Phá vỡ những lầm tưởng về design thinking để tận dụng công cụ sáng tạo này

Design thinking (tư duy thiết kế), một phương pháp tiếp cận sáng tạo để giải quyết vấn đề, đã trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lầm tưởng về phương pháp này, từ đó cản trở chúng ta trong việc tiếp cận và ứng dụng hiệu quả trong công việc. Dưới đây là một số lầm tưởng phổ biến và cùng với đó là những sự thật mà bạn có thể dựa vào đó để phá vỡ những lầm tưởng này.

1. Design Thinking chỉ dành cho dân thiết kế

Lầm tưởng: Nhiều người nghĩ rằng Design Thinking chỉ phù hợp với những người làm trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm hoặc UX/UI.

Thực tế: Design Thinking có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh doanh, giáo dục, y tế cho đến quản lý, phát triển sản phẩm… Đây là một phương pháp tiếp cận tập trung vào con người, giúp giải quyết các vấn đề phức tạp và tạo ra các giải pháp đổi mới sáng tạo, ở bất kỳ lĩnh vực hay ngành nghề nào. Ở Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp ngoài lĩnh vực thiết kế đã ứng dụng design thinking như: ngân hàng ACB, trường đại học Fulbright Việt Nam, Heineken Việt Nam…

2. Design thinking chỉ là một cuộc họp ý tưởng/brainstorming:

Lầm tưởng: Nhiều người nghĩ rằng design thinking chỉ là một buổi họp để mọi người đưa ra ý tưởng một cách ngẫu nhiên.

Thực tế: Design thinking là một quá trình có cấu trúc bao gồm nhiều giai đoạn, từ việc thấu cảm với người dùng, xác định vấn đề, đến việc tạo ra nguyên mẫu và thử nghiệm. Và còn có thể lặp đi lặp lại quá trình này nhiều lần. Vì thế, những cuộc họp lên ý tưởng chỉ là một phần trong quá trình ứng dụng design thinking vào doanh nghiệp. Không chỉ dừng lại ở ý tưởng, chúng ta còn biến ý tưởng thành sản phẩm/dịch vụ cụ thể thông qua các prototype, MVP trong quá trình ứng dụng design thinking.

3. Design Thinking tốn kém và mất thời gian

Lầm tưởng: Có nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng Design Thinking sẽ mất nhiều thời gian và chi phí.

Thực tế: Tuy việc áp dụng Design Thinking cần sự đầu tư ban đầu về thời gian và nguồn lực để thấu hiểu vấn đề (khách hàng/người dùng) và thử nghiệm ý tưởng, nhưng nó lại giúp tiết kiệm thời gian và chi phí về lâu dài. Bằng cách hiểu rõ người dùng và thử nghiệm nhanh các nguyên mẫu, doanh nghiệp có thể tránh được các sai lầm tốn kém khi tung ra sản phẩm hoặc dịch vụ chưa phù hợp về sau. Vì thế, đây là một khoản đầu tư hợp lý khi ứng dụng design thinking.

4. Design Thinking sẽ ngay lập tức giải quyết mọi vấn đề

Lầm tưởng: Một số người nghĩ rằng Design Thinking là giải pháp “mì ăn liền” cho mọi loại vấn đề.

Thực tế: Design Thinking không phải là công cụ “kỳ diệu” giúp giải quyết tức thì mọi vấn đề. Nó đòi hỏi sự kiên trì và thử nghiệm nhiều lần, thực hiện phép lặp nhiều lần với quy trình 5 bước của design thinking. Hơn nữa, việc áp dụng thành công Design Thinking phụ thuộc vào văn hóa tổ chức và khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thất bại.

5. Cần phải có một đội ngũ chuyên gia để áp dụng Design Thinking

Lầm tưởng: Một số người cho rằng chỉ có chuyên gia hoặc những người đã qua đào tạo chuyên sâu mới có thể áp dụng phương pháp này.

Thực tế: Mọi người trong tổ chức đều có thể học và áp dụng các nguyên tắc của Design Thinking. Quan trọng là xây dựng tư duy cởi mở, sẵn sàng thấu hiểu và thấu cảm với người dùng/khách hàng, cũng như khả năng làm việc, cộng tác đa chức năng giữa các phòng ban. Ban đầu, tổ chức có thể cần đến những người trainer, người điều phối các hoạt động, workshop về design thinking từ bên ngoài tổ chức để đẩy nhanh tốc độ học tập và áp dụng design thinking trong doanh nghiệp.

Để vượt qua những rào cản này và thúc đẩy việc áp dụng design thinking trong doanh nghiệp, chúng ta cần:

Tổ chức các buổi đào tạo: Giúp mọi người trong tổ chức/doanh nghiệp hiểu rõ về design thinking và cách áp dụng nó vào công việc cụ thể. Học từ các case study.

Tạo một văn hóa sáng tạo: Khuyến khích nhân viên đưa ra ý tưởng mới và không sợ thất bại, dám thử nghiệm ý tưởng mới, ưu tiên những ý tưởng có lấy người dùng làm trung tâm.

Áp dụng design thinking vào các dự án thực tế: Đưa ra các dự án nhỏ để mọi người có cơ hội trải nghiệm và thấy được giá trị của phương pháp này. Từ đó nhân rộng ra các dự án lớn hơn, các đội ngũ lớn hơn.

Đo lường kết quả: Theo dõi và đánh giá hiệu quả của việc áp dụng design thinking để chứng minh giá trị của nó.

Leave a Reply