Chuyện là hôm nay tôi muốn review một cuốn sách về chủ đề design thinking. Tuy nhiên, tôi sẽ không nhắc đến tên sách và tên tác giả, để mọi người tự đoán xem. Đây là tôi lấy ý tưởng của xu hướng túi mù mà mọi người đang thích thú, nên tạm gọi kiểu review này là review sách mù. Ah, để ổn hơn thì nên gọi là review sách ẩn danh vậy.
Tôi va vào cuốn sách này (bản tiếng Anh) bởi vì tác giả quá uy tín. Ông là CEO của một công ty tư vấn và triển khai các dự án lớn về design thinking nổi tiếng trên toàn cầu, ông còn xuất hiện nhiều lần trên sân khấu TED. Xin nhắc lại 1 lần nữa, đây là review sách ẩn danh nên cho phép tôi không nói tên tác giả, không chia sẻ tên công ty tác giả đang làm và cả tên cuốn sách. Chỉ chia sẻ là cuốn sách viết về việc ứng dụng design thinking ở các doanh nghiệp để mang đến những thay đổi, những đổi mới sáng tạo. Cũng chính vì thế mà từ những trang đầu của cuốn sách, tôi đã kỳ vọng là nó phải thật hay, những câu chuyện thực tế phải thật lôi cuốn hấp dẫn. Cũng nói thêm, tôi có thói quen thường xem review về cuốn sách trước khi đọc. Nhưng với cuốn sách này thì tôi đọc ngay, không tham khảo review hay nhận xét từ bất kỳ ai khác. Vậy nên, những kỳ vọng của tôi về cuốn sách này đều xuất phát từ bên trong, từ chính bản thân tôi. Ngoài kỳ vọng, tôi cũng có định kiến tích cực về cuốn sách, đó là cuốn sách chứa đựng nhiều bài học thực tế sâu sắc với tầm nhìn rõ ràng và tư duy đa chiều.
Kỳ vọng là thế, giờ là lúc tôi chia sẻ những trải nghiệm khi đọc cuốn sách này. Thời điểm tôi viết bài review này là đầu năm 2025, còn thời điểm tôi đọc xong là vào tháng 8-2021. Cảm ơn trang goodreads.com đã lưu trữ giúp tôi thông tin này. Vậy là cũng đã gần 4 năm rồi, nhưng không biết sao, trong tôi vẫn có 1 thôi thúc để viết về cuốn sách này.
Nói một chút về gu đọc sách của tôi. Tôi thích đọc những cuốn sách có chứa đựng những khảo sát, báo cáo và những câu chuyện thực tế. Hai cuốn sách đã hình thành nên gu đọc sách này là cuốn Platform Revolution (Cuộc cách mạng nền tảng) và Blue Ocean Shift (Cuộc dịch chuyển đại dương xanh). Là người biên dịch 2 cuốn sách này sang tiếng Việt, tôi đã đọc đi đọc lại cuốn sách nhiều lần, ở bản tiếng Anh lẫn tiếng Việt, và lúc nào tôi cũng rơi vào trạng thái dòng chảy (flow) khi đọc đến những câu chuyện của tác giả, những case study thực tế, có cả thành công và thất bại. Và từ xưa đến nay, nghệ thuật kể chuyển luôn được đánh giá cao, nên chuyện tôi thích những cuốn sách trong lĩnh vực kinh tế, sáng tạo có những câu chuyện đầy ma thuật là điều cũng không mấy lạ lẫm.
Và giờ thì bắt đầu cuốn sách thôi!
Truyền cảm hứng
Xét về tổng thể cuốn sách, khi nó được xuất bản đã mang lại nhiều cảm hứng cho độc giả, nhất là những ai quan tâm đến việc ứng dụng design thinking để mang lại đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, tổ chức của mình. Ai lại không muốn học hỏi kinh nghiệm từ những chuyên gia đầu ngành chứ. Với tôi, lần đầu đọc cuốn sách này, tôi đã choáng ngợp với hơn 20 case study từ đa ngành nghề, lĩnh vực, vùng địa lý khác nhau. Cơ hội được khai sáng là đây. Nó cũng tiếp theo niềm tin rằng, đây là một công cụ mang lại giá trị thật sự chứ không phải chỉ là những câu chuyện đồn thổi.
Tác giả nhấn mạnh vào hành động, triển khai thực tế thông qua việc tạo nguyên mẫu, thử nghiệm.. Đặc biệt tư duy “building to think” cũng đã tác động mạnh mẽ đến tôi. Chúng ta có thể tư duy thông qua việc bắt tay vào làm sản phẩm/dịch vụ trong phòng LAB chứ không chỉ tư duy ở bàn giấy. Đổi mới sáng tạo là thế, chúng ta phải thực thi, phải đưa ý tưởng vào thực tiễn cuộc sống. Và yếu tố không thể thiếu là lấy con người làm trọng tâm.
Kể chuyện
Tác giả đã dành ra một chương để nói về kỹ thuật kể chuyện, bởi vì theo tác giả: mình tạo được sản phẩm/dịch vụ một chuyện, chuyện còn lại không kém phần quan trọng là truyền đạt thông điệp của những gì mình làm có ý nghĩa đến với khách hàng, cộng đồng. Chính vì thế, ngày từ đầu sách, tác giả đã kể chuyện ngay và luôn. Dù là sách về kinh tế, sáng tạo, cuốn sách vẫn bắt đầu với câu nói quen thuộc: ngày xửa, ngày xưa… Có lẽ, tác giả muốn đề cập đến những câu chuyện cũ xưa trước, rồi tiếp đến là những câu chuyện mới mẻ, hiện đại, sáng tạo… Một kiểu “ôn cựu tri tân” đây mà. Trong cuốn sách này, tác giả đã đưa chúng ta về tận thế kỷ 19, vào những năm 1840. Và từ đây, nhiều câu chuyện ở thời hiện đại được kể ra. Đó là những câu chuyện về: Nintendo, Procter & Gamble, Zyliss, Apple, Acer… Đa dạng lĩnh vực, ngành nghề như là: công nghệ, khách sạn du lịch, tài chính-ngân hàng, phi lợi nhuận… Bên cạnh tác giả chính, sách này còn có đồng tác giả, người hỗ trợ kể chuyện, nhưng câu chuyện vẫn chưa được trau chuốt để lôi cuốn người đọc, không cứu vãn được gì về cách kể chuyện mà chính tác giả rất xem trọng. Câu chuyện chỉ dừng lại ở mức cơ bản, chứ chưa ở tầm nghệ thuật kể chuyện, nên thông điệp truyền đi cũng chưa tốt lắm.
Có thể nói rằng, cuốn sách này mang đến một bữa tiệc của những câu chuyện. Độc giả yếu tim sẽ còn bị rối hơn khi được (hay bị) dẫn dắt từ ngành này sang ngành khác, từ châu Mỹ sang châu Âu, châu Phi rồi đến châu Á với tốc độ nhanh chóng mặt… Nó giống chúng ta đang đi tàu lượn siêu tốc vậy, xong chuyến đi, cảm giác của chúng ta lúc đó là: SỢ HÃI. Câu hỏi đặt ra là tác giả có thật sự “thấu cảm” với độc giả hay không, khi mà chính tác giả nhắc đến thấu cảm rất nhiều lần trong cuốn sách này?
Giá như tác giả thật sự tập trung vào chất lượng của những câu chuyện hơn là số lượng thì người đọc sẽ được chìm đắm trong câu chuyện chứ không chỉ cưỡi ngựa xem hoa, hoặc là phải dừng lại để tra cứu câu chuyện đang đọc ở những tài liệu khác trên internet.
Trực quan hóa
Tác giả cũng nhấn mạnh đến chuyện trực quan hóa, hay chúng ta thường nghe là “show, don’t tell”. Thế nhưng, chỉ có vỏn vẹn 4 hình minh họa trong cuốn sách này, một con số khá khiêm tốn so với những cuốn sách tôi đọc cùng chủ đề. Bản thân tác giả là một designer, việc minh họa cho sách là một điều dễ dàng. Tôi không hiểu sao tác giả lại không minh họa việc trực quan hóa trong chính phần lý thuyết này và ở những câu chuyện mà ông viết ra.
Giá như cuốn sách được minh họa nhiều hơn với các biểu đồ, sơ đồ, hình ảnh… Như thế người đọc sẽ lĩnh hội kiến thức từ sách tốt hơn.
Bù lại, trong những câu chuyện của mình, tác giả lại đưa ra những con số cũng rất ấn tượng, làm cho độc giả phải “wow” lên. Ví dụ như: 2,5 triệu khách hàng tham gia trong năm đầu tiên cho dịch vụ “Keep the Change”, số lượng người hiến máu tăng 25% ở chiến dịch hiến máu của Hội Chữ thập đỏ Mỹ, tạo ra hơn 350 ý tưởng và 60 nguyên mẫu trước khi chọn được sản phẩm phù hợp ở P&G…
Kết luận
Với 1 người đọc sách để ứng dụng, thì quả là rất khó để ứng dụng sách này vào thực tế. Muốn ứng dụng được thì tôi đã phải đọc lại cuốn sách này ít nhất 2 lần, tra cứu kỹ những câu chuyện từ những nguồn thông tin khác nhau. Khi tra cứu kỹ câu chuyện “Keep the Change” của Ngân hàng Mỹ, tôi cảm thấy câu chuyện thực sự thú vị, và tôi cũng đã chia sẻ ở một buổi workshop mà tôi thực hiện ở một ngân hàng nọ.
Nếu phải sao cho cuốn sách này, tôi sẽ chấm 3 sao, vì tôi đã quá kỳ vọng ở tác giả của cuốn sách, 1 người quá nổi tiếng trong lĩnh vực design thinking, số năm thâm niên trong ngành cũng khó ai sánh bằng. Kỳ vọng đó để rồi thất vọng đó. Nếu tôi đặt kỳ vọng là chỉ đọc sách để tìm kiếm thông tin chứ không phải tìm kiếm những câu chuyện sâu sắ thì tô chấm 4 sao cho cuốn sách này. Trên goodreads, cuốn sách nhận được 3.89 sao.
Không biết bạn đã đọc cuốn sách này chưa? Nếu bạn đọc rồi thì nhận xét của bạn về cuốn sách này như thế nào? Tôi review như thế này về cuốn sách thì có quá khắt khe hay không?