Cuộc dịch chuyển “đại dương xanh”

Ngày nay thuật ngữ “đại dương xanh” đã khá quen thuộc khi đề cập các hoạt động kinh tế, xã hội. Chiến lược đại dương xanh được ứng dụng rất thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây cũng chính là công trình nghiên cứu gần 30 năm của hai tác giả W. Chan Kim và Renesee Mauborgne – những giáo sư hàng đầu thế giới về tư duy chiến lược của Học viện Quản trị kinh doanh INSEAD. W. Chan Kim và Renesee Mauborgne – hai tác giả của tựa sách Chiến lược đại dương xanh – đã đúc kết công trình nghiên cứu của mình bằng tác phẩm Cuộc dịch chuyển đại dương xanh – được trang Amazon.com chọn là “Cuốn sách hay nhất năm 2017”.

Theo hai giáo sư nói trên, thị trường toàn cầu được hình thành bởi hai loại đại dương: đại dương xanh và đại dương đỏ. Đại dương xanh là những ngành chưa được tạo ra. Trong khi đó, đại dương đỏ được ví như vùng nước chật hẹp, nơi mà các ngành đều phải chen chúc, cạnh tranh lẫn nhau để tồn tại. Khi môi trường cạnh tranh khốc liệt thì việc tìm ra đại dương xanh, chuyển mình từ làn nước đỏ sang xanh trở nên cấp thiết.

“Tất cả chúng ta đều đang trả tiền cho các đại dương đỏ xung quanh. Để lật ngược tình thế, chúng ta cần tạo ra nhiều chiến lược sáng tạo để mở ra ranh giới giá trị, chi phí mới và cùng với nó, lợi nhuận và sự phát triển sẽ được mở rộng. Chúng ta cần có một cuộc dịch chuyển đại dương xanh”.

Nhưng làm thế nào áp dụng được lý thuyết và công cụ về chiến lược đại dương xanh để thực hiện thành công cuộc chuyển dịch từ đại dương đỏ sang xanh? Mối quan tâm của các nhà kinh doanh được đẩy lên cao, từ việc hiểu thế nào là đại dương xanh đến cách thức để áp dụng cuộc dịch chuyển thành công.

Nếu chiến lược đại dương xanh là lý thuyết độc đáo về chiến lược thì cuộc dịch chuyển đại dương xanh có thể được xem là kim chỉ nam cho hành động của doanh nghiệp. Để thực hiện các bước dịch chuyển thành công cần dựa trên ba yếu tố. Yếu tố đầu tiên là áp dụng quan điểm về đại dương xanh, để từ đó mở rộng tầm nhìn và dịch chuyển hiểu biết đến nơi tập trung cơ hội. Yếu tố thứ hai là việc có được các công cụ tạo lập thị trường với những hướng dẫn đúng đắn về cách áp dụng nhằm biến nhận thức đại dương xanh trở thành một lời chào hàng thật sự hấp dẫn, có thể tạo nên một khoảng trống thị trường mới. Yếu tố thứ ba là việc có một quy trình nhân văn hợp lý, giúp truyền cảm hứng và tạo dựng sự tự tin của mọi người để họ làm chủ và thúc đẩy quá trình thực thi hiệu quả.

“Tất cả chúng ta đều đang trả tiền cho các đại dương đỏ xung quanh. Để lật ngược tình thế, chúng ta cần tạo ra nhiều chiến lược sáng tạo để mở ra ranh giới giá trị, chi phí mới và cùng với nó, lợi nhuận và sự phát triển sẽ được mở rộng. Chúng ta cần có một cuộc dịch chuyển đại dương xanh”.

Một lần nữa, câu nói truyền cảm hứng của tỉ phú Warren Buffett được minh chứng: “Nếu muốn đi thật nhanh thì đi một mình, nếu muốn đi thật xa hãy đi cùng nhau”. Thông điệp “Hãy đi cùng nhau” được lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ đúng trong đời sống xã hội mà còn rất hữu ích trong trường hợp này. “Cuộc dịch chuyển đại dương xanh là một hành trình chuyển hóa. Nó đòi hỏi nhiều hơn một ý tưởng và chiến lược rõ ràng để mở ra một ranh giới giá trị-chi phí mới. Để tiến về phía ranh giới mới, bạn cần phải đi cùng các cộng sự. Nếu không có sự hợp tác tự nguyện của họ, bạn sẽ phải bỏ cuộc giữa chừng, như mọi chuyên gia ở một độ tuổi nhất định đều biết. Dù hầu hết mọi người đều không khai thác khía cạnh con người của tổ chức trong quá trình hoạch định chiến lược nhưng bạn nên làm ngược lại”.

Cuộc dịch chuyển đại dương xanh có thể nói là một cuộc chuyển dịch cả về tư duy lẫn văn hóa. Đây cũng chính là yếu tố góp phần tạo nên thành công của chuỗi khách sạn CitizenM. Trong bối cảnh “nếu có một đại dương đỏ thì ngành khách sạn đang đắm chìm trong đó. Nó còn đỏ hơn cả màu đỏ thông thường” và “đổi mới chỉ là đổi màu sơn tường hay dải màu nâu chocolate trên gối”, nhưng với hiểu biết sâu sắc về nhu cầu, con người, doanh nghiệp này đã khởi nghiệp thành công khi biến những tư duy thành hành động rõ ràng với những chiến lược cụ thể.

Michael Levie và Rattan Chadha, giám đốc, chủ đầu tư và cũng là đồng sáng lập chuỗi khách sạn CitizenM, đã cùng nhau xây dựng chuỗi khách sạn này vào năm 2007, mở ra một ranh giới giá trị-chi phí mới trong việc cung cấp sự sang trọng theo đẳng cấp năm sao nhưng phù hợp với túi tiền theo tiêu chuẩn ba sao của khách du lịch thường xuyên, hay “những công dân thích xê dịch”. Đồng thời với quan điểm cởi mở, họ trao quyền cho đội ngũ nhân viên dịch vụ tự ứng phó với các tình huống phát sinh thay vì dựa trên các kịch bản có sẵn. Bằng cách này, CitizenM đã thể hiện sự tin tưởng, chia sẻ trách nhiệm và tạo lập sự tự tin cho đội ngũ của mình khi giải quyết tình huống, sẵn lòng đồng hành với doanh nghiệp thực hiện thành công cuộc chuyển dịch đại dương xanh.

Trên thực tế, tất cả các ngành đến một giai đoạn nào đó có cần một bước chuyển dịch đại dương xanh hay không? Làm sao để cân bằng giữa cung và cầu? Khi lợi nhuận biên giảm mạnh, chi phí gia tăng, các cuộc chiến chia sẻ thị trường xuất hiện ở diện rộng trên tất cả mọi ngành từ xây dựng đến cửa hiệu làm tóc, từ các công ty quảng cáo đến các hãng luật, từ xưởng sản xuất giấy cho đến ngành xuất bản… Mỗi bài học dù thành công hay thất bại đều đem đến những giá trị chung: khi ta nhận thức sự thay đổi, tìm thấy được lối đi và sử dụng hiệu quả công cụ chỉ đường thì mọi thứ đều là có thể. Thông điệp này được truyền tải sâu sắc trong Cuộc dịch chuyển đại dương xanh của hai tác giả W. Chan Kim và Renesee Mauborgne. 

Kim Thoa (Bài viết được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Leave a Reply