INBOUND MARKETING: ĐẤNG CỨU THẾ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ

Đọc bài của Group cũng đã nhiều, và được anh Nguyễn Thăng Long khuyến khích, hôm nay em xin đóng góp cho Group một cái nhìn tổng quan về Inbound Marketing. Thuật ngữ này được Brian Halligan khởi xướng từ năm 2005, và cũng được gọi là Permission Marketing (Tiếp Thị Cho Phép).

OUTBOUND MARKETING LÀ GÌ?

Để hiểu về Inbound Marketing, trước tiên chúng ta nên nhắc lại một số hoạt động Marketing mà từ trước đến nay chúng ta vẫn thực hiện: hội chợ, hội nghị khách hàng, gửi email hoặc SMS hàng loạt, gọi điện bán hàng, và quảng cáo. Trong những hoạt động này, doanh nghiệp cố gắng truyền đi thông điệp đến khách hàng tiềm năng bất chấp khách hàng có muốn hay không.

Nếu khách hàng tiếp nhận thông điệp và phản ứng theo cách chúng ta muốn, xem như thông điệp thành công và chiến dịch thành công. Các marketer truyền thông điệp đến khách hàng một cách chủ động và hy vọng nhận được phản ứng tích cực. Phương thức marketing này được gọi là Outbound Marketing.

Mọi việc vẫn suôn sẻ, cho đến khi 2 sự kiện xảy ra:

1. Các công nghệ lọc bỏ quảng cáo, thư rác, cuộc gọi lạ được phát triển. Theo pagefair.com, ít nhất 419 triệu người dùng cài đặt phần mềm chặn quảng cáo trên smartphone của họ. Các hộp thư email cũng đã có khả năng chặn email rác với hiệu quả rất cao. Các cuộc gọi lạ, tin nhắn rác trên smartphone bây giờ cũng có thể được chặn đứng chỉ bằng App. Như vậy, thông điệp quảng cáo của doanh nghiệp có nguy cơ không tìm đến được một số lượng lớn khách hàng tiềm năng.

2. Google và mạng xã hội đã trở nên phổ biến: Ngày nay, người dùng sẽ ngồi ở nhà tìm kiếm sản phẩm dịch vụ bằng cách dùng Google, đọc các blog, hoặc lướt các mạng xã hội. Họ không còn muốn tốn thời gian và chi phí để đi dự hội chợ và hội thảo khi thứ họ cần chỉ cách vài cú click chuột hoặc vài cú chạm màn hình.

VẬY INBOUND MARKETING LÀ GÌ?

Trong hoàn cảnh đó, Inbound Marketing được áp dụng rộng rãi. Nó được vận hành theo cách trái ngược với Outbound Marketing: doanh nghiệp sẽ được khách hàng “tìm thấy” một cách bị động.

Trong đó, marketer sẽ tạo ra một trang Web và nỗ lực làm cho nó trở thành “hub” thông tin dẫn đầu trong ngành hoặc lĩnh vực của mình. Các bộ máy tìm kiếm và các mạng xã hội sẽ trở thành “chân rết” để giúp Website của họ thu hút được người dùng.

Chìa khóa để Inbound Marketing có thể thành công chính là nội dung. Khi marketer tạo được một trang Web có nội dung chất lượng cao và thu hút được người dùng, doanh nghiệp nắm chắc cơ hội được người dùng và khách hàng tiềm năng thường xuyên ghé thăm và mua hàng.

Trong Inbound Marketing, doanh nghiệp:
– Chỉ gửi email khi được khách hàng cho phép
– Không gọi điện telesales
– Không gửi tin nhắn rác
– Và luôn có mặt khi khách hàng liên hệ.

Website và các mạng xã hội của doanh nghiệp Inbound cũng có khả năng thu thập các Analytics (dữ liệu phân tích) để biết người dùng đến từ đâu, xem nội dung gì, click vào link nào,… Đồng thời Website cũng phải có chức năng chat trực tuyến, hoặc cho phép người dùng để lại tin nhắn khi cần. Hệ thống tổng đài cũng cần xác định được khách hàng khi họ gọi điện đến.

VÌ SAO INBOUND MARKETING QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ?

Bởi 2 lý do chính:

– Ở các kênh marketing truyền thống, các doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính dồi dào, danh sách khách hàng đa dạng, các mối quan hệ phong phú, đội ngũ nhân lực hùng hậu sẽ đè bẹp doanh nghiệp nhỏ, bất luận như thế nào. Các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ ngập tràn thông điệp của các ông lớn.

– Inbound Marketing vận hành trên nền của Internet, một môi trường công bằng hơn cho tất cả những người tham gia. Do đó doanh nghiệp không tốn quá nhiều chi phí để bắt đầu. Thực tế là họ chỉ cần xây dựng một Website mạnh mẽ, đầu tư tạo ra chiến lược nội dung thu hút, xây dựng các mạng xã hội và nỗ lực làm cho khách hàng tiềm năng “tìm thấy” nội dung của mình.

VÌ SAO NỘI DUNG ĐÓNG VAI TRÒ CHỦ ĐẠO TRONG INBOUND MARKETING?

Nội dung được mệnh danh là ông vua trên mạng, vì chúng có khả năng thu hút và “chạm” đến người dùng.

Nếu nhớ lại, chúng ta biết rằng anh chàng Pewdiedie đã tạo ra doanh thu hàng chục triệu đô la hàng năm từ Youtube chỉ bằng cách review các tựa game.

Gary Vaynerchuk, tác giả quyển Crush It (Đam Mê Khám Phá – NXB LĐXH & Alphabooks), vốn có đam mê về rượu, đã dùng sở thích này để phát triển cơ ngơi kinh doanh rượu của gia đình từ 4 triệu lên 60 triệu đô la trong vòng 5 năm. Bí quyết của Gary là biến sở thích của mình trở thành đam mê và dùng mạng xã hội để lan tỏa thương hiệu cá nhân rộng khắp đến khách hàng tiềm năng.

Và hàng trăm, hàng ngàn blogger về du lịch, ẩm thực, thời trang trên thế giới cũng đã gây dựng cơ ngơi thành công nhờ nội dung.

TUY NHIÊN, NỘI DUNG SẼ KHÔNG LÀ VUA NẾU THIẾU “HOÀNG HẬU”

Nội dung chỉ mang lại thành công khi được lan truyền rộng khắp. Lúc này, marketer cần phải có kỹ năng SEO hiệu quả, tích cực kết nối với người dùng mạng xã hội, và tạo ảnh hưởng đến cộng đồng bằng các giá trị cá nhân của mình. Personal Branding cũng là công cụ hữu hiệu khi muốn đạt được mục tiêu này.

RỐT CUỘC, INBOUND MARKETING ĐƯỢC TRIỂN KHAI NHƯ THẾ NÀO?

Để hình dung một cách trực quan, các anh chị em có thể tham khảo Infographic sau để biết các bước triển khai Inbound Marketing.

Viết bởi Tào Xuân Minh,
Sáng lập New Marketer (Digital Marketing Agency)
(Chia sẻ bài viết từ fb của bạn Nguyet Que Tran)

Leave a Reply

WeTransform