10 câu chuyện thú vị về iPhone

Ngày 2/8, giá cổ phiếu Apple chạm mốc 207 USD, điều này giúp gã khổng lồ công nghệ chính thức trở thành công ty đầu tiên ở Mỹ có vốn hóa thị trường đạt 1.000 tỷ USD. Xoay quanh câu chuyện đó, chắc hẳn không ai có thể quên sản phẩm được xem là “anh cả” trong dòng điện thoại thông minh của công ty này – iPhone. Tuy nhiên để làm ra một chiếc iPhone hoàn chỉnh, có những câu chuyện rất thú vị. Những bí mật đó sẽ xuất hiện trong cuốn sách Câu chuyện iPhone, được viết bởi Brian Merchant, biên tập viên kỳ cựu của MotherBoard.

1. Không hoàn hảo như vẻ ngoài xinh đẹp

Tất cả những nguyên tố bên trong chiếc iPhone đều phải được khai thác từ dưới đất lên trước khi được trộn thành hợp kim, đúc thành các hợp chất hay nấu chảy thành các chất dẻo để tạo nên một chiếc iPhone. Tuy nhiên, để có được những nguyên tố đó, các thợ mỏ làm việc với những công cụ thô sơ, trong những môi trường rất nguy hiểm. Ngoài ra, còn có nhiều hơn những ảnh hưởng từ việc khai thác này, khi mà “Tử vong và chấn thương rất phổ biến”, hay khi “các sản phẩm phụ từ khai thác mỏ đã tạo ra một hồ nước màu xám, bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải độc hại”.

2. Steve Jobs đã “nhớ nhầm” nguồn gốc màn hình cảm ứng.

Wayne Westerman – nhà tiên phong về cảm ứng đa điểm và là người đặt nền móng cho toàn bộ dự án iPhone từ sơ khởi đã không được mời đến buổi ra mắt sản phẩm mà ông là người cùng xây dựng nên, thậm chí Jobs đã tuyên bố Apple đã phát minh ra công nghệ cảm ứng đa điểm này. Nhưng sự thật là công nghệ cảm ứng đa điểm đã ra đời trước đó, thậm chí nó còn tạo ra một sản phẩm phục vụ cho các bệnh nhân của hội chứng RSI. Đó là một công ty do Westerman thành lập, tuy nhiên năm 2005, công ty đó được Apple mua lại và chính vì sự thiếu quan tâm từ Steve Jobs, “Apple đã tước đi một sản phẩm y tế quan trọng khỏi thị trường”.

3. Định vị chuyển động của iPhone vẫn hoạt động khi thiết bị hết pin.

Khi hết pin, con chip siêu tiết kiệm năng lượng M7 trong iPhone vẫn tiếp tục hoạt động. Nó là minh họa chắc chắn cho nỗi sợ thông thường đi kèm với sự phát triển của iPhone, và điện thoại thông minh nói chung – rằng thiết bị của chúng ta theo dấu chúng ta từng bước chân. Nó là lời nhắc nhở khi điện thoại của bạn tắt, thậm chí là hết pin, chip vẫn theo dấu bước chân bạn. Và nó dấy lên quan ngại về dịch vụ định vị của iPhone, trừ khi nó bị vô hiệu hóa, chúng sẽ đều đặn gửi cho Apple thông tin về nơi ở của bạn.

4. Samsung đã tham gia vào dự án của iPhone.

Các kỹ sư của Apple đã hợp tác chặt chẽ với Samsung, nhóm Samsung đã sản xuất chip theo những thiết kế của Apple. Ban đầu chúng khởi động khá ổn, nhưng khi các kỹ sư tăng cường hoạt động của nó, nó bị ngừng hoạt động, và chỉ còn hai tháng nữa trước ngày công bố sản phẩm. “Steve lúc đó đã sẵn sàng sa thải mọi người”. Vậy nên các chuyên gia dưới sự quản lý của Apple đã được triệu tập. “Những nhà khoa học máy tính xuất sắc nhất thế giới. Họ đã tiến đến cùng ngồi lại bàn bạc với đối tác Samsung, rồi đi vào chi tiết”. Và kết quả là “Samsung đã làm được”, “họ sản xuất một con chip nhanh một cách phi thường. Thường phải mất vài ngày cho một lớp silicon, và bạn phải cố làm được từ 20-30 lớp như thế. Nên để có được vài nguyên mẫu phải mất đến hàng tháng trời. Nhưng họ đã xoay sở để làm xong chỉ trong vỏn vẹn có sáu tuần, thật điên rồ”. Nói cách khác, chiếc iPhone sẽ không bao giờ được thực hiện đúng tiến độ nếu không có sự giúp đỡ từ Samsung.

5. Google Map được thêm vào phút chót chỉ bởi một cái bắt tay.

Vào năm 2006, Apple và Google vẫn là những đối tác thân thiện của nhau. Larry Page được Jobs đưa cho một chiếc iPhone nguyên mẫu, và ông ấy đề nghị thêm chức năng bản đồ, ngay lập tức, Jobs trả lời “À, điều này hoàn toàn hợp lý”. Vậy là các kỹ sư của Apple có được mã nguồn Google Maps trong tay mà không hề có bất kỳ thỏa thuận hay hợp đồng nào – chỉ nhờ một cái bắt tay giữa Larry và Steve.

Vì việc đàm phán được cho là mất khá nhiều thời gian, họ đã nhất trí như vậy, và vì ngày ra mắt đang tới gần; nên về chi tiết thì hai bên có thể bàn bạc sau. Ngày nay, những điều như vậy là không thể xảy ra. Nhưng lúc đó, hai trong số những ông lớn ngành công nghệ vẫn có thể thực hiện một cái bắt tay để đưa một trong những phần mềm quan trọng nhất lên thiết bị người dùng quan trọng nhất của mọi thời đại.

6. iPhone bảo người dùng của mình “đi chết đi”.

Một kỹ sư của Apple cố gắng để sửa lại một lỗi lập trình trong ứng dụng danh bạ, nhưng anh ta đã không biết chắc liệu dòng lệnh mình đang viết có tác động như thế nào lên những gì trên màn hình. Vậy nên, anh ấy đã đổi trường “Thành phố” trong ứng dụng thành danh bạ thành “Đi chết đi”, và rồi anh ấy vô tình xác nhận thay đổi đó vào máy chủ lưu trữ mã nguồn. Nhưng trước khi anh ấy nhận ra điều đó và sửa lại, thì nó đã được gửi đến nhà mạng AT&T để tiến hành kiểm tra thực tế. Không lâu sau đó, CEO của AT&T gửi lại một lời phàn nàn: “Sao chiếc iPhone của tôi lại bảo tôi ‘Đi chết đi’ thế này?”. Ban quản lý của Apple đã không vui chút nào, và anh chàng kỹ sư kia phải gửi thư xin lỗi cả nhóm.

7. Người đầu tiên từ chối cuộc gọi từ iPhone.

Đó là Andy Grignon, một lập trình viên cho iPhone đời đầu, ông ấy đã trở thành người đầu tiên từ chối một cuộc gọi đến từ chiếc điện thoại iPhone. Hôm đó, Grignon đang có một cuộc họp và khi nhận được một cuộc gọi, ông đã không nhận ra số máy đó là của ai, và đã mặc kệ, rồi chuyển cuộc gọi đó vào hộp thư thoại. Sau khi cuộc họp kết thúc, Grignon kiểm tra lại hộp thư thoại và nhận ra đó là số điện thoại của mấy người đồng nghiệp, họ đã thốt lên rằng: “Này anh bạn, chúng tôi đang gọi cho anh bằng chiếc điện thoại này đây, đây là cuộc gọi đầu tiên đấy!”.

8. iPhone giữ bí mật người dùng tuyệt đối, dù đó có là tội phạm.

Trong một cuộc điều tra năm 2015, FBI đã thu hồi một chiếc iPhone 5c của một tên khủng bố, tuy nhiên họ không thể mở khóa nó và đã yêu cầu Apple mở nó cho họ. Tuy nhiên, Apple đã từ chối và cuối cùng đưa ra một phản hồi công khai: “Chúng tôi không thể làm điều đó ngay cả khi chúng tôi muốn. Và chúng tôi thì không muốn”. Vì vậy, FBI đã yêu cầu Apple phải viết một phần mềm mới, và nó sẽ ghi đè lên hệ thống trì hoãn. Apple đã từ chối điều này, họ cho rằng nó sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Cuộc đụng độ đã trở thành chủ đề nóng hổi trên khắp thế giới. Các chuyên gia bảo mật và các nhà tự do dân chủ đã ca ngợi Apple vì bảo vệ khách hàng ngay cả khi điều đó không được ủng hộ rộng rãi, trong khi đó, chính phủ và công chúng lại phản đối công ty.

9. Bài thơ “Một chiếc vít rơi xuống nền nhà”.

Ai cũng biết iPhone được thiết kế tại California, và lắp ráp tại Trung Quốc, hay cụ thể hơn là nhà máy Foxconn ở Long Hoa. Ở đây, môi trường làm việc được xem là rất khắc nghiệt, công nhân phải làm việc cật lực để đảm bảo lượng iPhone được lắp ráp phải là tối đa, và công nhân thường xuyên bị quản lý xúc phạm, làm tổn thương lòng tự trọng, các khoản lương và thưởng thì bị trả chậm. Do đó, bên trong bức tường ngăn cách thế giới đó với bên ngoài, rất nhiều cuộc tự sát đã diễn ra, hình ảnh mọi người vây xung quanh một vũng máu và một thi thể là chuyện gây ám ảnh cho những người làm việc ở đây.

Năm 2014, một người tự tử ở Long Hoa đã để lại nhật ký và một bài thơ để hé lộ về thái độ vô tâm của những người làm chủ ở đây:

“ Một chiếc vít rơi xuống nền nhà

Một chiếc vít nhỏ rơi xuống nền nhà/Trong một đêm tăng ca/

Nhẹ nhàng chạm xuống đất/Và không ai chú ý đến/

Cũng giống như những lần trước đó/Vào một đêm vắng lặng/

Khi ai đó buông mình xuống đất”.

10. “Giữ bí mật” là quy tắc đầu tiên để tham gia vào đội sáng tạo ra iPhone.

Jobs đã tìm kiếm những ý tưởng trong các bộ phận của Apple bên ngoài khu Purple Dorm, ông không nói cho ai biết họ sẽ làm gì. Mọi người sẽ có cảm giác kiểu “Toàn bộ trải nghiệm đó, giống như bạn là một ninja, bạn không tồn tại”, hay như “đó như thể là một nhiệm vụ tuyệt mật của samurai”.

Đôi khi, những người mới gia nhập nhóm phải ký một bản thỏa thuận NDA ban đầu. Thậm chí các nhà cung cấp bên thứ ba được chọn để làm việc với những bộ phận khác nhau của iPhone sẽ được cung cấp một sơ đồ sai, thành viên của nhóm iPhone sẽ giả vờ làm đại diện từ các công ty khác nhau khi gặp gỡ các nhà cung cấp để tránh tạo nên những tin đồn. Và tất cả mọi người phải ký kết các thỏa thuận nghiêm túc về việc không tiết lộ, trong đó quy định họ có thể bị sa thải nếu tiết lộ thông tin về chiếc điện thoại.

Ngoài ra, cuốn sách Câu Chuyện iPhone còn kể lại nhiều câu chuyện thú vị về quá trình sáng tạo ra chiếc iPhone, các kỹ sư đã xảy ra những xung đột và mâu thuẫn nào, cuộc sống cá nhân của họ bị ảnh hưởng ra sao? Và nhiều thông tin về môi trường, con người. Sách do Huỳnh Hữu Tài dịch, Alpha Books và Nhà xuất bản Thế giới liên kết xuất bản – phát hành.

Thu An (Bài viết được đăng trên Báo mới)

Leave a Reply

WeTransform