WeTransform

Platform Revolution: Quản Trị Tốt

Các tác giả của Platform Revolution đưa ra ba quy tắc cơ bản về quản trị tốt:

  1. Luôn tạo ra giá trị cho người tiêu dùng
  2. Không dùng sức mạnh của mình để thay đổi các quy tắc theo hướng có lợi cho riêng mình
  3. Không lấy nhiều hơn phần lợi nhuận hợp lý của mình

Học giả luật hiến pháp Lawrence Lessig giới thiệu hệ thống kiểm soát quá trình quản trị gồm bốn bộ công cụ: (i) Luật, (ii) Quy tắc, (iii) Kiến trúc, và (iv) Thị trường.

Luật. Có nhiều đạo luật đã được các quốc gia viết ra và thi hành – luật ở đây mang đúng ý nghĩa truyền thống – có thể áp dụng cho các doanh nghiệp nền tảng và những người tham gia vào đó. Đôi khi việc áp dụng các điều luật như vậy rất phức tạp. Ví dụ, những hình phạt hợp pháp thường để giải quyết vấn đề rủi ro theo cách truyền thống. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt này đòi hỏi phải xác định được ai chịu trách nhiệm về các vấn đề phát sinh và ai phải chịu trách nhiệm khi thiết lập các biện pháp, điều này không phải lúc nào cũng đơn giản hay dễ dàng. Trong một nền tảng, “luật là các quy tắc rõ ràng, ví dụ như các điều khoản dịch vụ do luật sư soạn thảo hoặc các quy tắc về hành vi của các bên liên quan được các nhà thiết kế nền tảng soạn thảo ra.” Những luật này giúp tiết chế hành vi ở cả mức độ người dùng và hệ sinh thái. Như thế, nguyên tắc cơ bản là đưa ra phản hồi cởi mở, nhanh chóng khi áp dụng các điều luật thưởng cho hành vi tốt, nhưng chỉ nên phản hồi mơ hồ, chậm trễ khi áp dụng luật trừng phạt với hành vi xấu.

Quy tắc. Một trong những tài sản lớn nhất của bất kỳ nền tảng nào, hay chính xác hơn là bất kỳ nền kinh doanh nào cũng có thể có, chính là một cộng đồng tận tụy. Điều này không phải ngẫu nhiên mà có. Các cộng đồng mạnh được nuôi dưỡng bởi các nhà quản lý nền tảng lão luyện nhằm phát triển các quy tắc, văn hóa và kỳ vọng từ đó tạo ra các nguồn giá trị trường tồn. Ai cũng mong muốn có được những người dùng tham gia định hình hệ thống quản trtrijElinor Ostrom, người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel Kinh tế, đã quan sát thấy rằng, việc tạo dựng và kiểm soát thành công các sản phẩm công cộng dựa vào cộng đồng luôn đi theo một số mô hình thường lệ. Ranh giới được xác định rõ cho phép phác họa ai có quyền và ai không có quyền hưởng lợi ích từ cộng đồng. Những người bị ảnh hưởng bởi các quyết định cho thấy tài nguyên nào mới thích hợp trên nền tảng sẽ nhận ra những kênh có thể sử dụng để gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định. Những người giám sát hành vi của thành viên cộng đồng phải có trách nhiệm với cộng đồng. Các hình phạt nặng dần áp dụng cho những người vi phạm luật lệ của cộng đồng. Các thành viên có quyền truy cập vào hệ thống giải quyết tranh chấp với chi phí thấp. Và khi các nguồn lực cộng đồng phát triển, quản trị nên được cấu trúc theo các cấp độ lồng nhau, các vấn đề đơn giản được kiểm soát bởi các nhóm người dùng địa phương quy mô nhỏ, và các vấn đề mang tính toàn cầu, ngày càng phức tạp hơn sẽ do các nhóm được tổ chức chính thức và lớn hơn quản lý. Các quy định xuất hiện trên các cộng đồng nền tảng thành công thương tuân theo các kiểu mẫu như Ostrom mô tả.

Kiến trúc. Trong thế giới kinh doanh nền tảng, “kiến trúc” cơ bản là nói đến mã lập trình. Hệ thống phần mềm được thiết kế tốt đang tự cải thiện: chúng khuyến khích và khen thưởng cho hành vi tốt, do đó, tạo ra nhiều hành vi tương tự hơn.

Một trong những hình thức sáng tạo nhất về kiểm soát kiến trúc từng được phát minh là blockchain. Blockchain là một sổ cái công khai được phân phối cho phép lưu trữ dữ liệu trong một thùng chứa dữ liệu gắn liền với các thùng chứa dữ liệu khác. Dữ liệu có thể là bất cứ thứ gì: bằng chứng về ngày phát minh của một sáng chế, tiêu đề của một chiếc xe, hoặc đồng tiền kỹ thuật số. Bất kỳ ai cũng có thể xác minh rằng bạn đã đặt dữ liệu vào thùng chứa bởi vì nó có chữ ký công khai của bạn, nhưng chỉ có khóa cá nhân của bạn mới có thể mở nó để xem hoặc chuyển nội dụng. Giống như địa chỉ nhà riêng của bạn, thùng chứa blockchain thuộc về bạn, có tính công khai và có thể xác minh được, nhưng chỉ có những người mà bạn cho phép mới có chìa khóa để truy nhập mà thôi. Giao thức blockchain hiện thực hóa việc quản trị phân quyền. Thông thường, khi bạn ký một hợp đồng, bạn phải tin tưởng vào đối phương, từ đó tuân theo các điều khoản hoặc dựa vào một cơ quan trung ương như nhà nước, hoặc một dịch vụ bảo chứng, để thi hành thỏa thuận. Quyền sở hữu blockchain công cộng cho phép chúng ta soạn thảo các hợp đồng thông minh tự động chuyển nhượng quyền sở hữu khi các điều khoản hợp đồng được kích hoạt. Không bên nào có thể quay lại vì mã lệnh chạy theo kiểu phân quyền công khai không thuộc quyền kiểm soát của bất kỳ bên nào. Nó chỉ đơn giản thực thi lệnh. Những hợp đồng mang tính tự thực thi thông minh này thậm chí có thể trả công cho mọi người theo kết quả công việc của họ, trên thực tế, máy móc thuê con người, chứ không phải ngược lại trong trường hợp này.

Thị trường. Các thị trường có thể quản trị hành vi thông qua việc sử dụng thiết kế cơ chế và các ưu đãi khác nhau, không những là tiền, mà còn có ba yếu tốt động lực của con người có thể được tóm gọn trong niềm vui, danh vọng và tài sản. Trên thực tế, ở nhiều nền tảng, tiền bạc là thứ ít quan trọng hơn rất nhiều so với hình thức giá trị vô hình, hình thức chủ quan của giá trị được gọi là công nhận xã hội. Ý tưởng phía sau sự cộng nhận xã hội là cho đi để nhận lại. Sự công nhận xã hội được đo bằng giá trị kinh tế của một mối quan hệ, bao gồm sự yêu thích và sẻ chia.

Hai nguyên tắc quản trị thông minh dành cho nền tảng: Minh bạch nội bộ & Sự Tham gia

Minh bạch Nội bộ. Trong các công ty nền tảng, cũng như trong hầu hết các tổ chức, các bộ phận hoặc phòng ban có xu hướng “tách biệt” nhau, nhằm phát triển các quan điểm, ngôn ngữ, hệ thống, quy trình và công cụ riêng biệt, gây khó hiểu với người bên ngoài, hay thậm chí là những người ở bộ phận khác của cùng một công ty. Điều này khiến cho việc giải quyết các vấn đề phức tạp, có quy mô lớn, liên quan tới hai bộ phận trở nên rất khó khăn, vì các thành viên của các nhóm không có cùng tiếng nói và bộ công cụ chung. Nó cũng gây khó khăn cho những người ngoài, bao gồm cả những người sử dụng và các nhà phát triển khi muốn làm việc hiệu quả với đội ngũ quản lý của nền tảng. Để tránh kiểu rồi loạn chức năng này, các nhà quản lý nền tảng cần cố gắng đưa cho tất cả các bộ phận một cái nhìn rõ ràng về toàn bộ nền tảng. Sự minh bạch đó sẽ giúp thúc đẩy tính nhất quán, giúp mọi người phát triển và sử dụng các nguồn lực quan trọng và tạo điều kiện tăng trưởng quy mô.

Sự tham gia. Điều cốt yếu với các nhà quản lý nền tảng là đề cao tiếng nói của các đối tác bên ngoài và các bên có liên quan trong các quá trình ra quyết định nội bộ ngang hàng với các bên liên quan bên trong. Nếu không, các quyết định được đưa ra chắc chắn có xu hướng ủng hộ cho chính nền tảng này, cuối cùng điều này sẽ khiến các đối tác bên ngoài không hài lòng và khiến họ từ bỏ nền tảng.

Quản trị công bằng và chính đáng có thể tạo ra sự thịnh vượng.

Sự công bằng giúp kiếm ra tiền theo hai cách. Thứ nhất, nếu bạn đối xử công bằng với mọi người, họ có thể sẽ chia sẻ những ý tưởng của họ. Có nhiều ý tưởng sẽ tạo ra nhiều cơ hội hòa trộn, kết nối và tạo thành những cải tiến mới. Thứ hai, Marshall Van Alstyne đã chính thức chỉ ra rằng, quản trị công bằng dẫn dắt người tham gia thị trường phân bổ các nguồn lực của họ một cách khôn ngoan và hiệu quả hơn.

Lưu ý rằng, sự không công bằng không phải luôn luôn tạo ra sự thịnh vượng hay sự thịnh vượng không bao giờ có thể được tạo ra mà không có công bằng. Apple và Facebook, cùng nhiều công ty khác, ở nhiều thời điểm, đã đối xử tệ với cộng đồng của họ tuy nhiên vẫn phát đạt về tài chính. Nhưng về lâu dài, việc thiết kế đảm bảo sự công bằng của người tham gia vào quá trình quản trị hệ sinh thái sẽ thúc đẩy người dùng tạo ra nhiều sự giàu có hơn, nếu các quy tắc cho phép một chủ sở hữu nền tảng có khả năng tự ý đưa ra các quyết định mà không phải chịu trách nhiệm giải trình. Nhiều nhà quản lý nền tảng chọn những nguyên tắc quản trị có lợi cho mình hơn người dùng của họ. Tuy nhiên, những nền tảng nào tôn trọng người dùng nhiều hơn có thể mong đợi nhiều thứ hơn từ người dùng của họ, với những lợi ích cuối cùng dành cho tất cả.

Quản trị sẽ không hoàn hảo mãi. Dù các quy tắc có như thế nào đi nữa thì các đối tác cũng sẽ tìm ra những hình thức mới có lợi thế cho mình. Sẽ luôn có thông tin bất đối xứng và các tác động bên ngoài. Các tương tác qua lại dẫn đến những rắc rối và từ đó dẫn đến sự can thiệp, để rồi lại dẫn đến những rắc rối mới. Thật vậy, nếu quản trị tốt cho phép các bên thứ ba đổi mới, thì khi họ tạo ra các nguồn giá trị mới, đồng thời cũng sẽ tạo ra những cuộc đấu tranh mới để kiểm soát giá trị đó.

Khi những xung đột như thế nổi lên, các quyết định quản trị nên nghiêng về phía các nguồn giá trị mới lớn nhất hoặc theo hướng thị trường được dẫn dắt, chứ không phải theo hướng nó đã từng đi. Những công ty chọn lựa chỉ bảo vệ thứ tài sản già cỗi của họ, như Microsoft đã làm, sẽ bị trì trệ. Do đó, cơ chế quản trị phải có khả năng tự phục hồi và thúc đẩy sự phát triển. Quản trị tinh vi đạt hiệu quả ở mức “thiết kế để tự thiết kế,” tức khuyến khích các thành viên của nền tảng hợp tác tự do và mạnh dạn thử nghiệm để cập nhật các quy tắc cần thiết.

Quản trị không nên tĩnh. Khi có dấu hiệu sẽ sớm có sự thay đổi, chẳng hạn như hành vi mới của người dùng nền tảng, các cuộc xung đột ngoài dự kiến giữa họ, hay sự xâm lấn thị trường từ những đối thủ mới, thông tin về sự thay đổi cần được lan truyền cho toàn tổ chức một cách nhanh chóng, khuyến khích các cuộc trò chuyện sáng tạo về việc hệ thống quản trị cần có khả năng phản hồi như thế nào.

Không quan trọng nền tảng của bạn đang thuộc loại kinh doanh hay hệ sinh thái xã hội nào, nó sẽ luôn bao gồm cả những phần chuyển động nhanh và những phần chuyển động chậm. Hệ thống quản trị thông minh phải đủ linh hoạt để đáp ứng cả hai.

Nguồn: https://vebimo.wordpress.com/2018/05/30/platform-revolution-quan-tri-tot/

Exit mobile version