GenAI (ChatGPT, Bard…) được ứng dụng vào Design Thinking như thế nào?

GenAI (AI tạo sinh) với những ứng dụng mà chúng ta thường dùng như: ChatGPT của OpenAI, Bard của Google… được chính chúng ta thảo luận rất nhiều trong các buổi họp, các buổi làm việc, các buổi cafe, các buổi hội thảo… GenAI được ứng dụng trong hầu hết lĩnh vực đời sống của chúng ta. Bản thân tôi cũng đã ứng dụng GenAI vào quá trình thực hành Design Thinking của mình.

Trong bài viết này, tôi đưa ra một vài gợi ý để bạn có thể thấy được tính ứng dụng của GenAI khi được ứng dụng vào Design Thinking.

Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý một vài điểm trước khi sử dụng GenAI:

  • Chúng ta sử dụng GenAI như một công cụ hỗ trợ, không phải là một giải pháp thay thế cho suy nghĩ sáng tạo của đội ngũ chúng ta.
  • Chúng ta cần kiểm tra các kết quả của GenAI đưa ra một cách cẩn thận để đảm bảo tính chính xác và phù hợp với mục tiêu của dự án.
  • Chúng ta nên sử dụng GenAI kết hợp với các phương pháp/công cụ khác trong Design Thinking để có được kết quả tốt nhất.

Mục đích chúng ta ứng dụng/tích hợp GenAI vào quá trình Design Thinking là để hỗ trợ việc xác định đúng vấn đề và phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo từ đó chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm/dịch vụ của mình. Như chúng ta đã biết, Design Thinking có năm giai đoạn chính như hình bên dưới. Chúng ta có thể đưa GenAI vào cả 5 giai đoạn này.

  1. Thấu cảm

Trong bước này, GenAI có thể được sử dụng để thu thập thông tin về vấn đề cần giải quyết từ nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ như chúng ta cần khảo sát khác hàng, chúng ta có thể dùng GenAI để gợi ý cho chúng ta những câu hỏi để đưa vào trong bài khảo sát này. Bài khảo sát gần nhất mà tôi có dùng gợi ý từ GenAI là: Khảo sát về độ thấu hiểu đối với bạn trẻ Gen Z, các bạn có thể tham khảo. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể dùng GenAI để tổng hợp những nỗi đau (pain point) của khách hàng chưa được giải quyết trong lĩnh vực mà chúng ta đang nhắm tới.

2. Xác định vấn đề

Trong bước này, điều quan trọng chúng ta cần phải có là mô tả vấn đề. Từ đây, chúng ta có thể đưa mô tả vấn đề cho GenAI để refrming lại (nhận thức lại) để xem chúng ta thật sự tìm ra vấn đề gốc rễ cần giải quyết chưa. Hoặc một cách tiếp cận khác là nhờ GenAI phát triển mô tả vấn đề thành một câu chuyện mạch lạc, sâu sắc & dễ nhớ, để từ đó chúng ta dễ dàng truyền đạt cho đội ngũ của mình và những người có liên quan.

3. Lên ý tưởng

Trong bước này, GENAI có thể được sử dụng để tạo ra các ý tưởng mới, phát triển các giải pháp khả thi, và đánh giá các giải pháp tiềm năng. Chúng ta có thể gọi đây là quá trình đồng sáng tạo (co-creation) giữa người và máy. GenAI có thể đưa chúng ta rất nhiều ý tưởng khác nhau, tuy nhiên, chúng ta cần thu hẹp/chọn lọc ý tưởng phù hợp để chúng ta tránh đi lan man, xa rời mục tiêu ban đầu và dành nguồn lực cho các giai đoạn tiếp theo.

4. Tạo nguyên mẫu

Trong bước này, GENAI có thể được sử dụng để phát triển các giải pháp sáng tạo thành các sản phẩm hoặc dịch vụ thực tế. Chúng có thể tạo ra những nguyên mẫu ở dạng hình ảnh 3D, mockup, video demo để chúng ta đi thử nghiệm trên môi trường số.

5. Thử nghiệm

Khi thử nghiệm nguyên mẫu trên thị trường, chúng ta sẽ nhận lại những ý kiến đóng góp, phản hồi, đề xuất từ người dùng. Chúng ta sẽ cùng GenAI tổng hợp, phân tích những dữ liệu này để có được những insight nhằm cải thiện sản phẩm/dịch vụ của chúng ta.

Đây cũng chỉ là những ứng dụng bước đầu của tôi. Tôi cũng rất mở lòng để đón nhận những ứng dụng thực tế hay ho của mọi người.

Leave a Reply

WeTransform