Khi sinh viên đồng thiết kế chương trình Đại học

Bài viết gốc từ Vietcetera

Tâm và Bách, hai trong 54 sinh viên Đồng Kiến tạo tại Fulbright University Việt Nam, kể về trải nghiệm đồng thiết kế chương trình giáo dục khai phóng của trường.

Tư duy giáo dục và giá trị tấm bằng ngày nay rất khác cách đây 20 năm. Trong nền kinh tế công nghệ với thị trường lao động dự đoán đầy những bước ngoặt, hơn bao giờ hết giáo dục cần giúp con người có hành trang thích ứng.

Với khao khát chuẩn bị sinh viên cho những thay đổi tiếp theo của kỷ công nghệ, Fulbright University Việt Nam (FUV) là một trong những ngôi trường Đại học khai phóng đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.

Khởi động chương trình Năm học Đồng Kiến tạo trong năm 2018 – 2019, Fulbright đã trao cơ hội cho 54 sinh viên Đồng Kiến tạo (Co-Designers) để hoàn thiện trải nghiệm đại học. Cùng với giảng viên, những sinh viên Đồng Kiến tạo tái định hình nền tảng văn hoá đại học ở Việt Nam, nơi sinh viên được trao quyền làm chủ quá trình học tập của mình.

Cùng Vietcetera trò chuyện với Bách và Tâm, hai sinh viên Đồng Kiến tạo, để tìm hiểu quá trình xây dựng trải nghiệm giáo dục đại học tại Fulbright University Việt Nam.

Làm sao các bạn biết đến Năm Đồng kiến tạo?

Tâm: Mình được nghe từ những thầy cô của mình, những người đến từ học bổng Fulbright. Trước đó mình rất dè dặt khi tương tác với những người lớn tuổi, nên mình nghĩ đây là một cơ hội tốt để tương tác với thầy cô, trở nên tự tin hơn, mở rộng đầu óc và cởi mở hơn về tính cách.

Bách: Mình có tham gia Ngày hội tuyển Giảng viên của FUV. Mình khá bất ngờ vì FUV mời luôn học sinh vào để tiếp xúc và đánh giá phương pháp truyền đạt kiến thức của các giảng viên.

Sau một buổi tham dự, mình để lại phản hồi về cách sắp xếp bàn ghế chưa thoải mái để có cuộc trao đổi gần gũi và hiệu quả. Ban tổ chức đã lắng nghe và thay đổi cách sắp xếp ở lần sau. Chính từ những chi tiết nhỏ như vậy, mình cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng. Điều đó làm mình chắc chắn hơn về việc đăng ký vào trường.

Bạn có trăn trở nào khi đăng kí vào một trường đại học “chưa có gì hết” và phải “xây dựng từ đầu” không?

Tâm: Mình không có quá nhiều kỳ vọng cụ thể khi đăng kí vào FUV. Một phần vì cái tên Fulbright cũng có danh tiếng từ trước rồi nên mình cũng không quá lo lắng. Hơn thế nữa, trường cũng có rất nhiều thầy cô giỏi nên mình cứ đăng ký vào mà không nghĩ nhiều.

Thế nhưng, sau một thời gian thì mình cũng khá lo lắng khi các bạn ở những trường đại học khác đổ dồn hỏi mình là trường bạn học cái gì, chuyên ngành của bạn là gì.

Mình cũng không biết giải thích như thế nào và cảm thấy bất định, bối rối. Vì mình ở trong cuộc nên mình hiểu những lợi ích mà môi trường giáo dục của Fulbright đem lại, nhưng người ngoài nhìn vào thì không hiểu, nghĩ mình đang phí tiền và làm những việc tốn thời gian. Ba mẹ cũng gặp khó khăn để hiểu phương pháp giáo dục tại Fulbright. Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm trạng của mình.

Các bạn nhận thấy những khác biệt gì khi học trường đại học nội trú (residential campus)?

Tâm: Trước thì mình ở nhà với ba mẹ, nếu ba mẹ không đồng quan điểm với mình, thì cãi nhau xong thì vẫn thương nhau lại. Nhưng ở đây hoàn toàn là những người xa lạ vừa mới tới, ở chung một căn nhà với nhau, rất khó để có sự dung hòa từ tất cả mọi người. Mọi người đều đến từ nhiều nơi khác nhau, thế nên thói quen ăn uống đã khác nhau.

Ngay cả việc đơn giản như ngủ chung một phòng mà đứa ngủ được điều hoà đứa thì không. Chính vì thế, tụi mình phải thường xuyên tham gia những cuộc họp để giải quyết những mâu thuẫn, thành lập và đàm phán những luật lệ cho không gian chung để mọi người đều cảm thấy thoải mái với nhau.

Điều quan trọng nhất là mình đã học được cách nói ra sự không thoải mái của mình. Lớn lên ở Việt Nam, mình ngại nói nhiều điều vì mình sợ làm phật ý người khác. Ở FUV tụi mình được khuyến khích thẳng thắn nói ra những cảm xúc, suy nghĩ của mình để từ đó mọi người hiểu nhau hơn.

Tất cả sinh viên bắt buộc phải ở trong ký túc xá, vì vậy học hỏi từ việc sống chung với nhau là một phần của trải nghiệm học tập ở môi trường giáo dục khai phóng.

Các bạn đã tham gia kiến tạo các hoạt động ngoại khoá nào ở FUV?

Tâm: Chúng mình kiến tạo trên mọi mặt trận, mọi khía cạnh của trường, từ mặt học thuật, môi trường nội trú, hoạt động ngoại khoá, đến văn hoá tổ chức. Đầu năm tụi mình phải cùng nhau ngồi lại và xây dựng những tiêu chuẩn quyết định sự thành lập cho một club.

Mình là một trong những founder của Event Club. Mình nhớ lại lần tổ chức Đêm Halloween, nhóm mình có nhiều ý tưởng quá “đột phá” và không thực tế nên ngân sách đề xuất 20 triệu bị nhà trường cắt thẳng tay còn 4 triệu. Nhưng bọn mình vẫn xoay xở thành công. Làm việc ở FUV cho mình kĩ năng thuyết phục và thương lượng với các “nhà tài trợ”, suy nghĩ thực tế, và phát triển trình độ giải quyết vấn đề, giải quyết mâu thuẫn trong quá trình chạy event.

Bách: Một hoạt động khá rầm rộ của STEM (Science, Technology, Engineering, Math) Club mình tham gia phát động là “Ngày hội Non-Plastic”. Toàn trường không được đem đồ dùng bằng nhựa xài một lần.

Ngoài ra, mình rất thích chơi bóng bàn và nhận ra đây là môn thể thao cộng đồng có ích cho sinh viên, nên mình đã đề xuất lên trường để mua một bàn bóng bàn. Nhưng mình phải lên kế hoạch từ chọn địa điểm, chi phí đến quy định dùng bàn bóng bàn trong trường. Bị từ chối hết lần này tới lần khác, mình vẫn kiên trì “thương thảo”. Cuối cùng, trường quyết định cho mình một vị trí trong khu học mới để đặt bàn bóng bàn.

Mình nhận ra rằng khi đã muốn gì đó thì phải làm cho tới nơi tới chốn. Tuy nhiên, phải biết khi nào nên cứng rắn với lập trường của mình và khi nào mềm mỏng để thương thảo.

Qua năm Đồng Kiến Tạo, các bạn đã làm những gì và đã đạt được những thành quả nào?

Tâm: Trong năm học Đồng Kiến tạo, mình được tham gia các khóa học khác nhau, độ dài khác nhau. Có những khoá học có khung chương trình và bài giảng cố định rồi, chúng mình sẽ học thử, và phản hồi lại cho thầy cô. Nhưng có những khoá học chưa có gì hết như khoá Rhetoric (Thuật hùng biện), và nhiệm vụ của tụi mình là cùng với các thầy cô thiết kế giáo trình và xây dựng chương trình từ đầu.

Chương trình Fulbright của hệ Thạc sĩ vốn áp dụng cách giảng dạy từ Mỹ, nhưng vì FUV là một trường đại học Việt Nam, cho sinh viên Việt Nam, nên chúng mình phải xây dựng chương trình sao cho cách giảng dạy phù hợp với người Việt Nam nhất.

Điều gì khiến bạn mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Fulbright University Việt Nam?

Tâm: Mình muốn theo đuổi ngành Marketing, và FUV cho mình những mảng kiến thức nền rất quan trọng để tiếp tục học hỏi và chuyển mình theo thời thế. Mình được học về tâm lý học, văn hóa, lịch sử Việt Nam, cách làm phim, .v.v. Từ đó mình học cách hiểu con người, cũng chính là các khách hàng và đối tượng của sản phẩm mà mình làm ra sau này.

Điều khác mà giữ mình ở lại Fulbright đó là FUV dạy mình cách làm người. Một trong những bài học đầu tiên mà mình học ở Fulbright là lòng chính trực (integrity) và phát triển bền vững (sustainable development). Mình còn được học cách chăm sóc bản thân trước khi ảnh hưởng tích cực đến mọi người xung quanh, hay về sức khỏe tâm thần, ví dụ như làm thế nào để nói chuyện với một người đang cảm thấy không ổn.

Bách: Mình vào trường với tâm thế thám hiểm, khám phá, và đặt nhiều câu hỏi. Mình muốn thử học những thứ mình chưa bao giờ nghe đến. Mình luôn hào hứng về những khai phá mới trong các môn học và kiến thức mà FUV đào tạo.

Khi học về Huế, không chỉ được học trong sách vở, mình còn được đi tham quan Huế, đến lăng của Phan Bội Châu và học về cụ Phan Bội Châu, đến cung đình Huế để học về các vị vua triều Nguyễn. Những điều đó thúc đẩy trí tò mò của mình về lịch sử và xã hội. Chúng khiến mình muốn đồng hành cùng FUV khám phá thêm về bản thân và đất nước trong tương lai.

Bạn hình dung bản thân mình sẽ thay đổi như thế nào sau 4 năm học ở FUV?

Tâm: Mình mong sau 4 năm thì mình sẽ hiểu bản thân mình hơn: biết được thế mạnh và khuyết điểm, biết mình muốn gì, cần gì, và phải làm gì. Với định hướng của FUV, mình tin rằng mình sẽ có khả năng đặt ra những mục tiêu và những quyết định cho bản thân.

Bách: Hiểu được hơn về tình hình xã hội. Mình có nhiều cơ hội tham gia hội thảo, gặp gỡ những người đang thực sự làm việc trong các ngành, lĩnh vực mà mình quan tâm. Ví dụ như mình được gặp CEO của Vinagame, nhà văn Bảo Ninh, nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân,… Mình hiểu được vị trí thích hợp của mình trong bức tranh lớn của xã hội, từ đó mình có thể góp phần sức mình để cống hiến cho tương lai Việt Nam.

Leave a Reply