Tôi viết lời giới thiệu này cho cuốn sách bản tiếng Việt từ trước khi chính thức đọc từng trang sách của cuốn “Platform Revolution” bởi muốn chia sẻ trọn vẹn và ngắn gọn những suy nghĩ của mình về nền tảng kết nối (platform) mà tạm chưa bị ảnh hưởng bởi những thông tin mới mẻ và cập nhật mà cuốn sách sẽ đem lại.
Nói đến nền tảng hay “platform” là nói đến sự kết nối (connection) mà đặc trưng của nó là một hệ thống mạng lưới (network) kết nối các điểm nút (node). Xã hội loài người càng phát triển thì mạng lưới càng nhiều, càng đa dạng và từ đơn mạng chuyển sang song mạng rồi liên mạng. Có thể nhìn thấy mạng lưới ở khắp mọi nơi, từ mạng lưới điện, mạng lưới nước sạch, mạng viễn thông… cho tới các mạng lưới quan hệ như các hội đoàn hay các mạng xã hội. Hình ảnh rõ nét nhất của liên mạng chính là internet, một liên mạng quốc tế có thể kết nối các mạng lưới và các điểm nút mạng trên toàn thế giới với nhau. Và càng rõ nét hơn cả khi công nghệ thông tin đang vượt xa các giới hạn trước đây về tốc độ đường truyền, về khả năng lưu trữ, về năng lực xử lý và phân tích dữ liệu đã trở thành chìa khoá then chốt để mở mọi cánh cửa kết nối.
Có thể hình dung mỗi nền tảng (platform) là một hệ thống cung cấp các tính năng kết nối cho mạng lưới cùng với các dịch vụ được vận hành thông qua mạng lưới cung cấp tới các điểm nút mạng. Và đi cùng với sự đột phá của công nghệ thông tin là sự đột phá của các mô hình kinh doanh mới sử dụng nền tảng số (digital platform). Những câu chuyện như Facebook, Google, Amazon, Uber, AirBnB… đang xuất hiện ngày một nhiều. Mỗi một chiếc điện thoại di động hay một chiếc máy tính giúp mỗi người trở thành một điểm nút của rất nhiều các mạng lưới kết nối. Và rồi chỉ trong một thời gian ngắn nữa, tất cả các thiết bị điện, điện tử và thậm chí cả các vật dụng phi điện tử trong mỗi nhà, ở mỗi văn phòng và kể cả ngoài đường phố cũng sẽ trở thành các điểm nút của internet vạn vật (IoT). Năm 2020, thế giới sẽ có gần 21 tỷ điểm nút như vậy. Mọi thứ được vận hành qua các nền tảng (platform) và đa nền tảng (cross platform).
Thế giới đang tự tiến hoá một cách đột phá với các nền tảng kết nối. Những khái niệm gắn liền với nền tảng kết nối như các cuộc chiến tiêu chuẩn (standard wars), kinh tế theo quy mô (economy of scale), hiệu ứng domino, hiệu ứng hòn tuyết lăn (snow ball) điểm bùng phát (tipping points), siêu kết nối (super connection) hay các giao diện lập trình ứng dụng API (application programming interface)… đang trở thành những tri thức cần phải được trang bị cho các nhà hoạch định chính sách, giới doanh nhân, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, giới khoa học công nghệ và lan rộng tới các nhà giáo dục và đào tạo để từ đó nâng mặt bằng tri thức xã hội lên đáp ứng được với nhu cầu mới của làn sóng chuyển đổi số hoá (digital transformation) đang diễn ra quyết liệt và mạnh mẽ. Ai đứng ngoài làn sóng ấy sẽ lập tức bị tụt hậu rất nhanh chóng.
Cuốn “Platform Revolution” có lẽ vì thế mà trở thành best-seller vì nội dung trong cuốn sách chính là những hiểu biết mà độc giả đang cần hơn bao giờ hết. Tất cả các khái niệm kinh tế tri thức (knowledge economy), kinh tế chia sẻ (sharing economy), kinh tế số (digital economy)… đang dần hội tụ thành kinh tế mạng lưới (network economy) mà trong đó đương nhiên các nền tảng kết nối (platform) đóng vai trò chủ đạo.
Xem phần giới thiệu của HTV về cuốn sách “Cuộc cách mạng nền tảng”
Trịnh Minh Giang (Bài viết đăng trên Lifehack.vn)