WeTransform

Case study về ứng dụng Design Thinking: Dự án túi sưởi ấm Embrace

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang ở một ngôi làng xa xôi hẻo lánh ở đất nước Nepal. Thời tiết đang độ mùa đông và mưa tuyết làm đóng băng gây ảnh hưởng, trì trệ hoạt động giao thông của các tuyến đường gần đó. Bạn lại vừa sinh bé gái đầu lòng, đứa bé sinh thiếu tháng và đang trong tình trạng thiếu cân nghiêm trọng. Đối với bạn, căn phòng có vẻ ấm áp nhưng đối với đứa trẻ thì nó lạnh lẽo chẳng khác gì một bồn nước đá. Nếu không có giải pháp kịp thời thì đứa bé khó mà chống chọi nổi với thời tiết này vì bị hạ thân nhiệt. Bạn phải làm gì lúc này đây?

Hằng năm, trên thế giới có khoảng 15 triệu trẻ sinh non và bị hạ thân nhiệt, đó chính là nguyên nhân phổ biến nhất mà chúng ta có thể phòng ngừa để tránh tối đa tỷ lệ tử vong của những đứa trẻ này. Là những nhà thiết kế, chúng ta giải quyết vấn đề của người khác, và giải quyết vấn đề tử vong ở trẻ sơ sinh do hạ thân nhiệt có vẻ như là một thách thức đáng giá mà các nhà thiết kế chúng ta cần trải nghiệm. Đây chính là dự án kết thúc khóa học có tên Design for Extreme Affordability (được biết đến với tên gọi “Extreme”) của d.school thuộc trường đại học Stanford.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một giải pháp mang tính đổi mới sáng tạo – nhưng họ sẽ không bao giờ hiện thực hóa giải pháp của mình nếu họ cứ mãi quẩn quanh trong khuôn viên trường đại học Stanford. Họ cần tìm sự thấu cảm để nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng dưới góc độ của nhân viên bệnh viện, bác sỹ và quan trọng nhất là cha mẹ của những đứa trẻ đang gặp nguy hiểm.

Ban đầu, nhóm thiết kế nghĩ rằng việc thiết kế lại các lồng ấp trẻ sơ sinh hiện có của bệnh viện là công việc đơn giản hơn và tiết kiệm chi phí sẽ trở thành giải pháp dễ dàng nhất. Nhưng khi thành viên nhóm Linus Liang đi tham quan một bệnh viện ở Nepal, anh ấy nhận thấy một điều kỳ lạ là những chiếc lồng ấp ở đây đều trống rỗng. Sau khi phỏng vấn một bác sỹ về vấn đề này, anh ta đã biết được một điều rằng nhiều gia đình nơi các em bé được sinh ra đều ở nông thôn xa xôi, cách bệnh viện khoảng 30 dặm hoặc xa hơn. Các bậc cha mẹ phải đối mặt với việc đấu tranh cho tính mạng của đứa trẻ sơ sinh ở nhà, không có điều kiện đưa chúng đến bệnh viện.

Nhóm Extreme đã bám vào hiểu biết sâu sắc (insight) này để đưa ra hướng giải quyết cho sản phẩm. Thay vì tập trung vào việc tạo ra một chiếc lồng ấp rẻ hơn theo ý tưởng ban đầu nhưng không mang lại hiệu quả với các điều kiện thực tế, họ quyết định thiết kế một thứ gì đó để hỗ trợ các bé sơ sinh ngay tại nhà: một chiếc lồng ấp di động, giống như một chiếc túi ngủ nhỏ được sưởi ấm, họ đặt tên là Embrace (Ôm ấp).

“Thấu cảm chính là trọng tâm của thiết kế. Không có sự thấu hiểu về những gì người khác nhìn thấy, cảm nhận và trải nghiệm, thì thiết kế cũng chỉ là một việc làm vô nghĩa.”

Tim Brown, CEO của IDEO

Khi tạo nguyên mẫu thiết kế chiếc túi sưởi ấm Embrace, các thành viên đã trò chuyện với rất nhiều bà mẹ, nhân viên chăm sóc sức khỏe và cả những chủ cửa hàng bán sản phẩm này để tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất. Việc đưa ra các mẫu thiết kế đã giúp họ tìm được những rào cản khi áp dụng Embrace:

  • Tại một ngôi làng ở Ấn Độ, một người mẹ giải thích rằng họ tin là thuốc Tây có liều lượng rất mạnh, vì vậy dân làng thường giảm một nửa liều lượng. Nên đối với nhiệt độ của túi sưởi ấm Embrace cũng vậy, bà mẹ này chỉ ra rằng những bà mẹ khác cũng sẽ chỉ làm nóng nó đến một nửa nhiệt độ lý tưởng mà thôi. Thông tin này đã khiến nhóm nghiên cứu chỉnh lại thiết kế, loại bỏ dải nhiệt độ và thay đổi thiết kế để hiển thị chỉ báo “OK”.
  • Nhóm nghiên cứu cũng biết được rằng ở nhiều cộng đồng, điện sinh hoạt là một thứ gì đó vô cùng xa xỉ. Vì thế nên họ đã thiết kế thêm một dạng túi sưởi khác hoạt động bằng nhiệt lượng của nước nóng.

Túi sưởi ấm sơ sinh Embrace

Với những insight này, nhóm nghiên cứu đã có thể tạo ra sản phẩm túi sưởi ấm phù hợp với từng khu vực. Họ đã thành lập công ty để kinh doanh sản phẩm này, phát triển lên đến 90 nhân viên và đã giúp đỡ cho hơn 3.000 đứa trẻ sơ sinh.

Bằng sách sử dụng sự thấu cảm và tập trung vào con người, những cá thể sử dụng sản phẩm, nhóm nghiên cứu đến từ trường đại học Standford đã thật sự hoàn thành một hành trình trải nghiệm để khám phá ra các cảm giác và thử thách của người dùng nhằm tạo ra một sản phẩm cứu sống hàng nghìn đứa trẻ.

Exit mobile version