Design Thinking: Dạy và học ở các trường học tại Việt Nam

Từ khi bắt đầu tham gia đào tạo Design Thinking, tôi tập trung triển khai tại các doanh nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Tuy nhiên, tôi dần nhận ra rằng phong trào học tập Design Thinking tại các trường học cũng đang ngày càng sôi nổi. Điều này cho thấy một xu hướng tích cực trong giáo dục, khi các nhà trường và giảng viên bắt đầu nhìn nhận Design Thinking như một phương pháp học tập và giảng dạy quan trọng.

1. Cấp đại học: Từ môn học tự chọn đến môn bắt buộc

Trước đây, sinh viên chủ yếu tiếp cận Design Thinking thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, hackathon hoặc các workshop ngắn do trường đại học, khoa hoặc các tổ chức sinh viên tổ chức. Các buổi học này thường kéo dài trong một ngày hoặc thậm chí chỉ vài giờ, đóng vai trò hỗ trợ chứ chưa phải là một phần bắt buộc trong chương trình học.

Tuy nhiên, những năm gần đây, một số trường đại học tại Việt Nam đã chính thức đưa Design Thinking vào chương trình giảng dạy như một môn học chính thức. Điển hình như:

  • Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH): Từ năm 2023, UEH đã đưa Design Thinking thành môn học bắt buộc cho sinh viên năm nhất ngành Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là một tín hiệu tích cực cho khối trường công lập khi bắt đầu chú trọng hơn vào tư duy sáng tạo và đổi mới.
  • Các trường đại học tư thục và quốc tế: Những trường như Fulbright Việt Nam, VinUni đã giảng dạy Design Thinking từ những ngày đầu thành lập. Các môn học tại đây không chỉ giới thiệu lý thuyết mà còn yêu cầu sinh viên áp dụng vào các dự án thực tế, giúp phát triển tư duy sáng tạo, tư duy hệ thống, tư duy phát triển sản phẩm, kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp… Trường trang bị các phòng Lab như design thinking lab, makerspace để sinh viên thực hành, chế tác, tạo ra những sản phẩm mẫu cho dự án của mình. Nhiều hoạt động thực tiễn được tổ chức như: fiel trip, hackathon, giao lưu với các trường nước ngoài…

Bên cạnh đó, một số trường đại học khác cũng đang dần thử nghiệm việc lồng ghép Design Thinking vào các môn học khác nhau như Kinh doanh, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, và Khoa học xã hội. Điều này giúp sinh viên có cơ hội áp dụng tư duy thiết kế vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống và công việc sau này.

2. Cấp phổ thông: Tích hợp vào STEM và học tập qua dự án

Không chỉ dừng lại ở bậc đại học, một số trường phổ thông cũng đã bắt đầu đưa Design Thinking vào chương trình giảng dạy dưới nhiều hình thức khác nhau.

  • Trường Đinh Thiện Lý: Từ năm học 2022-2023, học sinh của trường đã được tiếp cận Design Thinking thông qua môn Công nghệ Công nghiệp. Tôi từng có cơ hội quan sát các sản phẩm cuối khóa của các em – những board game sáng tạo được thiết kế dựa trên sự thấu hiểu về nhu cầu và sở thích của người chơi. Điều này cho thấy khả năng ứng dụng tư duy thiết kế vào thực tế của học sinh ngay từ bậc phổ thông.
  • Một số trường quốc tế và trường tư thục: Các trường như Vinschool, British International School (BIS), International School Ho Chi Minh City (ISHCMC) đã lồng ghép Design Thinking vào các môn học STEM, Kinh doanh, hoặc các dự án liên môn. Phương pháp learning by doing (học thông qua làm) giúp học sinh không chỉ hiểu lý thuyết mà còn rèn luyện tư duy phản biện và khả năng làm việc nhóm.

Ở các trường công lập, dù chưa có chương trình chính thức, nhưng một số giáo viên đã chủ động áp dụng Design Thinking vào giảng dạy. Họ sử dụng phương pháp này để hướng dẫn học sinh đặt câu hỏi, đồng cảm với vấn đề của cộng đồng và tìm ra các giải pháp sáng tạo.

3. Những thách thức khi triển khai Design Thinking trong giáo dục

Dù có nhiều tín hiệu tích cực, việc triển khai Design Thinking ở các trường học vẫn gặp một số rào cản:

  • Thiếu giáo viên có chuyên môn sâu về Design Thinking: Hầu hết giáo viên chưa được đào tạo bài bản về phương pháp này, khiến việc triển khai đôi khi vẫn thiên về lý thuyết hơn là thực hành.
  • Hạn chế về thời gian và khung chương trình: Chương trình học hiện nay vẫn còn nặng về thi cử, khiến các trường khó tích hợp Design Thinking một cách bài bản và dài hạn.
  • Tâm lý e ngại thay đổi: Một số giáo viên và phụ huynh còn quen với phương pháp giảng dạy truyền thống, nên chưa thực sự cởi mở với những cách tiếp cận mới như Design Thinking.

4. Hướng đi tương lai cho Design Thinking trong giáo dục

Để Design Thinking có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong môi trường giáo dục Việt Nam, một số giải pháp có thể được thực hiện:

  • Đào tạo giáo viên: Các trường có thể tổ chức các khóa tập huấn giúp giáo viên nắm vững phương pháp này và biết cách áp dụng vào các môn học.
  • Tích hợp vào các dự án liên môn: Thay vì chỉ dạy riêng lẻ, Design Thinking có thể được kết hợp với các môn STEM, nghiên cứu khoa học, hoặc các chương trình hướng nghiệp để tăng tính ứng dụng.
  • Hợp tác với doanh nghiệp và trung tâm đổi mới sáng tạo: Các trường có thể hợp tác với doanh nghiệp để tổ chức các cuộc thi, hackathon giúp học sinh và sinh viên có cơ hội áp dụng tư duy thiết kế vào thực tế.
  • Thay đổi tư duy trong giáo dục: Cần có sự thay đổi từ chính sách giáo dục, giúp giảm bớt áp lực thi cử và khuyến khích phương pháp giảng dạy sáng tạo hơn.

Kết luận

Sự phát triển của Design Thinking trong giáo dục không chỉ giúp học sinh và sinh viên rèn luyện tư duy sáng tạo, mà còn chuẩn bị cho họ những kỹ năng quan trọng như giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và làm việc nhóm – những yếu tố cốt lõi trong một thế giới đầy biến động. Dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự quan tâm ngày càng lớn từ các trường học, giáo viên và doanh nghiệp, Design Thinking chắc chắn sẽ trở thành một phần quan trọng của giáo dục Việt Nam trong tương lai.

Leave a Reply