Tesla là công ty tiên phong trong việc phát triển và marketing cho những chiếc xe chạy bằng điện. Nó cũng có những đóng góp lớn vào tương lai của những phương tiện tự vận hành – trên thực tế, mỗi chiếc xe Tesla từng được sản xuất ra đều có tiềm năng trở thành xe tự lái một ngày nào đó, thông qua việc nâng cấp phần mềm. Nó cũng sản xuất và bán những bộ pin cao cấp và tấm pin năng lượng mặt trời.
Công nghệ tự vận hành trong xe hơi được xếp loại theo thang điểm từ 1 đến 5. Các tính năng như kiểm soát hành trình thích ứng và hệ thống đỗ xe tự động được phân loại là cấp 1, trong khi đó, các phương tiện tự vận hành hoàn toàn, có khả năng lái đến bất cứ nơi nào trên đường hoặc ngoài đường mà không có sự can thiệp của người lái xe, được phân loại là cấp 5.
Người sáng lập và Giám đốc điều hành của Tesla, Elon Musk, đã nói ông tin rằng công ty xe của ông sẽ đạt được quyền tự chủ hoàn toàn (cấp 5) vào năm 2019.
Trí tuệ nhân tạo đã giúp giải quyết những vấn đề gì?
Việc lái xe đòi hỏi con người phải luôn ở trạng thái tập trung cao độ trong thời gian dài. Vì hành vi của những người lái xe khác trên đường, cũng như các tình huống như thời tiết và điều kiện đường xá, có thể rất thất thường và không dự đoán trước được, nên không có gì ngạc nhiên khi có hơn 40.000 người đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn đường bộ ở Mỹ vào năm 2017.
Tất nhiên, các tai nạn nhỏ (không gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng) xảy ra thường xuyên hơn – dẫn đến lãng phí rất lớn tài nguyên và thời gian.
Và ngay cả khi bạn không gặp tai nạn, thời gian lái xe là thời gian có thể được dành cho những hoạt động khác – cho dù là để tăng năng suất trong công việc, cùng trải qua những thời khắc quý giá với bạn đồng hành, hay dành cho bạn bè, gia đình những người hiện không có mặt thông qua phương tiện truyền thông xã hội, hoặc chỉ đơn giản là chợp mắt một chút!
Trí tuệ nhân tạo được sử dụng như thế nào trong thực tế?
Khi nói đến những phương tiện tự lái, trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng để đưa ra quyết định dựa trên điều kiện đường xá xung quanh phương tiện, chẳng hạn như hướng di chuyển, điểm đến theo kế hoạch và hành vi của các phương tiện giao thông khác trong vùng lân cận. Dữ liệu camera được xử lý bằng công nghệ thị giác máy tính cho phép chiếc xe hiểu được những gì nó đang “nhìn thấy” và đưa ra phản ứng tương ứng.
Điều này hoạt động ở ba cấp độ – nội bộ (thông tin được thu thập và xử lý nội bộ bằng ô tô), toàn cầu (thông tin được thu thập trên toàn bộ đội xe tự vận hành và được chia sẻ giữa chúng) và khu vực (thông tin được thu thập bởi các mạng “ad hoc” của các phương tiện tự vận hành đang ở gần nhau). Khi ô tô tự vận hành phổ biến hơn, chúng có khả năng được bổ sung thêm những dữ liệu từ các mạng được hình thành giữa các thiết bị khác – chẳng hạn như camera giao thông, những bộ cảm biến được lắp đặt trên đường và thậm chí là cả dữ liệu được thu thập từ điện thoại di động của những người đi bộ.
Hệ thống lái tự động cấp 2 hiện tại của Tesla, được gọi là Autopilot – cho phép chiếc xe chọn tốc độ phù hợp với điều kiện giao thông, chuyển làn trên đường cao tốc, chuyển từ đường này sang đường khác, tự đỗ xe và được “triệu tập” đến và đi từ một vị trí đậu xe. Tuy nhiên, người lái xe vẫn phải tham gia đầy đủ với chiếc xe và sẵn sàng giành quyền kiểm soát bất cứ lúc nào.
AI trong xe hơi đặt ra một số câu hỏi đạo đức quan trọng và chưa được giải quyết ổn thỏa. Ví dụ, một chiếc xe tự vận hành nên phản ứng thế nào khi cần đưa ra lựa chọn giữa việc hất tung một đứa bé giữa đường hay tránh qua vệ đường khi mà hành động tránh né ấy gây hại cho người lái xe hoặc người đi đường khác? Tất nhiên, một con người ở vị trí tương tự cũng sẽ bị buộc phải đưa ra lựa chọn như thế – không có gì đảm bảo rằng họ sẽ đưa ra quyết định “đúng đắn” hơn một người máy có thể. Có thể lập luận rằng, nếu được cung cấp đủ dữ liệu – mà rất tiếc là sẽ đòi hỏi một vài quyết định “không chính xác” trước khi có thể thu thập được – một chiếc xe tự vận hành có thể tính toán kịch bản thảm khốc nhất và hành động đáng tin cậy hơn một con người.
Trong tương lai gần hơn, Tesla được cho là đang làm việc với một trợ lý AI theo phong cách Siri có thể giao tiếp với các tài xế bằng giọng nói trong khi chúng ta vẫn phải tự điều khiển phương tiện của mình.
Trả lời một câu hỏi trên Twitter, Musk đã tuyên bố vào đầu năm 2018, những người lái xe Tesla sẽ sớm có thể thực hiện bất kỳ điều gì thông qua trình điều khiển bằng giọng nói. Điều này ngụ ý rằng AI sẽ được sử dụng để giải thích các mệnh lệnh thông qua việc sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên giúp xe hơi hiểu được ý nghĩa của người lái khi họ sử dụng một câu lệnh cụ thể.
Kết quả đạt được là gì?
Tesla nói rằng hệ thống Autopilot của họ có thể giảm 40% tai nạn. Con số này đã được xem xét kỹ lưỡng, và một số nhà bình luận nói rằng không có đủ dữ liệu để chứng minh rằng nó đúng, và nó không được xác minh độc lập. Đáp lại, Tesla đã tuyên bố rằng họ sẽ bắt đầu báo cáo dữ liệu an toàn và tai nạn hàng quý. Cho đến nay đã có hai vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến Teslas khi sử dụng Autopilot và Cơ quan an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia Hoa Kỳ cho biết vẫn “không có bằng chứng rõ ràng” nào về sự gia tăng an toàn.
Tuy nhiên, Tesla báo cáo rằng trước khi hệ thống Autopilot nó được kích hoạt, tỉ lệ bung túi khí là 1,3/một triệu dặm xe được lái. Sau khi kích hoạt, tỷ lệ đó đã giảm xuống còn 0,8.
Công nghệ, công cụ và dữ liệu nào được sử dụng?
Giống như thông tin cung cấp và đào tạo trí thông minh của con người, dữ liệu là nguồn sống của AI. Đội xe điện Tesla được trang bị một loạt các cảm biến. Chúng bao gồm camera quét hình ảnh trên đường, cảm biến khí quyển để theo dõi điều kiện thời tiết và thậm chí cảm biến vô lăng để hiểu cách người lái sử dụng tay như thế nào khi điều khiển phương tiện.
Tất cả các dữ liệu này được xử lý thông qua các thuật toán học máy (machine learning) để hiểu những gì có liên quan đến hoạt động của xe, và cách tốt nhất chiếc xe nên hành động hoặc phản ứng với bất kỳ tình huống cụ thể nào để tự điều hương một các an toàn từ điểm A đến điểm B.
Số lượng các chiếc xe Tesla đã được triển khai trên đường– và liên tục thu thập và tải dữ liệu lái xe lên đám mây – có nghĩa là Tesla đã bắt đầu cuộc đua với các nhà sản xuất ô tô khác trong cuộc đua phát triển các phương tiện tự vận hành, chủ yếu vẫn đang sử dụng các mẫu chạy thử.
Sau khi hợp tác với Nvidia để phát triển thế hệ phần mềm lái xe thông minh đầu tiên, Tesla hiện cho biết rằng họ đang làm việc trên các thuật toán AI của riêng mình.
Những thách thức và bài học chính được rút ra
- Mức độ cao về thương vong trên đường mà chúng ta thấy mỗi năm cho thấy rằng các kỹ năng nhận thức và vận động của con người không phù hợp một cách lý tưởng với nhiệm vụ điều khiển một khối kim loại nặng một tấn, ở tốc độ vượt quá 100 km/giờ, gần với hàng trăm người khác cũng đang cố gắng làm điều tương tự. Về lý thuyết, máy móc có thể phản ứng nhanh hơn và an toàn hơn, và giao tiếp giữa chúng hiệu quả hơn rất nhiều. Điều này có khả năng cứu được nhiều mạng sống.
- Cung cấp cho ô tô khả năng để “học hỏi” cách thức điều hướng an toàn phụ thuộc vào việc thu thập một khối lượng dữ liệu lớn. Điều này có thể được thực hiện trong các điều kiện mô phỏng nhưng thông tin được thu thập từ thế giới thực có khả năng góp phần hiểu rõ hơn về thực tế và do đó có giá trị hơn, mặc dù tốn kém và có thể nguy hiểm khi thu thập.
- Vẫn còn tồn tại sự hoài nghi chính đáng trong dư luận về sự an toàn của các phương tiện tự vận hành. Cho đến khi có đủ dữ liệu để chống lại điều này một cách hiệu quả, các chính trị gia và nhà lập pháp có thể sẽ cực kỳ thận trọng khi tạo ra một khung pháp lý cho hoạt động của họ.
Tham khảo
- CNBC, Traffic deaths edge lower, but 2017 stats paint worrisome picture: https://www.cnbc.com/2018/02/14/traffic-deaths-edge-lower-but-2017-stats-paint-worrisome-picture.html
- Wired, Tesla’s Favorite Autopilot Safety Stat Just Doesn’t Hold Up: https://www.wired.com/story/tesla-autopilot-safety-statistics/