong y tế (AI của Alphabet có khả năng chẩn đoán tình trạng mắt); trong Google Brain; trong Deep Mind (công ty xây dựng những mạng lưới nơ-ron “giả lập” dựa vào não người, được huấn luyện để có thể chơi game).

Amazon sử dụng AI trong việc phát triển hệ thống gợi ý sản phẩm, một công cụ tìm kiếm được thiết kế để kích thích việc mua hàng, trong khi đó, Apple lại có tầm nhìn là ứng dụng AI để phát triển các thiết bị cầm tay có khả năng tự chạy riêng các thuật toán học máy dựa trên những bộ dữ liệu thu thập được thông qua các cảm biến tích hợp.

Baidu ứng dụng AI như một chức năng tìm kiếm cung cấp chức năng tìm kiếm bằng hình ảnh, bản đồ, video, tin tức và dịch vụ dịch thuật cho người dùng của nó, trong khi đó Facebook sử dụng công nghệ AI có tên là “FBLearner Flow” để cá nhân hóa danh sách nội dung cập nhật và trang chủ tin tức của người dùng, sắp xếp các thông tin (và quảng cáo) ngay trước mắt họ.

IBM xây dựng AI có tên là IBM Watson – một nền tảng “điện toán nhận thức” ban đầu được hình dung như một cỗ máy hỏi-và-đáp, nhưng về sau thì ứng dụng của nó ngày càng trở nên đa dạng hơn (Cora; Easy Button; Ask Fred;…). JD.com thì ứng dụng AI nhiều nhất vào việc thực hiện các khâu phân phối, hậu cần và chuỗi cung ứng trên mạng lưới bán lẻ rộng lớn của họ.

Microsoft có mục tiêu cung cấp cho các doanh nghiệp công cụ kinh doanh mà họ có thể sử dụng để triển khai AI trong tổ chức của mình, trong khi đó Tencent ứng dụng AI xuất sắc trong công nghệ nhận diện khuôn mặt và huấn luyện Robot chơi game.

Trong lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống

Không thể không nhắc đến những cái tên: Burberry; Coca-Cola; Domino’s; Kimberly-Clark; McDonald’s; Samsung; Stabucks; Stitch Fix; Unilever; Walmart.

Burberry sử dụng AI để xây dựng hồ sơ và phân khúc khách hàng, đồng thời lý giải tại sao một số mặt hàng cụ thể có thể bán được tốt trong các cửa hàng vật lý nhưng lại không hiệu quả khi bán trong môi trường trực tuyến. Coca-Cola lại ứng dụng theo kiểu khác. Họ trang bị cho những chiếc máy bán hàng tự động các thuật toán AI cho phép chúng quảng cáo đồ uống và hương vị mà nhiều khả năng sẽ được đón nhận tại nơi chúng được cài đặt.

Domino’s sử dụng một hệ thống tên là Pizza Checker có khả năng chụp ảnh những chiếc pizza vừa ra lò, sau đó sử dụng thuật toán học máy để kiểm tra chất lượng bánh trước khi giao đến tay khách hàng. Kimberly-Clark áp dụng AI để xây dựng mô hình chi tiết về khách hàng của họ, đặc biệt là giúp gia tăng độ chính xác trong dự đoán khi nào khách hàng sẽ mang thai.

McDonald’s trang bị công nghệ phân tích thông minh cũng như các bảng thực đơn điện tử cho tất cả các ki-ốt tự phục vụ trên khắp thế giới. Điều này có nghĩa là những sản phẩm nào nên được quảng cáo và bán cho khách hàng được quyết định một cách độc lập và tự động. Samsung cũng ứng dụng AI rất hiệu quả khi họ có một trợ lý ảo cá nhân AI tên là Bixby, rất giống với Siri của Apple và Alexa của Amazon. Một trong những đặc điểm đặc biệt của Bixby là khả năng tích hợp toàn bộ các ứng dụng mà nó tương tác.

Trong khi Starbucks thu thập dữ liệu về hành vi của khách hàng bằng cách theo dõi họ (với sự cho phép của khách hàng) thông qua các chương trình khách hàng thân thiết và ứng dụng trên điện thoại di động, Stitch Fix sử dụng AI để hiểu số đo cơ thể cũng như thị hiếu và sở thích về phong cách thời trang của khách hàng.

Unilever đã hợp tác với chuyên viên tuyển dụng AI để triển khai một kế hoạch toàn cầu nhắm đến việc tạo ra sự tương hợp giữa ứng viên với công việc đăng tuyển một cách hiệu quả. Còn với Walmart, họ sử dụng Robot quét kệ hàng tự động nhằm đưa ra các video phân tích theo thời gian thực của siêu thị.

Trong lĩnh vực truyền thông, giải trí và viễn thông

Có thể kể đến những cái tên: Walt Disney; Instagram; LinkedIn; Netflix; Press Association; Spotify; Telefonica; Twitter; Verizon; Viacom.

Với Disney, họ giới thiệu vòng đeo tay MagicBand cung cấp cho tất cả khách tham quan và cho phép họ đặt chỗ cho chuyến đi và các điểm vui chơi, vào phòng khách sạn, đặt bữa tại các nhà hàng của công viên và trả tiền mua hàng tại các cửa hàng quà tặng. Chúng cung cấp cho Disney thông tin chi tiết về việc khách hàng đang làm gì tại mọi thời điểm trong ngày. Với Instagram thì khác. Instagram triển khai các thuật toán AI để sàng lọc tất cả các bình luận được đăng tải trên mạng.

LinkedIn thu thập dữ liệu từ hàng triệu chuyên gia và sau đó sử dụng công cụ tìm kiếm dùng AI để tạo sự tương hợp giữa ứng viên với công việc hoặc ngược lại. Còn với Netflix, họ sử dụng AI để dự đoán bạn có khuynh hướng muốn xem gì tiếp theo trong danh mục trên 10.000 bộ phim và chương trình TV của nó.

Press Association hợp tác với các chuyên gia báo chí theo định hướng dữ liệu của Urbs Media để xây dựng một hệ thống AI có khả năng sản xuất hàng loạt bài viết tin tức địa phương dựa trên dữ liệu được đưa vào trong hệ thống này, trong khi đó Spotify giới thiệu cho người dùng 30 bản nhạc mới mỗi tuần mà họ nghĩ rằng người dùng sẽ yêu thích thông qua danh sách phát Discover Weekly cá nhân của mỗi người.

Telefonica có dự án Internet Para Todos (Internet cho mọi người). Dự án bao gồm việc sử dụng AI để giải quyết vấn đề việc triển khai giải pháp kết nối trực tuyến cho 100 triệu người đang sống ở các vùng xa xôi ở châu Mỹ La-tinh. Còn với Twitter, họ phát triển các công cụ học máy có thể xác định mạng lưới các tài khoản spambot mà những kẻ buôn chuyện và lừa đảo sử dụng để tạo ảo tưởng rằng tiếng nói của họ có tính hợp pháp.

Verizon, với các thuật toán học máy, thu thập dữ liệu từ tất cả các thành phần mạng của nó và sử dụng những hiểu biết sâu sắc để hiểu cách thức và thời điểm xảy ra mất điện hay các sự cố. Còn với Viacom, họ sử dụng dữ liệu mạng và những tín hiệu truyền thông xã hội để hiểu càng nhiều càng tốt về cách thức khán giả của nó tiêu thụ dịch vụ của mình.

Trong lĩnh vực dịch vụ, tài chính và chăm sóc sức khỏe

Những cái tên hàng đầu: American Express; Elsevier; Entrupy; Experian; Harley-Davidson; Hopper; Infervision; Mastercard; Salesforce; Uber.

American Express xây dựng hệ thống AI có khả năng đọc dữ liệu từ các giao dịch thẻ trên toàn thế giới trong thời gian thực ngay khi chúng diễn ra, giúp phát hiện gian lận giao dịch. Elsevier thì có chiến lược xây dựng một nền tảng tiên tiến hỗ trợ đề xuất lâm sàng, sử dụng công nghệ học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên để đề xuất phác đồ điều trị tối ưu cho bệnh nhân.

Entrupy đã phát triển công nghệ quét sử dụng các kỹ thuật học máy và học sâu để phát hiện các mặt hàng có phải là chính hãng hay không. Còn với Experian, họ đang thử nghiệm một hệ thống AI sẽ hoạt động bằng cách phân tích hàng ngàn đơn xin vay thế chấp để xác định việc thực hiện bằng cách giảm khối lượng công việc trùng lặp và hợp lý hóa quy trình công việc giữa các bên khác nhau.

Harley-Davidson sử dụng AI để hiểu khách hàng hiện tại của họ, tìm thêm những người phù hợp, có hồ sơ tương tự và sau đó dành ngân sách marketing của mình để đưa các thông tin quảng cáo hoặc chương trình khuyến mãi đến với những người này. Còn Hopper thì thay thế đại lý du lịch kiểu cũ bằng một đại lý du lịch trí tuệ nhân tạo.

Trong khi Infervision sử dụng học sâu để diễn giải các hình ảnh quét, hình chụp X-quang và các dữ liệu y tế khác thì Mastercard áp dụng học máy vào hệ thống chấm điểm quyết định được thực thi khi thiết bị đầu cuối của một điểm bán hàng gửi thông tin thẻ khách hàng thông qua các hệ thống xác minh của nhà phát hành Mastercard tại điểm mua hàng.

Salesforce cung cấp nền tảng Salesforce Einstein cho khách hàng doanh nghiệp của họ. Đây được coi là giải pháp AI toàn diện duy nhất trên thế giới dành cho CRM. Và Uber thì sử dụng AI cho mô hình kinh doanh chính yếu là điều phối tài xế đến nơi hành khách đang chờ và tính toán tuyến đường hiệu quả nhất để đưa họ đến đích.

Trong lĩnh vực sản xuất, ô tô, không gian và công nghiệp 4.0

Có thể kể đến những cái tên: BMW; GE; John Deere; KONE; Daimler AG; NASA; Shell; Siemens; Tesla; Volvo.

BMW vừa tích hợp tự động trong suốt các chu trình kinh doanh của riêng họ để hợp lý hóa chúng, thúc đẩy hiệu quả và khám phá những cơ hội mới, vừa tích hợp AI vào các sản phẩm và dịch vụ của họ để tạo ra những dịch vụ hấp dẫn hơn cho khách hàng. Với GE, các kỹ sư tận dụng dữ liệu lớn, học máy và phân tích dự báo để hiểu rõ hơn về những căng thẳng và nhu cầu trong hoạt động trong một nhà máy năng lượng hiện đại.

Ở John Deere, họ phát triển công nghệ học máy được thiết kế để đảm bảo rằng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu sẽ được dùng tiết kiệm nhất có thể ở những nơi cần dùng. Còn ở KONE, họ có bộ xử lý được thiết kế để ước tính số lượng hành khách trung bình sẽ chờ ở mỗi tầng và điều chỉnh cách thang máy vận hành theo dự đoán đó.

Với Daimler AG, họ công bố chương trình Future Truck 2025, nơi họ tuyên bố đó sẽ là chiếc xe chở hàng nặng tự lái đầu tiên trên thế giới. Còn với NASA, dạy máy móc không gian nhận dạng dữ liệu bất thường là mục đích chính của công việc AI được thực hiện.

Shell sử dụng AI để phân tích năng lượng có thể phân tán tải do nhu cầu sạc trong giờ cao điểm, trong khi đó Siemens có các cảm biến và camera được sử dụng để đo đạc xem mọi bộ phận của hệ thống giao thông đang di chuyển và vận hành như thế nào.

AI của Tesla được sử dụng để giúp các phương tiện tự lái đưa ra quyết định dựa trên điều kiện đường sá xung quanh nó như hướng di chuyển, điểm đến theo kế hoạch và hành vi của các phương tiện giao thông khác trong vùng lân cận. Còn với Volvo, họ đã phát triển “Hệ thống cảnh báo sớm” giúp phân tích hơn 1 triệu sự kiện mỗi tuần để hiểu chúng có liên quan thế nào đến các sự cố, tai nạn và tỉ lệ hư hỏng trong các phương tiện của họ.

Kết

50 câu chuyện ngắn, được trình bày theo bố cục:

·      Ứng dụng AI để chế tạo ra [Sản phẩm]

·      AI giúp giải quyết những vấn đề gì?

·      AI được sử dụng như thế nào trong thực tế?

·      Công nghệ, công cụ và dữ liệu nào được sử dụng?

·      Kết quả đạt được là gì?

·      Thách thức và bài học chính được rút ra

·      Nguồn tài liệu tham khảo

đã giúp cho Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để dẫn đầu trở thành một trong những cuốn sách hay nhất viết về ứng dụng AI trong những công ty dẫn đầu thị trường toàn cầu. Thông qua 50 câu chuyện thành công này, độc giả có thể hiểu hơn về AI, về ứng dụng thực tiễn của nó và việc nó nâng tầm những doanh nghiệp lên trên đỉnh của thị trường, từ đó học hỏi và đưa ra được những phương pháp tương ứng cho doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Review chi tiết bởi Hà Anh – Bookademy

Leave a Reply