WeTransform

Platform Revolution: Độ Mở Của Nền Tảng

Độ mở của nền tảng quyết định không chỉ phương thức quản trị, điều hành mà còn cả mô hinh kinh doanh của nền tảng. Không có một câu trả lời xác quyết về độ mở thế nào là đúng nhất hay hợp lý nhất. Độ mở của nền tảng được quyết định bởi (i) Sự tham gia của người phát triển và (ii) Sự tham gia của người dùng. (Platform Revolution, Chapter 7)

(i) Sự tham gia của người phát triển
Việc thiết kế và xây dựng một nền tảng bắt đầu từ tương tác cốt lõi. Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều nền tảng mở rộng các loại tương tác khác tạo ra giá trị gia tăng cho người sử dụng và thu hút thêm những người tham gia khác. Những tương tác mới này do những người phát triển tạo ra – những người được cấp quyền tiếp cận với nền tảng và cơ sở hạ tầng của nó dù nhiều hay ít. Có ba dạng người phát triển: Người phát triển chủ chốt, người phát triển mở rộng, và người tập hợp dữ liệu.

1- Người phát triển chủ chốt tạo ra những chức năng nền tảng cốt lõi giúp cung cấp giá trị cho những người tham gia nền tảng. Những người phát triển này thường là nhân viên chính thức của công ty quản lý nền tảng. Công việc chính của họ là giúp nền tảng đến được tay người dùng và phân phối giá trị thông qua các công cụ và nguyên tắc giúp cho các tương tác cốt lõi trở nên dễ dàng và cùng thỏa mãn.

Những người phát triển chủ chốt chịu trách nhiệm đối với các chức năng cơ bản của nền tảng.

2- Người phát triển mở rộng có nhiệm vụ bổ sung các chức năng và giá trị cho nền tảng cũng như nâng cao các chức năng của nó. Họ thường là những đối tác bên ngoài, không phải là nhân viên của công ty quản lý nền tảng, họ luôn tìm cách để khai thác phần giá trị họ tạo ra và từ đó có được lợi nhuận từ những tiện ích họ cung cấp.

Những nền tảng lựa chọn mở rộng cửa đón chào những người phát triển mở rộng thường tạo ra một giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface, API). Đây là một trong những cách người quản lý nền tảng có thể dùng để quản lý truy cập mở tới hệ thống của nó. API là một bộ tiêu chuẩn các thủ tục, giao thức và các công cụ để xây dựng các ứng dụng phần mềm giúp các lập trình viên bên ngoài dễ dàng viết ra những mã lệnh có thể kết nối liên tục với cơ sở hạ tầng của nền tảng.

Một số công ty dựng lên các rào cản đối với người phát triển mở rộng không chỉ để bảo vệ chất lượng nội dung của nền tảng mà còn là để nỗ lực giữ kiểm soát dòng doanh thu mà nền tảng tạo ra.

3- Người tập hợp dữ liệu nâng cao chức năng kết nối của nền tảng bằng cách bổ sung dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Dưới sự cấp phép của các nhà quản trị nền tảng, họ “tập hợp” dữ liệu về người dùng nền tảng và những tương tác họ tham gia, rồi bán lại cho các công ty khác nhằm đạt được những mục đích khác, ví dụ như quảng cáo. Nền tảng có nguồn dữ liệu được tập hợp sẽ chia sẻ một phần lợi nhuận thu được từ đây.

Khi các dịch vụ được cung cấp bởi những người tập hợp dữ liệu có thiết kế tốt, họ có thể tạo ra sự kết hợp giữa người dùng của nền tảng với người sản xuất, những người có sản phẩm và dịch vụ thu hút, mang lại giá trị tiềm ẩn cho họ.

Với những người phát triển, câu hỏi đặt ra là: Khi nào thì sức mạnh của những người phát triển bên ngoài sẽ đe dọa đến các công ty nền tảng? Và nếu điều đó xảy ra, các nhà quản lý nền tảng nên đối phó như thế nào? Câu trả lời phụ thuộc vào lượng giá trị mà một ứng dụng mở rộng cụ thể tạo ra. Nếu bạn là một nhà quản lý nền tảng, bạn sẽ không muốn để cho các tổ chức bên ngoài kiểm soát phần lớn lượng giá trị người dùng của nền tảng. Nếu có, bạn cần phải tiến hành giành lấy ngay quyền kiểm soát ứng dụng tạo giá trị, thông thường bằng cách mua lại ứng dụng hoặc công ty tạo ra nó. Mặt khác, khi một ứng dụng mở rộng bổ sung một lượng khiêm tốn giá trị gia tăng thì những người phát triển bên ngoài sẽ trở nên hoàn toàn an toàn và việc để cho người phát triển bên ngoài duy trì quyền kiểm soát ứng dụng đó thường mang lại nhiều hiệu quả tốt.

Có hai nguyên tắc mà những người quản lý nền tảng nên cân nhắc khi xem xét một ứng dụng mở rộng có đủ khả năng đe dọa sức mạnh kinh tế của họ hay không. Đầu tiên, nếu một ứng dụng cụ thể nào đó có tiềm năng trở thành một nền tảng mạnh, nhà quản lý nền tảng nên tìm cách sở hữu nó hoặc thay thế nó bởi một ứng dụng nằm trong quyền kiểm soát của nền tảng. Thứ hai, nếu như một tính năng cụ thể được đổi mới bởi những người phát triển mở rộng và nhanh chóng lan truyền bởi người dùng nền tảng thì người quản lý nền tảng nên mua lại chức năng này và đưa nó vào sử dụng thông qua một API mở.

(ii) Sự tham gia của người dùng
Nhà quản lý nền tảng cần kiểm soát sự tham gia của người dùng – cụ thể là độ mở của nhà sản xuất, tức quyền tự do bổ sung nội dụng cho nền tảng. Nên nhớ rằng, nhiều nền tảng được thiết kế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi vai trò, cho phép người dùng trở thành người sản xuất, và ngược lại. Vì thế, chính những người dùng cá nhân tiêu thụ các đơn vị giá trị của nền tảng cũng có thể tạo ra các đơn vị giá trị cho người khác tiêu thụ.

Mục tiêu của nền tảng trong việc mở ra cho những người dùng này là để tạo điều kiện sáng tạo và cung cấp càng nhiều nội dung chất lượng cao càng tốt. Đương nhiên, quy định này – tức mục tiêu phải phát triển nội dung chất lượng cao này – là lý do khiến hầu hết các nền tảng từ chối mở tuyệt đối nhằm quản lý sự tham gia của người dùng.

Sự quản lý có thể được thực hiện thông qua người gác cổng hay người kiểm duyệt – những người kiểm tra người dùng, chỉnh sửa nội dung, và đưa ra những phản hồi có tác dụng nâng cao chất lượng. Những nền tảng truyền thông như blog hay tạp chí trực tuyến thường sử dụng loại hệ thống này. Tuy nhiên, việc sử dụng người kiểm duyệt có chuyên môn tốn nhiều thời gian và chi phí của các công ty nền tảng. Một hệ thống tốt hơn, mặc dù có thể khó thiết kế và thực hiện hơn – sẽ dựa vào chính người dùng để quản lý nền tảng, thường dùng các công cụ phần mềm để thu thập và tổng hợp phản hồi nhanh chóng, rồi mới đưa ra các quyết định quản lý.

Không có hệ thống quản lý nào là không thể đánh lừa. Đó là khi các công cụ quản lý đưa ra quyết định sai lầm về độ mở của nền tảng, khiến những công kích tiềm ẩn hay thậm chí các nội dung nguy hiểm có thể bị bỏ qua. Khi các công cụ quá hạn chế, những người dùng có giá trị và nội dung thích hợp có thể bị lọc bỏ hay bị cảnh cáo – chẳng hạn khi các thuật toán mạng xã hội có ý định loại bỏ hình ảnh khiêu dâm trên các nguồn tài liệu giáo dục có chủ đề nhận thức về ung thư vú. Những người quản lý nền tảng cần hy sinh một khoảng thời gian và nguồn lực đáng kể – bao gồm trực tiếp kiểm tra và tự mình đánh giá – để tiếp tục kiểm soát ranh giới giữa mở và đóng của nền tảng, đồng thời đảm bảo cho chúng được thiết lập một cách thích hợp.

Nguồn: https://vebimo.wordpress.com/2018/05/01/platform-revolution-do-mo-cua-nen-tang/

Exit mobile version