Review Sách ” Câu Chuyện iPhone ” – Nguồn Gốc Tạo Ra Sự Kì Diệu

Lướt qua những tấm hình đen của chiếc iPhone và nhìn thấy không phải khuôn mặt của Jobs mà là hình ảnh của một nhóm những người sáng tạo ra nó

iPhone – một cái tên giản dị nhưng mang trong nó rất nhiều sức mạnh – được mệnh danh là chiếc điện thoại của chúa, ngay từ khi xuất hiện nó đã gây ra nhiều tranh cãi. Theo thống kê “Nhãn hiệu xe hàng đầu, Toyota Corolla bán được 43 triệu chiếc, máy chơi game console bán chạy nhất – Sony Play Station bán được 382 triệu chiếc, loạt sách số một – Harry Potter bán được 450 triệu cuốn. Và iPhone bán được 1 tỷ chiếc – đó là chín số không! iPhone không chỉ là chiếc điện thoại bán chạy nhất, máy ảnh bán chạy nhất, màn hình video bán chạy nhất và chiếc máy tính bán chạy nhất mọi thời đại. Kết luận: Thật đơn giản, nó là sản phẩm bán chạy nhất mọi thời đại”. Điều gì đã làm iPhone trở thành sản phẩm bán chạy nhất mọi thời đại? trở thành ngôi sao của toàn bộ thế giới bán lẻ với mức lợi nhuận thu được nhiều hơn cả một loại thuốc gây nghiện về mặt vật chất?
Như một nhà sử học lỗi lạc, Brian Merchant đã xuôi dòng tìm về những cội nguồn tạo ra iPhone – một trong những sản phẩm tân tiến nhất trên thế giới đó để lý giải tại sao iPhone lại đạt được những thành tựu vượt trội đó, nó có những bí mật thú vị nào? Tất cả được tác giả đúc rút và ghi lại trong cuốn sách Câu chuyện iPhone.
Nội dung bao chùm cuốn sách này là khám phá bên trong chiếc điện thoại, những bóc tách như thể tác giả đang cho ta xem từng chi tiết bộ phận tạo nên chiếc iPhone? Từ đó theo chân tác giả tìm kiếm cội nguồn của chúng qua những trải nghiệm, chuyến đi và nghiên cứu đòi hỏi rất nhiều công sức thời gian.Khi đọc cuốn sách này, đôi khi sẽ rất cảm thấy áp lực và choáng ngợp bởi hàng loạt những thông tin, sự kiện, con số thống kê và tên gọi, gói gọn trong 500 trang sách. Nhưng có ba triết lý mà theo tôi đánh giá đã làm nổi bật rõ nhất giá trị của cuốn sách này.
1. Định hình thái độ trước những “Ngôi sao lớn”

Dường như khi nhắc đến iPhone, người luôn gắn liền với hình ảnh đó chính là Steve Jobs, tên ông thường được liệt kê trong những bằng sáng chế của Apple khiến nhiều người lầm tưởng ông chính là người phát minh duy nhất của iPhone. Nhưng có thực sự thành công của iPhone đều hoàn toàn do Steve Jobs tạo nên? Brian Merchant đã đánh thức lại cái nhìn  của người đọc, ông gọi những huyền thoại như Edison, Jobs là những nhà phát minh đơn độc, bởi thành công của sản phẩm chỉ gắn liền với thành công của một người nổi bật, trong khi để tạo nên thành công đó còn phải kể đến vô số những người đi trước, những phát minh tạo tiền đề và cả những người dựa vào tiền đề đó cùng nhau sáng tạo để tạo ra sản phẩm đó.
iPhone cũng vậy, để đạt được những hào quang lớn như ngày nay, chúng ta không thể không nhắc đến đóng góp của những bàn tay ma thuật, bộ óc thiên tài của các thành viên, những kĩ sư, nhà thiết kế, nhà điều hành giỏi đã làm việc cho Apple. Những cái tên dường như đã bị lãng quên bởi ánh sáng “Ngôi sao lớn” – Steve Jobs tỏa ra. Công nghệ định hình cuộc sống, rất ít khi xuất hiện đột ngột, chúng là một phần của quá trình lâu dài, liên tục của những đóng góp hầu như vô hình. Những công nghệ cốt lõi được sáng tạo nên sẽ không thể nào tồn tại nếu chúng ta quên đi những khái niệm về “tập thể”, “đội ngũ”, “lịch sử hình thành”, những điều đó theo thời gian kết hợp với nhau mới tạo ra được thành quả.
Có lẽ vì những lo ngại về “bằng sáng chế đơn độc” mà một trong số những phần hay nhất của “Câu chuyện iPhone” là khi Briant Merchant đã bày tỏ mong muốn: “Lướt qua những tấm hình kính đen của chiếc iPhone và nhìn thấy không phải là khuôn mặt của Jobs mà là hình ảnh một nhóm vô số những người sáng tạo ra nó”. Sau chuỗi hành trình dài, Brian đã tìm ra những bàn tay ma thuật, bộ óc thiên tài bên cạnh huyền thoại nhà phát minh đơn độc Steve Jobs. Những con người sáng tạo không tên – những người tiên phong trong cách vận dụng và tương tác thông tin mới sẽ được nhắc đến trong cuốn sách này, như để ghi dấu thành tựu mà họ đã làm nên trong quá trình nghiên cứu của mình.

2. Thái độ với chiếc iPhone là ở bạn Những thử nghiệm của Brian Merchant sẽ đưa ta khám phá nguồn gốc nguyên liệu thô của iPhone, những bộ phận của nó được sản xuất và làm ra từ đâu để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường tiêu thụ iPhone.
Nằm rải rác trong cuốn sách, Brian Merchant cố gắng vật lộn với giá trị đạo đức của một chiếc iPhone. Để đạt được mục tiêu này, ông bắt tay vào việc tìm kiếm chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, từ thung lũng mặt trăng – sa mạc Atacama nơi khác thác Lithium – nguyên liệu cần thiết để làm nên pin Lion trong iPhone đến, các mỏ của Bolivia  đến Trung Quốc ở Thâm Quyến, nhà máy Foxonn nơi điện thoại được lắp ráp cho đến nơi kết thúc vòng đời của một chiếc iPhone là thị trường chợ đen hay bãi rác điện tử lớn nhất Thế Giới – Quý Tự. Nó được miêu tả rõ nét qua từng khám phá của tác giả, nếu bạn đọc là người dễ nhạy cảm chắc chắn sẽ có nhiều suy nghĩ về phần viết này. Có nhiều vấn đề mang tính đạo đức và nhân quyền xảy ra đằng sau việc sản xuất iPhone. Điều kiện của công nhân tại công ty lắp ráp Foxconn qua cuộc khám phá đến một cách vô tình của Brian Merchant và người bạn Wang hỗ trợ. Foxcon nổi tiếng với điều kiện làm việc khắc nghiệt, hậu đãi không công bằng với những gì công nhận đáng được hưởng. Kể từ khi làn sóng tự sát được công bố rộng rãi trong năm 2010, Foxconn đã được cải thiện nhưng điều kiện vẫn còn kém. Hầu hết coban xuất hiện trong iPhone đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi mà lợi nhuận từ khai thác lâu dài đã duy trì hoạt động của quân đội nổi loạn bạo lực. Cerro Rico được gọi với cái tên “núi ăn thịt người” ở Bolivia, nơi thiếc và bạc của điện thoại được khai thác bởi những người dân thậm chí là cả một số lượng trẻ em có tới 3000 trẻ phải làm việc ở đây hằng ngày phải đối mặt với nhiều nguy cơ như sập mỏ, lạc đường rồi chết ngạt ở đó hay mắc phải các bệnh về phổi. Trong khi điều kiện lao động quá khó khăn nhưng với những quy định lỏng lẻo mà kinh tế của người dân không hề được cải thiện… Thông qua những cuộc khảo sát thực tế và nghiên cứu cùng các chuyên gia, Brian Merchant không chỉ đưa ra những con số và nguồn thông tin hữu ích liên quan đến kĩ thuật của chiếc iPhone mà còn nói lên một thực tế khó chịu, các thợ mỏ, công nhân đang khai thác những nguyên liệu thô dù chiếm rất ít trong thành phần cấu tạo nên iPhone đang hằng ngày làm việc với những công cụ thô sơ, trong một môi trường nguy hiểm. “Rất nhiều các yếu tố cơ bản của chiếc iPhone được khai thác trong điều kiện mà phần lớn người sử dụng iPhone không chịu nổi kể cả trong vài phút. Quy tắc ứng xử của Apple quy định rằng các nhà cung cấp phải cung cấp điều kiện làm việc an toàn và đối xử công nhân với nhân phẩm và sự tôn trọng. Vậy nhưng thực tế thì sao? Các quốc gia giàu tài nguyên nhưng nghèo về hỗ trợ sản xuất và tiền mặt đang gặp không ít khó khăn. Khi nào còn nhu cầu với kim loại, khi đó các quốc gia này càng phải đối mặt với những quyết định khó khăn, cuộc sống của người dân lao động chân tay trong các hầm mỏ, hay những dây chuyền sản xuất trong những tòa nhà xám xịt được bảo mật an toàn tuyệt đối sẽ càng vất vả. Họ đang đánh đổi sức khỏe và cơ hội tồn tại, cuộc sống phụ thuộc vào kinh tế để mang lại cho chúng ta những thành phần của chiếc iPhone đẹp đẽ. Bạn sẽ đọc những phần này chứ? Để tự hỏi mình, thái đội của mình khi nhìn chiếc iPhone trên tay như thế nào? Và liệu rằng Apple đã thực sự thành công trên mọi mặt? Câu trả lời xin dành cho bạn, những người sử dụng cuối cùng.

3. Bí mật – nguyên tắc vàng của đế chế Apple Ở Apple vào giữa những năm 2000, có một hiện tượng lạ: người ta biến mất. Lúc đầu nó diễn ra chậm chậm. Một ngày nào đó bỗng nhiên thấy vài kỹ sư, thiết kế, điều hành giỏi đột nhiên biến mất, không ai biết họ đã đi đâu, cũng tự nhiên mất tích. Tại sao lại vậy? Các bạn sẽ tìm ra câu trả lời khi đọc Câu chuyện iPhone. Apple tôn sùng bí mật trong hầu hết các dự án của nó, nhưng bí mật đó được giữ gìn trong bao lâu là một điều đáng chú ý. Hành trình liên lạc và phỏng vấn những cá nhân liên quan để tìm hiểu về giai đoạn phát triển của iPhone từ những ngày đầu của Brian Merchant cũng gian nan không kém, khi mà một số quy chế của Apple yêu cầu nhân viên không được tiết lộ bất cứ điều gì liên quan đến công ty cho người ngoài, thậm chí dự án iPhone kéo dài rất lâu trở thành một nơi sáng tạo và nhiều kỉ niệm cho người người được chọn để tham gia, nhưng cũng là nơi đã đòi hỏi nhiều hi sinh của họ nhất, đặc biệt là về gia đình… những điều này, những người trong Apple chưa chắc đã có quyền biết. Họ – những người được yêu cầu phỏng vấn, có người sẽ từ chối, có người trả lời với những cái tên bị giấu đi, và có cả những người sẵn sàng cung cấp rất nhiều kiến thức và thông tin để Merchant hoàn thành cuốn sách này. Có tương trợ trong một nhóm khởi nghiệp, nhưng có cả sự tách biệt của nó với công ty hay cả chính những mối quan hệ của các thành viên với nhau.
Một trong những điều bất ngờ được nói đến trong cuốn sách chính là hình ảnh giám đốc điều hành huyền thoại. Jobs dường như luôn xuất hiện với sự thiếu kiên nhẫn, độc đoán, nhỏ nhặt, tàn nhẫn… Không thể phủ nhận những đóng góp và tài năng xuất chúng của ông đã giúp định hình iPhone và văn hóa Apple.

Một giám đốc điều hành của Apple ước tính rằng ý định của Jobs về bí mật có thể đáng giá vài trăm triệu đô la trong tiếp thị, lớn hơn hàng chục tỷ đô la được thực hiện trong doanh số bán iPhone. Nhưng ngoài việc tạo ra một tài sản nhờ chiến lược kinh doanh rất khác biệt. Họ đã thành công chứ? Khi Jobs công bố thiết bị, Jobs gọi nó là “một sản phẩm mang tính cách mạng”, một trong những sản phẩm đi kèm và “thay đổi mọi thứ”. Theo nhiều cách, Jobs đã đúng. Merchant mô tả nó như là một tác nhân của “chuyển đổi quy mô nền văn minh”, công nghệ di động, mong muốn phổ biến đầu tiên kể từ những nhu cầu căn bản nhất như ăn mặc…. Nhưng vào cuối cuốn sách, Brian Merchant đã lùi lại một chút. Việc chứng minh huyền thoại về “nhà phát  minh độc nhất” là không thỏa đáng đã không làm giảm đi giá trị của Jobs trong vai trò người lãnh đạo, người truyền cảm hứng mà còn nâng cao vai trò của những người khác để chứng minh Jobs không đơn độc trên con đường sáng tạo iPhone. cùng xuôi dòng lịch sử và nghiên cứu của tác giả, người đọc sẽ nhận thấy rằng iPhone là một công trình của cô số những nhà phát minh, công nhân, thợ mỏ, người tái chế, kỹ sư, nhà lãnh đạo và cả lao động trẻ em. Nó là kết quả của những công nghệ lâu dài, quá trình hợp tác, khởi nghiệp non trẻ và những bí mật trong nghiên cứu phát triển quy mô. Tất cả những tác động này định hình chiếc iphone ngày hôm nay. Trong những cuộc phỏng vấn Brian Merchant thực hiện với những người làm trong dự án xây dựng iPhone đầu tiên để tìm hiểu cảm xúc của họ khi sản phẩm đã phủ rộng toàn thế giới. ông nói đã thật bất ngờ bởi ó rất nhiều phản ứng trái chiều. Nhưng chính câu trả lời của Lamiraux – quản lý quá trình phát triển phần mềm của iphone đã khiến tác giả bất ngờ, và chính tôi cũng vậy. “Vợ tôi là một họa sĩ. Cô ấy vẽ tranh sơn dầu.Khi cô ấy vẽ xong một bức, nó sẽ ở đó mãi mãi. Còn công nghệ – trong 20 năm nữa, liệu còn ai để ý đến một chiếc Iphone nữa không?” – ông ấy đã nói vậy và ý ông là công nghệ như một dòng nước, thậm chí thành tựu lớn như iPhone đã làm cũng có thể bị cuốn đi “Nó sẽ không tồn tại mãi mãi”. Đó có thể là câu hỏi lớn cho iPhone trong tương lai sắp tới và là cái kết mở cho chúng ta trong suy nghĩ không chỉ là về iPhone, về công nghệ mà còn nhiều vấn đề xoay quanh cuộc sống nữa.

Tâm huyết Brian Merchant dành cho cuốn sách này là không kể hết, anh thực sự không chỉ là một biên tập viên, chuyên viên về khoa học công nghệ mà còn xứng đáng là một nhà nghiên cứu lịch sử công nghệ.Kết thúc cuốn sách,Brian Merchant đã dành để cảm ơn những người đã giúp ông thu thập tư liệu, ủng hộ và hỗ trợ ông trong quá trình nghiên cứu và viết sách. Nhưng những gì đã nhận được sau khi đọc cuốn sách đã thôi thúc tôi phải nói thật nhiều lời cảm ơn tới Brian Merchant tác giả của cuốn sách Câu chuyện iPhone – iPhone the one device và cả cảm ơn đến người đóng góp không nhỏ mang đến bản Tiếng Việt cho cuốn sách này đó là anh Huỳnh Hữu Tài và nhà xuất bản Alphabooks. Nhờ có cuốn sách mà tôi đã có cái nhìn rõ hơn về iPhone, các chi tiết của một chiếc iPhone, nguồn gốc và bản thân Apple. Câu chuyện iPhone không hổ danh là một cẩm nang cho những thiên tài về thiết kế và kỹ thuật, một học thuyết về nhân loại của thế giới hiện đại, và là một cái nhìn chưa từng có tiền lệ về một trong những công ty bí mật nhất trong lịch sử.

Hồng Yến (Bài viết được đăng trên Ybox.vn)

Leave a Reply

WeTransform