Thiết kế trải nghiệm thương mại 3D/VR: Cuộc cách mạng trong thiết kế, sản xuất và thương mại nội thất

Thiết kế trải nghiệm thương mại trên 3D/VR đang trở thành xu hướng quan trọng trong thiết kế nội thất hiện đại. Là phương pháp thiết kế nội thất dựa trên trải nghiệm thực tế ngay khi thiết kế, dựa trên thành tựu của công nghệ 3D/VR. Áp dụng triết lý của Cách mạng Nền tảng (Platform Revolution) kết hợp vừa thiết kế vừa mua sắm, đồng thời tạo ra một nền tảng kết nối cung-cầu trực tiếp cho việc sản xuất, thiết kế, thi công và mua sắm nội thất. Nói một cách đơn giản nó giống như một nền tảng Uber duy nhất cho cả ngành thiết kế, sản xuất lẫn mua bán nội thất. 

Từ Phật Sơn đến IKEA

Chúng tôi đi bộ dọc những con đường san sát showroom và cửa hàng nội thất tại Phật Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc) – kinh đô đồ nội thất của châu lục. Cả nhóm ghé vào một cửa hàng bán giường tủ và đồ dùng trẻ em.

“Anh mua giường tủ à? Nhà anh có mấy bé?”. Hai bạn nhân viên bán hàng trẻ chạy lại hỏi. Tôi nói cần mua nội thất căn phòng cho 2 bé một trai một gái ở.

“Anh đã có ý tưởng thiết kế chưa? Mặt bằng rộng chừng nào? Cửa bố trí ra sao?”. Tôi lấy bút vạch vài đường phác thảo sơ đồ mặt bằng một cái phòng ngủ.

Bạn nam nhân viên bật một chương trình máy tính trông thú vị như một game 3D. Vài nét chuột lập tức một ngôi nhà hiện lên. Vừa hỏi tôi thích đồ gì, chất liệu ra sao, giá thế nào, vừa “chơi game”, chỉ 20 phút sau bạn ấy hoàn thành thiết kế căn phòng trẻ con hoàn toàn giống ý tôi.

“Em là Designer à?”

“Dạ không, em là nhân viên bán hàng mới vào công ty được 25 ngày”

“Em học thiết kế nội thất ở đâu?”

“Em tự học online cách sử dụng phần mềm Cool Home[1] này thôi anh. Giờ ở Trung Quốc bán nội thất đa số các cửa hàng đều xài cái này anh ạ. Thiết kế, chốt đơn hàng ngay tại chỗ rồi đặt bộ phận sản xuất và cung ứng của công ty. Nếu đồ có sẵn bọn em giao hàng trong ngày, nếu không thì sản xuất mới theo đúng yêu cầu thiết kế của anh rồi giao hàng tận nơi ạ”.

“Với thiết kế này thì tôi sẽ phải mua sắm và thi công hết bao nhiêu tiền?” – tôi hỏi cô nhân viên bán hàng.

“Khoảng mười hai vạn nhân dân tệ”, cô nhân viên trả lời tôi ngay lập tức, sau khi sử dụng phần mềm xuất ra một bảng báo giá trên một file Excel chi tiết đến từng món đồ nội thất, thậm chí đến từng tấm ván, từng cái tay nắm và phụ kiện tủ kệ.

“Riêng cái tủ kia anh có thể sử dụng các thông tin chi tiết này để đưa cho các xưởng đóng tủ quần áo bất kỳ, họ đều thi công được,” cô nhân viên nói thêm.

Chúng tôi ra khỏi cửa hàng, ngày hôm đó đi thêm vài chỗ nữa, gặp thêm mấy nhà cũng sử dụng Cool Home để bán hàng. Đó là một nền tảng thiết kế trải nghiệm trên 3D/VR cực kì lợi hại. Một bài viết trên baidu.com nói nó có 10 triệu người dùng ở Trung Quốc, trong đó 2 triệu người làm stylist thiết kế nội thất (thật không tin nổi, hai triệu!) và còn lại là người dùng tự do. Cool Home là một công ty khởi nghiệp công nghệ trị giá gần 1 tỷ USD[2], dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này. Họ đã định ra một tiêu chuẩn mới của ngành thương mại đồ nội thất: nhân viên làm sales phải biết tư vấn thiết kế nội thất cho khách hàng ngay tại chỗ. Khách phải được trải nghiệm không gian tương lai của họ bằng hình ảnh VR trực quan ngay trước khi mua!

Câu chuyện trên xảy ra trong một tuần công tác của tôi tại Quảng Đông tháng 6 năm 2016. Lần ấy ngoài Phật Sơn tôi tiếp tục qua Trung Sơn – kinh đô về sản xuất đèn và thiết bị chiếu sáng của Trung Quốc, ghé lại thủ phủ Quảng Châu rồi về Việt Nam.

Câu chuyện ám ảnh đến nỗi khi về Việt Nam tôi lập tức quyết định dành thêm vài tuần liền để đọc tất cả các thông tin thời sự về các công nghệ phần mềm tiên phong đang áp dụng cho ngành thiết kế và sản xuất nội thất.

Là một CEO công nghệ, đồng thời là một người làm khoa học máy tính, tôi từng dành nhiều năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển các phần mềm đồ họa 3D áp dụng cho lĩnh vực giải trí. Sau nhiều năm loay hoay với các sản phẩm game 3D, tôi đang bế tắc về hướng đi cho một đội ngũ hàng chục lập trình viên của mình. Chuyến đi Trung Quốc ấy đã mang về cho tôi một thông tin vô giá. Thứ mà sau này đã tạo ra House3D – nền tảng Thiết kế trải nghiệm thương mại 3D/VR đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Tôi sẽ dành vài dòng nói về House3D ở cuối bài viết này.

Tại châu Âu, người khổng lồ IKEA đang bán được hơn 38 tỷ euro[3] doanh số đồ nội thất mỗi năm. Gần đây họ bắt đầu đưa công nghệ 3D/VR vào cho phép khách hàng tự lên phương án sắp đặt nội thất ngôi nhà của mình rồi mua sắm trực tiếp qua internet. Với triết lý DIY (do it yourself) đã trở nên rất nổi tiếng, IKEA cung cấp đồ nội thất kiêm các hướng dẫn lắp đặt trực quan qua video và công cụ 3D/VR, người chủ nhà tự làm tất cả.

C2M – Sự đảo ngược của tư duy sản xuất

Nếu cần phải trả lời cho câu hỏi: từ khóa nào sẽ định hướng Cuộc cách mạng Công nghiệp (CMCN) lần thứ 4, thì tôi không ngần ngại mà nói rằng đó là khoa học dữ liệu và sự cá nhân hóa năng lực sản xuất.

Khoa học dữ liệu hiểu đơn giản là khái niệm bao trùm những từ khóa đã quá quen thuộc với những ai hay theo dõi thông tin về CMCN 4.0 như Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ lập trình, Siêu máy tính…

Trong khuôn khổ bài viết này tôi sẽ không trình bày các khía cạnh của Khoa học dữ liệu mà quan tâm đến từ khóa thứ hai ở trên đây: sự cá nhân hóa năng lực sản xuất.

Để bắt đầu tìm hiểu, ta quay lại chiến dịch in tên người lên vỏ chải nước ngọt của hãng Coca-Cola năm 2014. Trong một mùa hè, nó đã giúp hãng này tăng 2.5% doanh số chỉ bằng cách đơn giản là in những danh từ riêng tên người lên vỏ chai, khiến người tiêu dùng phải “săn lùng” những dành từ trùng với tên của mình hay người thân.

Chiến dịch của Coca-Cola chứng minh về một nhu cầu tất yếu của con người: được sử dụng những sản phẩm sản xuất cho riêng mình. Tất nhiên về mặt bản chất Coca-Cola vẫn sản xuất đại trà một lượng lớn những cái tên như Ali, Juan, Marcus … chứ đâu có in riêng tên cho ai.

Ví dụ thứ hai dễ hình dung hơn, là sự ra đời của công nghệ in 3D. Giờ đây, bằng cách kết nối một chiếc máy vi tính với chiếc máy in 3D, bạn có thể tự tạo ra một đồ vật tinh xảo duy nhất do bạn tự thiết kế, mà trước đây để sản xuất ra nó, các công ty phải lập ra khuôn đúc, dây chuyền và sản xuất hàng loạt. Chiếc máy in 3D chính là một công cụ cho việc cá nhân hóa năng lực sản xuất.

Người Trung Quốc đã vận dụng cực tốt xu hướng cá nhân hóa năng lực sản xuất bằng cách “đẻ” ra một khái niệm về mô hình kinh doanh mà nay đã thành một trào lưu: Customer-to-Manufactory, viết tắt là C2M. C2M mô tả sự kết nối liên tục giữa khách hàng và nhà sản xuất. Nó nhấn mạnh việc đặt khách hàng làm trung tâm điều khiển, có khả năng tham gia vào toàn bộ quy trình sản xuất và tiêu thụ của sản phẩm, dịch vụ hay nội dung, từ lúc thiết kế cho đến lúc hoàn thiện.

Nguyên lý chính của C2M nằm ở việc thiết lập một kết nối trực tiếp giữa người tiêu dùng và nhà máy, loại bỏ các đối tượng trung gian và cho phép nhà máy phản ứng trực tiếp với từng yêu cầu riêng lẻ của người dùng, sẵn sàng may đo sản phẩm theo yêu cầu đó một cách nhanh chóng mà vẫn đảm bảo sản xuất theo phương pháp công nghiệp đại trà, giá thành thấp và dễ dàng mở rộng quy mô. Nghe có vẻ hơi vô lý, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng về quy trình sản xuất những chiếc tủ bếp của họ: hàng chục triệu khách hàng từ khắp nơi được những người thiết kế nội thất tư vấn tại chỗ bằng công cụ thiết kế cabinet của nền tảng phần mềm Cool Home, hàng triệu căn bếp khác nhau về không gian lại hoàn toàn có thể được xây dựng nên từ một số hữu hạn các mô-đun với hình dáng và kích thước cụ thể, được đặt sẵn trong thư viện thiết kế của họ. Như vậy bản chất của việc sản xuất tủ kệ theo yêu cầu “tự do may đo” của khách hóa ra vẫn chỉ là sản xuất đại trà ra các mô-đun với các kích thước khác nhau rồi lắp ghép chúng lại với nhau để ra sản phẩm.

Thiết kế trải nghiệm thương mại trên 3D/VR

Chúng ta đều đã nghe Uber, Grab, Facebook, Airbnb là những “nền tảng”. Vậy nền tảng là gì? Để hiểu rõ khái niệm này, xin các bạn hãy tìm đọc cuốn sách Platform Revolution (Cuộc cách mạng Nền tảng) đang được coi là “sách gối đầu giường” của giới công nghệ và kinh doanh gần đây. Tôi đưa ra một định nghĩa đơn giản: nền tảng là nơi mà người này dễ dàng tạo ra và cung cấp những giá trị còn người khác dễ dàng tìm thấy và tiêu thụ những giá trị đó với thời gian ngắn và chi phí thấp.

Mô hình kinh doanh nội thất theo C2M của Trung Quốc không thể nào đạt được thành công như hiện tại, nếu thiếu những nền tảng như Cool Home.

Chúng ta hãy bàn về câu chuyện “đau đầu” của ngành thiết kế nội thất bây lâu nay: niềm tin của khách hàng dành cho nhà thiết kế luôn vô cùng ít ỏi, khi họ được trình những thiết kế vẽ “đẹp long lanh” nhưng sản phẩm lại khác xa một trời một vực khi nghiệm thu thi công. Một chiếc tủ bếp được diễn họa 3D long lanh, nhưng đến khi thi công thì không có loại gỗ nào giống như thiết kế, giá cả bị đội lên do người tư vấn không nắm được thông tin thị trường, hoặc thời gian thi công dài ra do nguồn cung không sẵn có tại thị trường địa phương.

Đó là câu chuyện tính thật về mặt thương mại trong thiết kế. Cách đây 20 năm, phần mềm 3DS Max của Autodesk đã ra đời, nó giúp giới thiết kế dễ dàng vẽ diễn họa các sản phẩm kiến trúc, nội thất một cách rất thật, theo nghĩa “nhìn vào là tưởng tượng ra ngay”. Đó là tính thật về mặt màu sắc, vật liệu và hình khối, mà Autodesk đã giải quyết được. Còn tính thật về mặt thương mại thì cho đến gần đây vẫn là cả một sự nhức nhối, một nỗi đau lớn của ngành thiết kế nói chung và thiết kế nội thất nói riêng.

Một nền tảng thiết kế trải nghiệm thương mại 3D/VR là một công cụ thiết kế kiêm một nền tảng thương mại cho phép chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và đồ đạc nội thất tham gia trực tiếp vào quá trình thiết kế. Công cụ này phải sử dụng công nghệ 3D/VR tiên tiến để hỗ trợ người dùng trải nghiệm sản phẩm tốt nhất, ngay từ khi các sản phẩm đó mới chỉ được thiết kế. Khi đó người thiết kế có thể chọn lựa vật liệu sẵn có trên thị trường, báo giá được chính xác và tính được đúng ngày mình sẽ bàn giao sản phẩm. Công nghệ nền tảng này cũng phải cho phép dễ dàng kết nối các thiết kế với hệ thống sản xuất được tự động hóa ở mức độ cao.

Đó là lời giải hoàn hảo cho bài toán tính thật về mặt thương mại.

Nội thất Việt Nam – Cuộc cách mạng đã bắt đầu

Tại Việt Nam, theo số liệu của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), năm 2018 ngành gỗ và lâm sản đã đạt doanh số xuất khẩu 9,5 tỷ USD, và con số này có thể đạt 25 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần xây dựng được thị trường thiết kế và thương hiệu quốc gia – quốc tế, chuyển từ việc gia công và bán nguyên liệu gỗ sang bán thiết kế và các sản phẩm có hàm lượng thiết kế cao do chính người Việt thực hiện.

Và như trên đã nói, một nền tảng thiết kế trải nghiệm thương mại 3D/VR sẽ đóng góp vào lời giải cho bài toán lớn ấy.

House3D là nền tảng thiết kế trải nghiệm thương mại 3D/VR đầu tiên tại Đông Nam Á do một công ty startup thuần Việt nghiên cứu và phát triển, với đầy đủ các ưu điểm công nghệ có thể cạnh tranh trực tiếp với các nền tảng như Cool Home của Trung Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, hiện nền tảng này đã thu hút được sự tham gia của gần 5000 nhà thiết kế và gần 100 công ty nội thất, hứa hẹn sẽ mang lại một thay đổi lớn trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất và thương mại đồ nội thất Việt Nam trong thời gian tới.

Bùi Sỹ Nguyên (Bài viết đăng trên Tạp chí Quy hoạch Đô thị)

Leave a Reply

WeTransform