UNILEVER: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả tuyển dụng nhân sự và đào tạo nhân viên mới

Nhà sản xuất hàng tiêu dùng quốc tế Unilever bán trên 400 sản phẩm có thương hiệu tại 190 quốc gia. Trên toàn thế giới, nó có trên 160.0001 nhân công, biến nó trở thành một trong những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất thế giới.

Với bất kỳ công ty nào, con người là nguồn lực có giá trị nhất. Để đảm bảo thu hút đúng nhân tài, Unilever triển khai những giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) nhắm đến việc thu hút, phân tích và cuối cùng là chọn lựa những ứng viên xuất sắc nhất phù hợp với hàng ngàn vị trí mà họ cần lấp đầy hàng năm.

Trí tuệ nhân tạo giúp giải quyết những vấn đề gì?

Bất cứ quy trình tuyển dụng nào ẩn chứa rủi ro bên trong. Đăng quảng cáo tuyển dụng nhân tài, sàng lọc ứng viên và đào tạo nhập môn cho nhân viên mới là một quá trình tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian. Dù vậy, nó phải được hoàn thành một cách thích đáng, vì tuyển dụng sai người có thể trả giá đắt và mang đến những ảnh hưởng bất lợi cho doanh nghiệp.

Các nhà tuyển dụng có thời gian hạn hữu để tìm kiếm những ứng viên thích hợp và một khi họ đã có được một danh sách rút gọn, cánh cửa cơ hội đã hẹp lại để ra quyết định liệu đó có phải là người phù hợp cho vai trò đó không.

Trong trường hợp của Unilever, khi tuyển dụng cho chương trình Lãnh Đạo Tương Lai (Future Leadership) của họ, công ty biết rằng nó có từ 4 đến 6 tháng để thu hẹp từ một nguồn 250.000 ứng viên trên khắp thế giới xuống để lấp đầy 800 vị trí đang còn trống.2

Chi phí không dừng lại một khi đúng người đã được tìm thấy cho đúng việc – theo Cộng đồng Quản lý Nguồn Nhân lực, chi phí đào tạo một nhân viên mới bình quân ở mức từ 6 đến 9 tháng lương cho vị trí đó.3

Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong thực tế như thế nào?

Unilever đã hợp tác với chuyên viên tuyển dụng trí tuệ nhân tạo để triển khai một kế hoạch toàn cầu nhắm đến việc khớp ứng viên với công việc đăng tuyển một cách hiệu quả.

Nó đòi hỏi phải phát triển một quy trình với nhiều giai đoạn, bắt đầu bằng việc yêu cầu ứng viên trên khắp thế giới nộp một sơ yếu lý lịch trực tuyến hoặc hồ sơ LinkedIn.

Từ đó, ứng viên được yêu cầu tham gia 12 trò chơi trực tuyến khác nhau. Được phát triển bởi Pymetrics, những trò chơi này được thiết kế để kiểm tra năng lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến vị trí họ đang ứng tuyển.4

Những trò chơi này không hẳn được thiết kế để “thắng” hay “thua” mà đúng hơn là để cung cấp một thước đo cho tính cách của một ứng viên, và kết quả lý tưởng có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí ứng viên đang ứng tuyển.

Ví dụ như, một trò chơi liên quan đến việc bơm bong bóng để đánh giá cơn khát rủi ro của một ứng viên, sử dụng cơ chế luật chơi “dừng” hoặc “rút” tương tự như chơi bài xì dách. Các ứng viên được thưởng điểm khi bơm nhiều khí hơn vào những bong bóng ảo, và phải cố mà dừng bơm trước khi bong bóng nổ tung.

Giai đoạn tiếp theo của quy trình đòi hỏi việc nộp một bài phỏng vấn bằng băng ghi hình.

Giống như các trò chơi, phần này có thể được thực hiện trong thời gian cá nhân của ứng viên, chỉ sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính có gắn máy quay kỹ thuật số (webcam) của họ.

Ở đây, thuật toán trí tuệ nhân tạo phân tích ngôn ngữ nói, biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể để quyết định xem họ có phù hợp với hồ sơ của một người sẽ thành công trong vai trò này không.

Từ đây, một bản danh sách rút gọn cuối cùng gồm 3.500 hồ sơ được tập hợp, tất cả họ được mời đến các trung tâm đánh giá nơi họ gặp trực tiếp những người tuyển dụng của Unilever lần đầu tiên, và lựa chọn cuối cùng gồm 800 người được đưa ra.

Một khi được tuyển, những nhân viên mới của Unilever có thể tiếp cận với Unabot, một robot trả lời tự động chạy bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo được thiết kế để tăng tốc quá trình đào tạo nhập môn bằng cách trả lời các câu hỏi qua một giao diện trò chuyện bằng ngôn ngữ tự nhiên.

Công nghệ, công cụ và dữ liệu nào đã được sử dụng?

Những trò chơi của Pymetric cho phép xây dựng nên những hồ sơ năng lực chi tiết, đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của ứng viên một cách định lượng hơn so với quá trình phỏng vấn theo kiểu mặt đối mặt truyền thống.

Các hồ sơ này sau đó có thể được so sánh đối chiếu với những giá trị mà các thuật toán học máy chọn ra là có khả năng báo hiệu các ứng viên phù hợp.

Sau đó, Unilever sử dụng công nghệ phân tích hình ảnh trên khuôn mặt do HireVue phát triển để diễn dịch dữ liệu thu thập được thông qua quá trình phỏng vấn bằng băng ghi hình được thu sẵn.

Thị giác máy tính và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên được sử dụng để phân tích các đoạn băng, để nắm bắt các điểm dữ liệu có thể được dán nhãn tự động để cung cấp các chỉ dấu của các đặc điểm tính cách như “ý thức về mục đích,” “tư duy hệ thống,” “sức bền” hoặc “nhạy bén về kinh doanh.”

Những đặc trưng tính cách này có thể được so sánh với những người khác, những người đã chứng minh bản thân thành công trong những vai trò cụ thể được tuyển dụng.

Xử lý ngôn ngữ tự nhiên cũng tăng cường sức mạnh cho Unabot, nó được xây dựng trên Framework robot của Microsoft.

Sử dụng dữ liệu công ty từ các tài liệu nội bộ và sổ tay công ty, nó có thể xử lý các câu hỏi được hỏi bằng ngôn ngữ tự nhiên của con người và cung cấp câu trả lời về vai trò của nhân viên, thủ tục công ty, phúc lợi như kế hoạch lương hưu trí và thậm chí thời gian xe buýt đưa đón đến và đi từ các cơ sở của Unilever.

Những thành quả đạt được là gì?

Với 1,8 triệu đơn ứng tuyển việc làm cần được xử lý hàng năm, Giám đốc Nhân sự của Unilever, Leena Nair, nói với tôi rằng quá trình sàng lọc nhân viên đã tiết kiệm được khoảng 70.000 giờ công phỏng vấn.

Bà nói rằng vì hệ thống đưa ra phản hồi tự động cho người nộp đơn, ngay cả những người không thành công cũng có lợi.

“Điều tôi thích ở quá trình này là mỗi một người ứng tuyển cho chúng tôi đều nhận được một vài phản hồi góp ý. Bình thường khi người ta gửi một hồ sơ ứng tuyển cho một công ty lớn, nó có thể rơi vào một ‘hố đen’ – cảm ơn CV của bạn rất nhiều, chúng tôi sẽ liên lạc lại với bạn – và bạn không bao giờ nghe gì từ họ một lần nào nữa. Tất cả các ứng viên của chúng tôi đều nhận được một vài trang phản hồi, họ đã thể hiện trong trò chơi thế nào, họ đã thể hiện trong cuộc phỏng vấn qua băng ghi hình thế nào, những đặc điểm tính cách mà họ có phù hợp với công việc, và nếu họ không phù hợp, họ cũng biết được lý do tại sao, và những điều chúng tôi nghĩ rằng họ nên làm để thành công cho lần ứng tuyển trong tương lai. Đây là một ví dụ mà trí tuệ nhân tạo cho phép chúng ta thể hiện tính nhân văn hơn.”

Unabot đang dần được triển khai xuyên suốt các cơ sở toàn cầu của Unilever. Hiện tại, nó đang hoạt động tại 36 trên 190 quốc gia nơi Unilever vận hành.

Nair nói với tôi rằng cho đến nay 36% nhân viên đã tiếp cận với nó, và 80% trong số đó trở thành người dùng thường xuyên.

Khi được yêu cầu đánh giá mức độ hài lòng với những câu trả lời nó hiện đang cung cấp, người dùng đánh giá hệ thống ở mức 3,9 trên tổng điểm tối đa là 5.

Những thách thức và bài học chính được rút ra

  • Có khả năng đánh giá được các đơn ứng tuyển từ hàng trăm ngàn ứng viên có nghĩa là nhiều ứng viên có thể được xem xét cho một vị trí hơn.
  • Nó cũng có nghĩa là những người có thể thành công ít có khả năng lọt lưới hơn so với quá trình phụ thuộc vào một người làm công việc tuyển dụng chọn lọc thông qua hàng đống hồ sơ.
  • Những người làm công việc tuyển dụng sẽ không có thời gian để thực hiện quá trình kiểm tra và phân tích ban đầu này bằng cách thủ công, nhưng sử dụng trí tuệ nhân tạo và học máy nghĩa là một danh sách rút ngắn có thể được soạn thảo nhanh chóng, bất kể lúc ban đầu có bao nhiêu đơn ứng tuyển được đưa ra.
  • Robot trả lời tự động cung cấp những giao diện đơn giản, nơi nhân viên cũ và mới có thể nhanh chóng nhận được câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến, và trí tuệ nhân tạo được sử dụng để hiểu những câu trả lời mà mọi người có khả năng cần nhiều nhất.

Tham khảo

1. Unilever: https://www.unilever.com/about/who-we-are/about-Unilever/

2. Hirevue, Unilever finds top talent faster with Hirevue assessments: https://www.hirevue.com/customers/global-talent-acquisition-unilever-case-study

3. Huffington Post, High Turnover Costs Way More Than You Think: https://www.huffingtonpost.com/julie-kantor/high-turnover-costs-way-more-than-you-thinkb9197238.html

4. Business Insider, Consumer-goods giant Unilever has been hiringemployees using brain games and artificial intelligence – and it’s a hugesuccess: http://uk.businessinsider.com/unilever-artificial-intelligence-hiring-process-2017-6

Leave a Reply