Nếu bạn đã từng đọc Zero to One, và đã đôi lần thực hành những hướng dẫn trong cuốn sách, và rồi bạn chợt nhận ra rằng, vậy sau Zero to One, tôi sẽ làm gì tiếp theo. Cuốn sách Blitzscaling (Tăng trưởng thần tốc) đã ra đời để trả lời cho bạn câu hỏi đó. Khi đã tìm được cho mình sự phù hợp giữa sản phẩm và thị trường (product/market fit) thì bạn cần đến một kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ, đột phá và thần tốc. Những bài học về tăng trưởng thần tốc được gói gọn trong cuốn sách này. Sẽ không dư thừa khi chúng ta cùng nhau lượt lại một chút các khái niệm Zero to One và Blitzscaling.
Zero to One ( Từ không đến một ) – Peter Thiel và Blake Masters
Năm 2014, doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm huyền thoại của thung lũng Silicon, Peter Thiel cùng cộng sự là Blake Masters đã ra mắt cuốn sách có tên Zero to One, mang đến một góc nhìn mới mẻ và đa chiều về cách thức xây dựng tương lai. Một tương lai nơi mà sự phát triển không được nhân rộng theo chiều ngang (sao chép những thứ thành công đã có sẵn) mà theo chiều dọc (tạo ra những thứ hoàn toàn mới). Đây chính là cách ông định nghĩa cách thức khởi nghiệp từ không đến một.
Ở cấp độ vĩ mô, sự phát triển theo chiều ngang chính là sự toàn cầu hoá, và minh chứng sống động nhất cho sự toàn cầu hoá này chính là Trung Quốc. Tại đất nước này, chúng ta có thể chứng kiến sự sao chép trên tất cả các khía cạnh của sản xuất, kinh tế, đời sống… giúp sản lượng và sự giàu có được nhân lên với cấp số mũ, tuy nhiên lại gây ra hoàng loạt các hệ lụy về môi trường, nhân sinh… Trong khi đó, sự phát triển theo chiều dọc (từ không đến một) thường bắt nguồn từ công nghệ, giúp cải tạo thế giới một cách tốt hơn và bền vững hơn.
Với thế giới quan sâu sắc của mình về sự phát triển của xã hội cũng như bản chất của khởi nghiệp, Zero to One là lời kêu gọi mạnh mẽ đến những cá nhân/tổ chức tin vào sự hiện hữu của những ý tưởng mới và nguyên bản, nhằm phát triển một tương lai đột phá và bền vững, đưa thế giới đi đến những bước tiến vượt bậc, khai thác tối đa sức mạnh của cuộc cách mạng 4.0. Và đó là điểm xuất phát của hành trình khởi nghiệp từ không đến một.
Bliztscaling (Tăng trưởng thần tốc) – Reid Hoffman và Chris Yeh
4 năm sau, vào năm 2018, Reid Hoffman và Chris Yeh lại mang đến cho chúng ta một cách thức mới mẻ về sự phát triển thần tốc mang tên “Bliztscaling – Con đường nhanh nhất để xây dựng những doanh nghiệp khổng lồ”. Tăng trưởng thần tốc là một chiến lược tăng trưởng ưu tiên “tốc độ” trên cả “tính hiệu quả” trong một môi trường kinh doanh “mơ hồ và không chắc chắn”. Các kỹ thuật của chiến lược tăng trưởng thần tốc gây bất ngờ cho các đối thủ cạnh tranh và khiến họ trở tay không kịp. Nếu bạn đã có một nền tảng từ không đến một, tăng trưởng thần tốc sẽ giúp bạn đi từ một đến một tỷ nhanh nhất có thể. Vì vậy, tăng trưởng thần tốc đã và đang là công thức thành công của rất nhiều gã khổng lồ hàng đầu thế giới như Google, Amazon, Facebook, Netflix hay Airbnb…
Một số đặc tính nổi bật của tăng trưởng thần tốc gồm:
- Sẵn sàng hy sinh tính hiệu quả để đổi lấy tốc độ, mà không hề chắc chắn rằng sự hy sinh đó mang lại hiệu quả hay không.
- Phớt lời những công thức kinh doanh mặc định cho thành công như thu thập thông tin, hoạch định cẩn thận, đầu tư an toàn, giải quyết mọi vấn đề phát sinh; thay vào đó ưu tiên nguồn lực cho tốc độ phát triển và sự sáng tạo đột phá.
- Chấp nhận những rủi ro và sai lầm phát sinh trên đường đi cùng với sự chuẩn bị một ngân sách thật lớn để giải quyết những sai lầm đó.
- Chấp nhận sự bất an và chỉ trích đi kèm, thậm chí là sự thất bại chớp nhoáng.
Tuy nhiên, tăng trưởng thần tốc không phải dành cho tất cả mọi người, bạn cần hội tụ các điều kiện cần và đủ như trên để thực hiện chiến lược này. Đồng thời, bạn hãy quan tâm đến tăng trưởng có trách nhiệm chứ không phải tăng trưởng bằng mọi giá.
Qua hai khái niệm Zero to One và Bliztscaling trên, chúng ta có thể rút ra những bài học nào cho hành trình khởi nghiệp của mình.
Định hình tư duy khởi nghiệp công nghệ
Có một thực tế rằng, các mô hình kinh doanh truyền thống (chẳng hạn như lĩnh vực nhà hàng hay báo chí…) giá trị của một doanh nghiệp được thể hiện ở dòng tiền hiện tại trong 5 đến 6 năm. Trong khi đó, đối với một doanh nghiệp công nghệ, họ thường chịu lỗ trong những năm đầu để xây dựng giá trị cho thị trường và thu lợi nhuận ở 10 đến 15 năm trong tương lai. Câu hỏi quan trọng được đặt ra với các công ty công nghệ đó là: Liệu mô hình kinh doanh này có tồn tại sau một thập kỷ nữa? Những con số đơn thuần và ngắn hạn sẽ không cho bạn câu trả lời, thay vào đó hãy suy nghĩ về sứ mệnh, giá trị mà bạn muốn theo đuổi tại doanh nghiệp của mình.
Dẫn đầu thị trường là một chiến thuật, nhưng không phải mục tiêu. Điều quan trọng đối với các startup công nghệ đó là khả năng sinh dòng tiền trong tương lai. Do vậy đi đầu cũng không có ích lợi gì nếu ai đó theo sau và soán ngôi của bạn. Sẽ tốt hơn nếu là người đi sau cùng, và tạo ra sự phát triển tuyệt vời cuối cùng trong một thị trường nhất định và tận hưởng lợi thế độc quyền.
Cách thức để làm được điều này đó là thống trị một thị trường ngách nhỏ, tăng quy mô, tạo ra sự độc quyền và hướng đến tầm nhìn dài hạn và tham vọng. Google là một ví dụ điển hình của độc quyền khi chiếm 68% thị trường tìm kiếm trong khi các đối thủ cạnh tranh như Microsoft và Yahoo! chỉ chiếm lần lượt là 19% và 10% (tháng 4 năm 2014). Một số mô hình kinh doanh mang tính đổi mới sáng tạo mà bạn có thể tham khảo như: mô hình platform, mô hình marketplace, mô hình subscription…
Tuy nhiên, nếu bạn không phải là một doanh nghiệp độc quyền thành công duy nhất thị trường. Hay bạn đang trong một thế cạnh tranh gay gắt như phải đối đầu với các đối thủ cực kỳ sừng sỏ và lâu đời. Lĩnh vực kinh doanh mà bạn vừa khai phá đã bắt nhận được sự quan tâm và nhập cuộc của nhiều người chơi khác nhau thì lúc này sự phức tạp và vận động không ngừng của thị trường khiến cho rủi ro không nằm ở sự không hiệu quả mà ở việc quá an toàn. Nếu phần thưởng sau cùng cho người thắng cuộc đủ lớn thì chiến lược tăng trưởng thần tốc lại trở thành một lựa chọn hợp lý hay thậm chí là tối ưu nhất để phản ứng lại với thị trường. Chẳng phải khi bạn sẵn sàng chấp nhận những rủi ro mà người khác không thể, cơ hội thắng cuộc rất có thể thuộc về bạn hay sao.
Chiến lược tăng trưởng thần tốc được thể hiện rõ nhất ở mô hình kinh doanh của Airbnb. Để có được sự lớn mạnh như ngày nay, có thể ít ai biết rằng, Brian Chesky – nhà đồng sáng lập của Airbnb đã từng đứng trước một quyết định khó khăn như vậy trong công cuộc mở rộng và chiếm lĩnh thị trường châu Âu. Hoặc nhượng lại 25% cổ phần của mình cho phiên bản nhái của mình là Wimdu hoặc huy động một nguồn vốn thật dồi dào, tăng trưởng thần tốc và hạ “knock-out” đối thủ. Tuy mạo hiểm nhưng lựa chọn thứ hai đã đưa Airbnb đến với vị thế của ngày hôm nay.
Combo những chiến thuật quản trị đắt giá
Không chỉ dừng lại ở những khái niệm chung chung, Peter Thiel và Black Namster, Ried Hoffman và Chris Yeh đã hệ thống hoá những kinh nghiệm thực tiễn của mình để mang đến cho bạn những hướng dẫn quản trị trực quan và cụ thể như:
- Làm thế nào để tạo ra một doanh nghiệp khác biệt và độc quyền.
- Cách thức xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả.
- Tư duy khởi nghiệp đúng đắn của nhà sáng lập và cách thức tuyển dụng đội ngũ.
- Cách thiết kế mô hình kinh doanh hỗ trợ cho sự phát triển không ngừng.
- Quy trình tuyển dụng và quản lý khi công ty của bạn tăng trưởng gấp đôi hoặc gấp ba về quy mô.
- Cách kết hợp truyền thông và văn hóa ở các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.
- Tăng trưởng thần tốc một cách có trách nhiệm và bền vững.
Chính vì những điều này, bộ đôi Zero to One (Từ không đến một) của Peter Thiel và Blake Masters và Bliztscaling (Tăng trưởng thần tốc) của Ried Hoffman và Chris Yeh là những lựa chọn đắt giá trong hạng mục sách quản trị và khởi nghiệp cho những ai dám tin vào một tương lai đột phá và bền vững.
Sách được dịch bởi: Huỳnh Hữu Tài và nhóm WeTransform.
Bản sách tiếng Việt: http://bit.ly/WeTransform_TangTruongThanToc
Bản sách tiếng Anh: http://bit.ly/blitzscaling_tiki
Người viết: Nguyễn Thị Tố Như-Huỳnh Hữu Tài (WeTransform)